'Triết lý thiết kế' - Sản vật quý giá nhất của HTC
HTC giờ đây chỉ còn là cái bóng của chính mình sau những nước cờ sai lầm. Nhưng dù đứng trên đỉnh cao hay thất bại, có thể nói triết lý thiết kế chính là “sản vật” quý giá nhất mà HTC từng sở hữu và đem đến với thế giới smartphone.
Những năm tháng ẩn mình
Quay ngược dòng thời gian về cách đây khoảng một thập kỷ, có thể nhiều bạn còn nhớ cơn sốt điện thoại O2 ở thị trường Việt Nam. Thời điểm ấy, PDA (thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân) là một trào lưu có phần xa xỉ trong giới công nghệ. Các thương hiệu như HP iPAQ, O2, iMate, Palm Treo… giờ đây khi nhắc lại chắc cũng làm không ít người thế hệ 8X nao lòng. Ngày đó, chiếc điện thoại O2 là niềm ao ước của nhiều thanh niên Việt, cũng như giới trẻ mê iPhone bây giờ vậy.
Tại sao mình nhắc lại trào lưu này? Vì có một điều không phải ai cũng biết: iPAQ, O2, iMate, Palm Treo,… đều được nuôi dưỡng từ một mái nhà chung, High Tech Computer. Bạn đã thấy quen thuộc chưa nào, đó chính là cái tên viết tắt HTC mà chúng ta thường hay gọi. Trong suốt nhiều năm trời HTC đã ẩn mình gia công sản phẩm theo đơn đặt hàng. Bạn sẽ không thể tìm được bất cứ thiết bị nào có gắn logo HTC trên mình. Đơn giản vì ở thời điểm này, định kiến người dùng về hàng Đài Loan còn quá lớn, nên gần như không ai biết đến sự tồn tại của HTC.
Sau hơn mười năm cần mẫn, năm 2007 HTC quyết định bước ra ánh sáng với thương hiệu riêng. “Lính mới” thì lúc nào cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng khi liên tục thành công với những mẫu smartphone Android cùng mức lợi nhuận lên đến vài trăm % một năm, người ta mới giật mình nhận ra sức mạnh thật sự của một hãng gia công ngày trước.
Hơn một thập niên ngậm ngùi núp bóng của HTC không hề vô nghĩa, kinh nghiệm mà hãng cóp nhặt được đã giúp HTC vượt mặt tất cả các đối thủ trước đó từng thuê họ gia công.
Câu chuyện HTC One
Dòng sản phẩm One là nhân tố giúp HTC nâng tầm đẳng cấp, nhưng cũng lại chính là nhân vật khiến họ sa lầy như hiện nay. HTC bắt đầu theo đuổi triết lý thiết kế kim loại nguyên khối từ chiếc One M7. HTC One M7 quá đẹp và quyến rũ, giới hâm mộ đã cực kỳ phấn khích vì cuối cùng cũng có một đại diện đến từ thế giới Android đủ tầm để đọ dáng cùng iPhone. One M7 là chiếc smartphone đầu tiên nhận được sự quan tâm tột bậc từ giới chuyên môn lẫn người dùng. Vậy mà có ai ngờ, mối quan tâm ấy vô hình tạo nên sự kỳ vọng quá lớn đối với công chúng. Dẫn đến những sản phẩm tiếp theo của HTC dù có tốt nhưng vẫn bị đánh giá “dưới mức mong đợi”.
Bước sang One M8, vẫn kim loại nguyên khối tuy có phần trau chuốt hơn, nhưng cách bố trí một số chi tiết lại không đẹp và hài hoà như M7. Ví dụ như phần phím điều hướng được dời vô trong màn hình, nhưng dải viền đen cùng logo HTC vẫn giữ nguyên khiến cho viền màn hình có cảm giác càng dày thêm.
