Câu chuyện muôn thuở: Làm thế nào để phát hiện và ngăn chặn cuộc gọi lừa đảo?

Trong thời gian vừa qua, lừa đảo qua điện thoại để lấy cắp thông tin cá nhân người dùng đã và đang trở thành một trong những mối đe dọa chính đối với người dùng Việt Nam. Vậy các dấu hiệu lừa đảo qua cuộc gọi và cách phòng tránh cho mối đe dọa này là gì? Hãy cùng 24h Công nghệ tham khảo qua các dấu hiệu cần chú ý để phòng tránh lừa đảo qua điện thoại để giúp độc giả hiểu rõ hơn về tình huống này nhé.
Các dấu hiệu lừa đảo qua cuộc gọi mà bạn nên biết
Để phòng tránh bị lừa đảo qua cuộc gọi, chúng ta cần nắm được những dấu hiệu nhận biết khi có cuộc gọi đến từ một số lạ không quen biết hoặc từ một tổ chức, đơn vị không rõ ràng. Dưới đây là một số dấu hiệu cần chú ý:
Tỉnh táo với cuộc gọi tự xưng là cơ quan chức năng: Trong thời gian gần đây, các cuộc gọi lừa đảo trở nên tinh vi và nguy hiểm hơn. Những kẻ gian ác thường giả danh cơ quan công an, tòa án hoặc các tổ chức có uy tín để lừa dối, đe dọa và gây áp lực tâm lý cho người dân.

Những nạn nhân của các cuộc gọi lừa đảo thường là những người cao tuổi, nội trợ hoặc ít giao tiếp xã hội, không có thông tin mới. Mặc dù đã có nhiều cơ quan chức năng và báo chí cảnh báo về hình thức lừa đảo này, tuy nhiên vẫn có nhiều người vô tình bị mắc bẫy.
Một số hành vi lừa đảo thông qua cuộc gọi giả danh cơ quan nhà nước như giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng... yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra.

Theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng chỉ có thể giải quyết các hành vi vi phạm trực tiếp với công dân. Đồng thời, không có quy định nào cho phép cơ quan chức năng yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại.
Vì vậy, nếu nhận được cuộc gọi tự xưng là công an, người dân cần cảnh giác và bình tĩnh giải quyết.
Yêu cầu chuyển khoản và cung cấp thông tin cá nhân: Đây đều là dấu hiệu lừa đảo phổ biến là yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số CMND, số thẻ tín dụng, mật khẩu hay thông tin tài khoản ngân hàng.
Họ thường sẽ bắt đầu bằng cách hỏi một số câu hỏi cơ bản về tài khoản của bạn hoặc thông tin cá nhân của bạn, sau đó yêu cầu bạn cung cấp thông tin tài khoản hoặc chuyển khoản tiền để "giải quyết vấn đề". Đây là một ví dụ cụ thể về một cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại:

"Xin chào, tôi là đại diện của ngân hàng ABC. Tài khoản của bạn có vấn đề và chúng tôi cần thông tin tài khoản của bạn để giải quyết vấn đề này. Bạn có thể cung cấp cho tôi số tài khoản và mật khẩu của bạn được không?"
Nếu bạn cung cấp thông tin của mình, tội phạm có thể truy cập vào tài khoản của bạn và lấy cắp tiền của bạn. Vì vậy, nên cẩn thận với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ những cuộc điện thoại không rõ người gọi.
Số điện thoại không đăng ký hoặc không liên quan: Một số lừa đảo sử dụng số điện thoại không đăng ký hoặc không liên quan để thực hiện cuộc gọi. Nếu số điện thoại không phải là một số điện thoại cố định hay di động thông thường hoặc không liên quan đến một tổ chức hay đơn vị nào đó, đó có thể là một dấu hiệu lừa đảo.

Theo cảnh báo từ nhà mạng VNPT, người dùng điện thoại cần tăng cường đề phòng trước những cuộc gọi quốc tế không mong muốn. Những cuộc gọi hay tin nhắn đến từ nước ngoài sẽ xuất hiện ký hiệu cộng (+) hoặc 00 ở đầu số, và hai chữ số tiếp theo không phải là 84 - mã số quốc gia của Việt Nam.
Ví dụ, đến từ Moldova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226)... vì vậy, trước khi nhấc máy, hãy để ý xem số điện thoại có 'bình thường' không đã nhé.
Cẩn giác với những lời hứa không thực tế hoặc quá hấp dẫn: Một trong những chiêu thức mới nhất của các kẻ lừa đảo là giả danh các công ty, doanh nghiệp hoặc ngành nghề khác nhau, như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí và liên lạc với người dân thông qua điện thoại hoặc tin nhắn.

