Chất lượng thực sự của flagship Trung Quốc có "như lời đồn"?
Trung Quốc đang ngày càng trở thành một đế chế smartphone hùng mạnh. Thời gian đầu họ chỉ tấn công chủ yếu vào phân khúc bình dân giá rẻ. Tuy nhiên gần đây sự tấn công ồ ạt lên flagship của các hãng Tàu cũng đang khiến các ông lớn phải e ngại. Vậy chất lượng thực sự của những chiếc flagship “Made in China” là như thế nào?
Xem lại:
- Flagship, mục tiêu mới của các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc
- Hậu phương các hãng Trung Quốc đã có gì để lấn sân lên flagship?
Giờ đây smartphone Trung Quốc không còn là điện thoại “rẻ mạt”, cấu hình yếu và chất lượng kém. Các hãng di động Trung Quốc đã mạnh dạn tung ra nhiều mẫu flagship với cấu hình cao ngang ngửa, thậm chí một số mẫu khi mới tung ra còn “tự tin” mạnh mẽ hơn cả smartphone đầu bảng của những hãng nổi tiếng. Mức giá thì hiện không “rẻ mạt” nữa nhưng vẫn luôn rẻ hơn các thiết bị khác có cùng cấu hình.
“Bậc thầy” AnTuTu, Benchmark
Nếu dùng điểm AnTuTu để làm thước đo sức mạnh, có lẽ những chiếc flagship đến từ Trung Quốc không hề ngán khi phải đối đầu với bất cứ siêu phẩm nào. Ví dụ như trong một bài test điểm số giữa Huawei P8, LG G4, Samsung Galaxy S6 và iPhone 6, chiếc Huawei P8 đã có điểm số “một 9 một 10” khi so cùng những chiếc smartphone đầu bảng của 3 nhà sản xuất lớn, với mức giá thậm chí chỉ bằng một nửa so với iPhone 6 ngoài thị trường.
Hoặc mới đây Xiaomi đã trình làng chiếc smartphone cao cấp của mình là Mi 5, được xem là chiếc smartphone mạnh mẽ nhất của thế giới AnTuTu ở thời điểm hiện tại. Trong sự kiện ra mắt, Xiaomi đã chẳng ngần ngại so sánh Mi 5 với các flagship cùng thời đến từ nhiều hãng sản xuất khác nhau. Như thường lệ, điểm benchmark thông qua trình AnTuTu luôn được Xiaomi sử dụng như một công cụ để so sánh với các smartphone cùng thời.
Điểm benchmark 142.084 trên chiếc flagship mới nhất của Xiaomi đã vượt qua các đối thủ là LG G5 và Galaxy S7. Mi 5 được trang bị vi xử lý mới nhất từ Qualcomm là Snapdragon 820, với xung nhịp tối đa là 2,15 GHz. Trong khi đó, LG G5 cũng sử dụng chipset tương tự, Galaxy S7 sử dụng Exynos 8890 nhưng chỉ đạt lần lượt 133.054 và 116.668 điểm, thấp hơn hẳn Mi 5.
Xem thêm: Xiaomi Mi 5 đạt 142.084 điểm AnTuTu, vượt qua Galaxy S7 và LG G5
Nhưng thực tế thì…
Nhưng điểm số trên AnTuTu chỉ thực sự có giá trị trên sân khấu. Khi sử dụng smartphone đến từ Trung Quốc bạn sẽ gặp không ít phiền toái. Đó chính là giao diện người dùng Android đã được tuỳ biến đôi khi vô cùng khủng khiếp, khó sử dụng và một vài sản phẩm “xấu số” còn không bao giờ nhận được bất cứ bản cập nhật nào. Thêm điểm yếu khác đó là thiết bị của một số hãng thậm chí không được cài đặt cửa hàng CH Play, không sử dụng được các ứng dụng của Google khi phân phối ở vài thị trường.
Flagship đến từ Trung Quốc cũng đang bị đặt dấu hỏi về độ bền và lỗi vặt. Đơn cử như những phàn nàn vừa qua của người dùng về việc thiết bị chạy chip MediaTek Helio X10 cho hiệu năng Wifi kém. Hay những smartphone của các hãng chưa phân phối chính thức ở thị trường, nếu có hư hỏng sẽ rất khó sửa chữa hoặc chờ đợi linh kiện thay thế rất lâu. Đó là chưa kể đến những nguy cơ tiềm tàng về bảo mật mà người dùng vẫn hay lo lắng.
Xem thêm: Hàng loạt smartphone dùng chip Helio X10 dính lỗi WiFi
Để tiết kiệm tối đa chi phí, sản xuất ra những smartphone cấu hình cao, tương đương các đối thủ nhưng mức giá thấp hơn. Ngoài các phụ kiện quan trọng như bộ vi xử lý, camera, RAM, vật liệu thiết kế phải sử dụng hàng chất lượng để tăng hiệu năng. Họ sẽ tiết kiệm ở những nơi mà người dùng ít để ý đến, hoặc không ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất sử dụng như chip wifi, loa ngoài, chất lượng âm thanh hay bo mạch, linh kiện truyền dẫn. Điều này khiến cho phần lớn flagship Trung Quốc có điểm AnTuTu cao “ngất trời” nhưng khi sử dụng thì lại không được như mong đợi.
Dù sao nói đi thì cũng phải nói lại, câu “tiền nào của nấy” luôn luôn đúng với mọi thời điểm và hoàn cảnh. Rõ ràng với một sản phẩm có mức giá rẻ hơn khá nhiều thì không thể đòi hỏi chúng có thể cạnh tranh sòng phẳng với những siêu phẩm khác. Chỉ vì những thông số lý thuyết đã làm chúng ta quá hi vọng vào sản phẩm mà thôi.
Tóm lại, flagship Trung Quốc chưa thể đứng ngang hàng cùng những flagship “gạo cội” khác, nhưng nếu xét sản phẩm cùng mức giá, họ là “bá chủ” và chắc chắn họ không có đối thủ. Xét cho cùng, yếu tố giá thành có thể quyết định tất cả nhu cầu mua sắm của người dùng, chính vì thế những flagship Trung Quốc hiện đang có trên thị trường cũng rất-đáng-mua.
Bạn đã từng dùng một chiếc smartphone cao cấp đến từ các hãng Trung Quốc chưa và có cảm nhận như thế nào? Hãy cho mình và mọi người biết ý kiến của bạn qua khung bình luận bên dưới nhé!
Xem thêm: Flagship Trung Quốc phát triển sẽ có lợi cho người tiêu dùng!?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.