Cuối năm 2014, bộ đôi iPhone 6 / 6 Plus ra đời và càn quét mọi thể loại bảng xếp hạng về smartphone, Samsung thì trình làng chiếc Note Edge màn hình cạnh cong độc đáo. Điều này làm cho các tín đồ HTC lại càng tin chắc những động lực trên sẽ khiến HTC tung ra sản phẩm đột phá.
Thật vậy, chiếc One M9 ngay khi được công bố tại MWC 2015 đã làm ngỡ ngàng toàn bộ giới công nghệ. Vì nếu không lật sang mặt lưng, chắc khó ai đoán được đâu là M8, và đâu là M9. Chiếc flagship này tỏ ra lép vế hoàn toàn so với Samsung Galaxy S6 / S6 Edge ra mắt cùng lúc ở sự kiện. One M9 không hề xấu, nó vẫn đẹp, nhưng là đẹp theo cách y hệt như One M8, flagship của HTC vẫn “giữ vững phong độ” sau đúng một năm. Đến đây thì ngay cả những người yêu mên HTC nhất cũng không biết bào chữa gì, và bám víu vào đâu nữa rồi.
Rõ ràng thiết kế của HTC là quá tuyệt vời, triết lý này đã mở ra một kỷ nguyên mới về chuẩn mực cái đẹp của một chiếc smartphone. Phải chăng sai lầm của HTC là dồn hết tâm huyết, tung hết bài vở vào ngay quân cờ đầu tiên, để rồi sau đó cạn kiệt ý tưởng và không tìm ra lối thoát?! Còn các nhà sản xuất khác thì từ ý tưởng “nhôm nguyên khối” đơn giản, họ đã nhào nặn và không ngừng hoàn thiện sản phẩm của mình. Họ làm tốt đến nỗi khiến cho HTC One A9 vướng vào cáo buộc “sao chép” thiết kế. Thật nực cười phải không nào, vì chẳng có ai đi theo triết lý của mình mà lại bị gọi là sao chép. Tất cả là do mọi người đã không còn đánh giá cao sức sáng tạo của HTC nữa, và những sự đổi mới giờ đây của HTC chỉ được coi là sản phẩm từ “đạo nhái” mà ra. Quá bất công!
HTC One X9 - chiếc phao cứu sinh?!
“Thất bại ở đâu, đứng dậy tại đó!”, đây mới là đúng là hành động để HTC chứng tỏ thực lực của mình. Không kèn không trống, HTC một lần nữa làm ngỡ ngàng tất cả mọi người khi trình làng chiếc One X9 ngay đêm Giáng Sinh. Vẫn phong cách thiết kế quen thuộc, nhưng dường như HTC đã biết cách lắng nghe người dùng hơn. Loa BoomSound kép bị cắt mất trên A9 nay được phục hồi, nút điều hướng dời ra ngoài trả lại không gian cho màn hình hiển thị. Duy chỉ còn logo HTC vẫn chiễm chệ ở mặt trước mặc những lời than phiền “ngứa mắt”. Nhiều khả năng đây mới chính là quân bài nhằm cứu vãn tình thế cho HTC, còn One A9 trước đây chỉ đóng vai trò lôi kéo sự chú ý của mọi người về phía HTC mà thôi.
“Đẹp, sang, sáng, và mới”, đây là bốn từ mình dành cho chiếc HTC One X9. Có lẽ quãng thời gian ảm đạm vừa qua chỉ là bước đệm để duy trì. Biết đâu được mọi thứ vẫn nằm trong chiến lược quen thuộc mà HTC đã vạch sẵn, dồn tất cả bài vở, sức lực vào một đòn duy nhất, như cách mà hãng đã làm với One M7 vậy.
Thời gian sẽ giúp trả lời tất cả, HTC đã sẵn sàng thay đổi, vì thế người dùng chúng ta cũng hãy cùng nhau sẵn sàng chờ đón những điều mới lạ mà HTC sẽ đem đến trong thời gian tới nhé!
Xem thêm: [Thương hiệu] HTC: Một thời hoàng kim và chiến lược giành lại thị phần
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.