Những cuộc gọi hay tin nhắn này thường báo tin người dân đã trúng thưởng một phần quà hay chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về.
Tuy nhiên, để nhận được phần thưởng, người dân bị yêu cầu mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền. Điều này rất nguy hiểm vì khi người dân điền thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, tài khoản ngân hàng của họ có thể bị chiếm đoạt, tài sản bị lấy cắp.
Là một người dùng công nghệ thông minh, bạn cần làm gì để phòng tránh?
Để tránh rơi vào tình trạng lừa đảo qua điện thoại, chúng ta cần phải có các biện pháp bảo vệ bản thân. Sau đây là một số cách phòng tránh lừa đảo qua điện thoại mà bạn có thể áp dụng cùng với chiếc điện thoại của mình.

Đầu tiên là tính năng ghi âm cuộc gọi, đây là một tính năng rất hữu ích để giúp bạn lưu lại các cuộc gọi quan trọng hoặc giúp bạn bằng chứng khi cần thiết. Tuy nhiên, nó cũng là một công cụ hữu ích để chống lại các cuộc gọi lừa đảo.
Nếu bạn nhận được một cuộc gọi từ một số lạ, bạn có thể sử dụng tính năng này để ghi âm cuộc gọi đó. Điều này sẽ giúp bạn có được bằng chứng nếu đây là một cuộc gọi lừa đảo và bạn có thể sử dụng nó để báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc nhà mạng của mình.

Tính năng chống spam trên smartphone cũng là một công cụ hữu ích để giúp bạn phòng tránh các cuộc gọi lừa đảo. Các nhà sản xuất điện thoại thông minh hiện nay đều tích hợp tính năng này trong hệ điều hành của máy, giúp người dùng dễ dàng phát hiện và chặn cuộc gọi từ các số điện thoại spam.
Các số điện thoại spam thường có nguồn gốc từ các tổ chức quảng cáo, trang web lừa đảo hoặc các tập đoàn tín dụng. Tính năng chống spam sẽ giúp người dùng xác định được số điện thoại của người gọi và đưa ra cảnh báo nếu đó là một số điện thoại lạ mà bạn không hề muốn bắt máy.

Ngoài ra, điều hướng cuộc gọi cũng là một tính năng không thể thiếu để phòng tránh lừa đảo qua điện thoại. Vậy tính năng điều hướng cuộc gọi để làm gì và thực hiện như thế nào nhỉ?
Người dùng có thể thiết lập các danh sách liên lạc riêng tư và đặt các tiêu chí để chỉ định cuộc gọi đến từ các số điện thoại trong danh sách này sẽ được chuyển đến số điện thoại chính xác của họ.
Điều này giúp người dùng dễ dàng nhận ra các cuộc gọi đến từ bạn bè, gia đình và đối tác kinh doanh của mình. Nếu một số điện thoại không nằm trong danh sách này, người dùng có thể tiếp tục hoặc chuyển cuộc gọi đến sang số máy khác nếu bạn không trả lời.

Nhưng dù cho smartphone của bạn có nhiều tính năng thông minh, song, việc tự thân vận động bảo vệ thông tin cá nhân vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Nên nhớ rằng, đừng tự tiện cung cấp thông tin cá nhân của bạn cho bất kỳ ai trừ khi bạn hoàn toàn tin tưởng họ và biết chắc chắn rằng họ là đại diện của một tổ chức hoặc công ty chính thống nhé.
Tổng kết
Trên đây là một số các dấu hiệu lừa đảo qua cuộc gọi và cách phòng tránh lừa đảo qua điện thoại mà bạn có thể áp dụng để bảo vệ bản thân. Đồng thời, cần lưu ý rằng kẻ lừa đảo có thể sử dụng các chiêu thức mới và tinh vi hơn để đánh lừa người dùng, do đó, hãy cẩn trọng và luôn cập nhật thông tin về các chiêu thức lừa đảo mới nhất.
Xem thêm:
- 5 cách chặn cuộc gọi, tin nhắn rác cực kỳ hiệu quả trên điện thoại
- eSIM là gì? Ưu nhược điểm eSIM và có nên dùng eSIM trên iPhone không?
- TOP ví điện tử phổ biến, đáng sử dụng nhất hiện nay, bạn có biết?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.