Smartphone Android lại bị cài mã độc, người dùng phải sống sao?
Một cuộc nghiên cứu tại công ty bảo mật có tên Kryptowire đã khám phá ra rằng có một vài dòng smartphone Android đang tự động gửi những dữ liệu nhạy cảm của người dùng, chẳng hạn như tin nhắn cá nhân, về các máy chủ đặt tại Trung Quốc.
Điều đáng nói ở chỗ những phần mềm "gián điệp" lại đến từ bên phần mềm thứ ba được cài đặt sẵn vào máy chứ không phải là phần mềm gốc được các nhà sản xuất smartphone cài vào.
Không chỉ gửi đi tin nhắn, những chiếc smartphone Android đó còn gửi cả vị trí, danh bạ, các cuộc gọi đã thực hiện,... Quan trọng hơn hết là không chỉ có smartphone Android và có tới hơn 700 triệu thiết bị, bao gồm cả xe hơi và những thiết bị thông minh khác cũng bị dính mã độc này.
Krytowire đã đi điều tra và kết quả là những dòng code "độc hại" được "ủ" trong các smartphone Android và những thiết bị khác đã đến từ một công ty công nghệ ở Trung Quốc có tên là Shanghai Adups.
"Nạn nhân" gần đây nhất của công ty trên chính là hãng smartphone BLU, hãng smartphone này đã chia sẻ với tờ báo The New York Times rằng có đến 120 ngàn chiếc smartphone của họ đã bị nhiễm mã độc và BLU đang cố gắng khắc phục điều này.
Sau khi nhận được thông tin cáo buộc mình là công ty cung cấp phần mềm "gián điệp", công ty Shanghai Adups đã đính chính rằng những phần mềm của họ không được cài trên các smartphone được bán ở Mỹ, điển hình là dòng smartphone của BLU. Hơn nữa, phần mềm của học không được thiết kế để làm "gián điệp" mà chỉ "xem qua các hành vi sử dụng smartphone của người dùng" mà thôi.
Theo trang BGR, còn quá sớm để có kết luận chính thức rằng ai là người sai trong trường hợp này. Nhưng trước mắt Google đã yêu cầu Shanghai Adups gỡ ngay những đoạn code đang được để sẵn trong những chiếc smartphone hay các thiết bị dùng các dịch vụ do Google cung cấp.
Qua trường hợp này chúng ta lại được một lần nữa dấy lên câu hỏi: Liệu Google có nên "đóng" hệ điều hành Android lại như cái cách mà Apple đã thực hiện với iOS nhằm ngăn chặn những tình trạng tương tự xảy ra?
"Tính mở" của Android, tức mã nguồn của "những chú robot xanh" được các nhà sản xuất smartphone và cả những nhà lập trình viên được tuỳ nghi sử dụng đã vô tình tạo ra những bất cập về mặt bảo mật cho người dùng.
Chúng ta chẳng biết được rằng liệu smartphone Android hay những thiết bị thông minh đang sử dụng các dịch vụ từ Google có bị "biến thể" về mặt phần mềm hay chưa, từ đó tạo ra tâm lý rất hoang mang cho người dùng phổ thông.
Đặc biệt hơn đây không phải là lần đầu tiên những chiếc smartphone Android, đặc biệt là dòng smartphone đến từ Trung Quốc, bị cáo buộc về việc thu thập trái phép thông tin của người dùng.
Trước đây Xiaomi đã từng dính phải scandal này nhưng họ đã giải quyết nhanh gọn và nhanh chóng lấy lại lòng tin của người dùng. Giờ đây đến lượt BLU và Shanghai Adups mắc vào sự việc tai tiếng trên.
Điều này không chỉ làm tổn hại danh tiếng của những dòng smartphone Trung Quốc nói chung mà còn tạo cơ hội cho những dòng smartphone đến từ các quốc gia khác có cơ hội để dìm các đối thủ đến từ Trung Hoa.
Tóm lại thì trong một xã hội công nghệ số, thông tin của mỗi người là điều quý giá và cần được bảo mật cẩn thận, thế nên khi chọn mua smartphone, hãy chọn những hãng có uy tín trên thị trường để giúp chúng ta yên tâm hơn khi rinh smartphone về nhà bạn nhé.
Xem thêm:
- Đừng tin! Smartphone không thể bị hack chỉ là... chiêu trò quảng cáo
- Thiết bị Android ngày càng mất kiểm soát và bị hacker thao túng
- Không chỉ có Android, những hệ điều hành khác cũng có thể bị hack
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.