Đâu là tiêu chuẩn thực sự của một chiếc smartphone siêu bền?

Sự kiện Samsung ra mắt chiếc Galaxy S7 Active vào ngày 6/6 vừa qua một lần nữa dấy lên chủ đề smartphone siêu bền và người dùng được dịp so sánh giữa các dòng máy đang được quảng cáo là nồi đồng cối đá hiện nay. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự xác định được tiêu chuẩn để đánh giá một smartphone có thực sự bền hay không?
Hiện nay chúng ta đang chứng kiến một số tiến bộ mà các nhà sản xuất điện thoại đang quảng cáo là sẽ mang đến khả năng chống chịu tốt hơn cho các thiết bị. Không chỉ được thiết kế với cấu trúc khung vỏ cứng chắc hơn, mà nhiều mẫu flagship đã có thể tự tin đối mặt với các thử nghiệm thả rơi, va đập hay chống nước trong thời gian dài.
Trước đây, nói đến độ bền chắc chắn phải nhắc tới huyền thoại Nokia với thiết kế “nồi đồng cối đá” với khả năng chịu đựng vô địch trong các dòng điện thoại. Tuy nhiên đó là trong thời đại của điện thoại phổ thông, còn ở kỷ nguyên của smartphone, Motorola có thể coi là hãng tiên phong về độ bền với các dòng Moto Droid lừng lẫy (sắp tới là dòng Moto Z).
Nhưng khi Motorola chững lại thì Sony và Samsung (gần đây là LG và cả HTC) đã vượt lên trở thành những ngọn cờ đầu về việc áp dụng các công nghệ tăng cường độ bền cho smartphone, đơn cử như các bộ tiêu chuẩn chống nước, chống bụi mà ta hay gọi là IP. Từ tiêu chuẩn IP67 rồi gần đây là IP68, Sony và Samsung liên tục quảng cáo về khả năng ngâm nước trong vòng 30 phút trở lên ở độ sâu từ 1-1.5 mét.
Xem thêm: Bạn muốn tắm smartphone? Hãy xem qua các chuẩn chống nước này!
Tuy nhiên, trong thực tế, các sản phẩm đạt chuẩn này lại thường bị các nhà sản xuất từ chối bảo hành khi gặp sự cố với nước và thường khuyến cáo người dùng hạn chế không ngâm vào nước, hoặc chỉ ngâm vào nước tinh khiết (?!). Điều trớ trêu này khiến rất nhiều người dùng bất bình thậm chí có cảm giác bị lừa.
Nếu thực sự tìm hiểu về bộ tiêu chuẩn IP Code sẽ hiểu, cả hai mã IP67 và IP68 đều chưa phải là đỉnh cao nhất của công nghệ bảo vệ thiết bị mà vẫn có rất nhiều điểm hạn chế. Để đạt tới mức độ cao nhất về công nghệ này, thiết bị phải có chuẩn IP69K – tức là có khả năng “chịu được tia nước áp lực cao và nhiệt độ lớn”.

Dù vậy, vẫn chưa có một mẫu flagship nào của tất cả các hãng lớn đạt được chứng nhận này. Lý do là các chất liệu sử dụng chế tạo smartphone và hạn chế về khả năng thiết kế cấu trúc không cho phép hy sinh tính thẩm mỹ để đáp ứng tiêu chuẩn này. Vì vậy bạn chỉ có thể thấy IP69K các điện thoại đặc biệt dành cho quân đội hoặc các ngành phải thường xuyên làm việc trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt.
Nói đến tiêu chuẩn quân đội thì chuyện chống bụi chống nước chỉ là những yếu tố rất cơ bản, ngoài ra một thiết bị để được công nhận là siêu bền còn phải có khả năng chống nước mặn, độ ẩm, chấn động, bức xạ mặt trời, va đập và sốc nhiệt. Đó là lý do tại sao Samsung S7 Active có chứng nhận MIL-STD-810G đáp ứng các điều kiện này.
MIL-STD hay MIL-SPEC, hoặc viết tắt là “MilSpecs” (Military Specification) là tiêu chuẩn do Bộ quốc phòng Mỹ quy định để xác định một vật thể có đủ tính chất kỹ thuật để được sử dụng trong quân đội Hoa Kỳ.
Bộ tiêu chuẩn MIL-STD này có tới hơn 37 mức độ khác nhau, đối với trường hợp của S7 Active, MIL-STD-810G có nghĩa là thiết bị đã trải qua các phương pháp thử nghiệm để đánh giá các tác động của môi trường bên ngoài.
Hy vọng là bài viết này đã cung cấp thêm những thông tin hữu ích cho độc giả để có thể lựa chọn một chiếc điện thoại thông minh thật sự “siêu bền” đúng như mong muốn.
Xem thêm:
- Cận cảnh hàng độc Galaxy S7 Active "nồi đồng cối đá" của Samsung
- Smartphone "nồi đồng cối đá" đọ sức với... bột mì
- Galaxy S5 vẫn dùng "ngon" cho dù ở ngoài trời mưa gió hơn 200 ngày
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.