Nếu bạn đang sử dụng smartphone chạy hệ điều hành do Google cung cấp, hẳn chúng ta đã quen với "điệp khúc" có nguy cơ bị hacker tấn công cao hơn hẳn, bằng cách này hay cách khác.
Và quả thực là như thế, trong tuần qua đã có thêm những "chú dế thông minh" có mức giá khá dễ chịu bị cáo buộc rằng chúng đã chứa sẵn firmware độc hại, cho phép chúng tự ý thu thập thông tin từ những thiết bị đã bị lây nhiễm mã độc, hiển thị quảng cáo ngay trên màn hình chính hoặc tự ý khở động phần mềm và tải các file APK không mong muốn vào máy của "nạn nhân".
Dr.Web, công ty bảo mật và chống virus tại Nga, đã phát hiện ra hai loại trojan chính được tích hợp vào trong firmware của một số lượng lớn các thiết bị Android dùng chip MediaTek, đa phần đang được bán tại thị trường Nga.
Theo trang thehackernews, hai loại trojan này được đặt tên là Android.DownLoader.437.origin và Android.Sprovider.7, có khả năng tự thu thập thông tin, kết nối với người ra lệnh hoặc máy chủ, có thể tự cập nhật, tải ứng dụng ngầm về dựa trên chỉ thị từ các máy chủ của chúng.
Danh sách các thiết bị bị nhiễm khá dài, nhưng rất may mắn là các smartphone đó không được bán tại Việt Nam, chẳng hạn như các hãng MegaFon, Bravis, Irbis, Pixus,... chẳng máy ai sử dụng tại mảnh đất hình chữ S, chỉ trừ có hai dòng máy Lenovo A319 và Lenovo A6000 mà thôi.
Điều khó chịu của những con trojan này nằm ở chỗ, nếu các bạn xóa đi những ứng dụng mà nó đã ngầm cài đặt thì trong 1 thời gian sau, các ứng dụng đó vẫn sẽ có mặt tren smartphone của bạn.
Việc hệ điều hành Android đang phải hứng chịu những đợt "tấn công bẩn" như thế này không phải là hiếm, vào tháng trước, Kryptowire, một hãng bảo mật, cũng đã phát hiện ra lỗ hổng backdoor trong firmware của 700 triệu chiếc smartphone Android đang được bán ra ngay tại Mỹ. Lỗ hổng này cho phép các tin tặc có thể ngầm lấy trộm dữ liệu và gửi chúng về máy chủ ở... Trung Quốc.
Sự việc trên đã làm chsung ta ngày càng e ngại về tính bảo mật thông tin của người dùng trên các smartphone Android. Dẫu biết rằng bất cứ hệ điều hành nào, từ iOS cho tới Android, từ Windows cho tới Ubuntu, đều có những lỗ hổng có thể bị khai thác bởi các tin tặc hay các công ty có ý đồ xấu.
Thế nhưng với tính "mở" quá rộng lớn của mình và dường như Google chẳng thèm kiểm soát điều đó đã làm người dùng có nguy cơ trở thành "miếng mồi ngon" cho bọn hacker trong một thời đại mà sự an toàn và bảo mật thông tin đang được đề cao hơn bao giờ hết.
Cách để tự bảo vệ thông tin của chúng ta trong lúc này có lẽ nằm ở việc không nên sử dụng những chiếc smartphone Android không có xuất xứ rõ ràng hay thương hiệu quá ít người biết đến. Thường xuyên kiểm tra xem máy có các dấu hiệu bất thường hay không (tự bật 3G, tự xuất hiện quảng cáo, đôi lúc có xuất hiện ứng dụng lạ,...).
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên hạn chế cài các ứng dụng không có trên Play Store, và ngay cả khi bạn cài game hay app trên "chợ ứng dụng" của Google, chúng ta cũng nên đọc trước một số đánh gái của những người đã tải về, cũng như thử bấm vào nhà phát triển ứng dụng đó để xem họ có những ứng dụng đáng tin cậy hay không nữa nhé.
Bạn có cảm thấy an tâm về độ bảo mật thông tin trên smartphone bạn đang dùng? Theo bạn Google cần phải làm gì để chấm dứt tình trạng này? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé.
Xem thêm: