Bạn muốn tắm smartphone? Hãy xem qua các chuẩn chống nước này!


Khả năng chống nước trên smartphone ngày càng "bá đạo". Nó không chỉ dừng lại ở mức cơ bản như chống các hạt nước nhỏ từ cơn mưa hay vô tình đổ nước uống từ bàn ăn vào chẳng hạn,... Mà giờ đây, smartphone còn có thể vô tư lặn sâu dưới 1.5 mét nước trong vòng 30 phút.
Người xưa thường có câu: "Của bền tại người". Dù cho smartphone có khả năng chống nước, nhưng không vì thế mà các bạn ỷ lại để rồi thường xuyên trình diễn các màn gây sốc như: Bỏ vào nồi lẩu, rửa bằng nước (chưa kể có khi rửa bằng bia, nước ngọt,...) và cứ vài ngày lặn sâu dưới biển để chụp ảnh. Tất cả những điều này các bạn chỉ nên tham khảo trong những chương trình quảng cáo mà thôi, trừ phi đích thân nhà sản xuất cam kết là smartphone của họ có những khả năng đó và thoải mái nhận bảo hành khi người dùng "buồn buồn" thực hiện theo.
Chứ năm xui tháng hạn ai mà biết được, rồi làm theo các đoạn quảng cáo "tắm smartphone" được chia sẻ trên YouTube chẳng hạn, sau đó máy bị hư hỏng nặng và nhà sản xuất từ chối bảo hành, dù bạn có đứng nhiều tiếng đồng hồ cũng không thuyết phục được họ. Hên thì lúc thử làm theo có quay video để đăng lên YouTube kiếm tiền quảng cáo bù lại cái máy bị hư, còn xui thì trắng tay vài triệu hoặc hơn chục triệu (tùy máy). Chưa kể, do bận công việc làm ăn nên không phải ai cũng rảnh rỗi tới lui trung tâm bảo hành, còn nếu đưa cho nhà phân phối đem đi bảo hành giùm thì xác định là ít nhất 10 ngày mới nghe được tin về chiếc smartphone của bạn, nhiều khi hãng còn trả về không tiếp nhận bảo hành vì những lý do "chỉ có họ mới biết". Thế là vừa tốn tiền, vừa mất nhiều thời gian vô ích cho một lần táy máy tò mò.
Mấy cái chuẩn IP chống nước, bụi mà nhà sản xuất smartphone đưa ra thì bạn nên "để dành" đó phòng trường hợp bất cẩn thì sẽ tốt hơn. Dưới đây là một số thông tin về các chuẩn IP chống nước và bụi đang được phổ biến trên các dòng smartphone, mời các bạn tham khảo để bảo vệ máy tốt hơn.
Xếp hạng IP là gì?
Xếp hạng IP (bảo vệ chống xâm nhập) là tiêu chuẩn quốc tế để đo mức chống bụi và chống nước của một thiết bị. Chữ số đầu tiên trong mã IP hai chữ số cho biết mức độ bảo vệ chống lại các vật rắn bao gồm bụi. Chữ số thứ hai cho biết mức độ chống nước của một thiết bị. Để đạt được xếp hạng IP, điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc phụ kiện của bạn phải trải qua kiểm tra độc lập, được chứng nhận.
1. Chống các vật rắn và bụi
- IP0X: Không bảo vệ đặc biệt.
- IP1X: Được bảo vệ chống vật rắn đường kính > 50 mm.
- IP2X: Được bảo vệ chống vật rắn đường kính > 12,5 mm.
- IP3X: Được bảo vệ chống vật rắn đường kính > 2,5 mm.
- IP4X: Được bảo vệ chống vật rắn đường kính > 1 mm.
- IP5X: Được bảo vệ chống bụi; hạn chế xâm nhập (không có chất bám gây hại).
- IP6X: Chống bụi.
2. Chống nước
- IPX0: Không bảo vệ đặc biệt.
- IPX1: Được bảo vệ chống nước nhỏ giọt.
- IPX2: Được bảo vệ chống nước nhỏ giọt khi nghiêng tối đa 15 độ từ vị trí bình thường.
- IPX3: Được bảo vệ chống nước xịt.
- IPX4: Được bảo vệ chống nước bắn tung tóe.
- IPX5: Được bảo vệ chống lại tia nước áp suất thấp trong ít nhất 3 phút.
- IPX6: Được bảo vệ chống lại tia nước mạnh trong ít nhất 3 phút.
- IPX7: Được bảo vệ khỏi tác động của việc ngâm trong nước lên tới 1 mét trong 30 phút.
- IPX8: Được bảo vệ khỏi tác động của việc ngâm liên tục trong nước ở độ sâu hơn 1 mét. Các điều kiện chính xác được nhà sản xuất quy định cho từng thiết bị.
Ví dụ: Khi kết hợp mục 1 (IP6X) và 2 (IPX8) lại với nhau, chiếc smartphone đó sẽ đạt chuẩn IP68 - chuẩn này đang rất thịnh hành.
Một số đại diện smartphone đạt chuẩn IP tốt nhất hiện nay
1. Smartphone cao cấp
- Samsung Galaxy S7 và S7 Edge đạt chuẩn IP68.
- Sony Xperia Z5, Z5 Premium và Z3 Plus đạt chuẩn IP68.
- Motorola Moto X Style đạt chuẩn IP52 (tùy model).
2. Smartphone tầm trung
- Sony Xperia M5 Dual đạt chuẩn IP68.
- Sony Xperia M4 Aqua và M4 Aqua LTE đạt chuẩn IP68.
- HTC Desire Eye đạt chuẩn IPX7.
- Motorola Moto X Play đạt chuẩn IP52 (tùy model).
3. Smartphone bình dân, giá rẻ
- Motorola Moto G (3rd gen) đạt chuẩn IPX7.
Trường hợp nào để nhà sản xuất từ chối bảo hành smartphone bị nước làm hư hỏng?
Theo thông tin bảo hành từ phía Sony cho biết, nếu thiết bị đạt chuẩn IPX8, thì khi đó bạn có thể sử dụng thiết bị trong bể bơi khử trùng bằng clo. Tuy nhiên, tránh để thiết bị trong bể bơi quá lâu và nhớ rửa sạch kỹ bằng nước sạch sau khi bạn lên bờ. Còn những máy đạt chuẩn IPX7 trở xuống không nên tiếp xúc với nước được khử trùng bằng clo. Nếu bạn vi phạm hai điều này thì Sony sẽ từ chối bảo hành thiết bị của bạn khi bị nước làm hỏng.
Điều quan trọng cần biết, nếu bảo hành của bạn không bao gồm thiệt hại hoặc lỗi do lạm dụng hoặc sử dụng không đúng của thiết bị, bao gồm sử dụng trong môi trường vượt quá giới hạn xếp hạng IP thích hợp. Cũng lưu ý rằng các phụ kiện tương thích, bao gồm pin, bộ sạc, thiết bị rảnh tay và cáp micro USB, không chống nước và chống bụi.
Hy vọng, thông qua bài viết phía trên các bạn sẽ hiểu thêm về các chuẩn IP chống nước để bảo vệ smartphone tốt hơn, cũng như nắm được phần nào chính sách bảo hành trong trường hợp này từ phía nhà sản xuất.
Xem thêm:
- Không cần trà Dr Thanh, vẫn có cách giải nhiệt cho smartphone
- Smartphone sẽ chậm & mau hết pin hơn khi trời nóng, đó là sự thật!?
- Các sự cố thường gặp và cách bảo vệ smartphone khi thời tiết quá lạnh
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.