Tin nhắn tự huỷ, chọn Wickr hay Snapchat?
Một khi mạng xã hội đã trở thành công cụ giao tiếp không thể thiếu của mỗi cá nhân, việc bảo mật thông tin thực sự rất cần thiết, sự ra đời của các ứng dụng tự hủy tin nhắn như Wickr hay Snapchat là một xu hướng tất yếu.
Sau sự cố hàng trăm ngàn tấm ảnh riêng tư, đoạn phim cùng thông tin cá nhân của người dùng Snapchat bị phô bày trên Internet vào tháng 10/2014. Người dùng đã đặt ra một dấu hỏi lớn về khả năng bảo mật thông tin của Snapchat, khi mà họ luôn khẳng định không lưu giữ tin nhắn của người dùng trên máy chủ. Trong khi đó, một bộ phận giới trẻ bắt đầu làm quen với ứng dụng miễn phí Wickr trên hệ điều hành iOS hoặc Android. Gần đây, Wickr giới thiệu phiên bản trên máy tính cá nhân chạy hệ điều hành Windows, Mac OS hoặc Linux.
Wickr xuất hiện lần đầu trên iPhone vào năm 2012, là một sự kết hợp giữa Snapchat và WhatsApp, do Nico Sell (người có tiếng tăm trong giới hacker mũ trắng - white-hat hacker) tạo ra. Nico Sell cũng chính là người tổ chức hội thảo Def Con, một trong những hội thảo lớn nhất thế giới của giới hacker. Trước khi được giới trẻ chú ý, Wickr chỉ đơn thuần là phương tiện của những người cẩn thận, những người đặc biệt quan tâm đến việc giữ kín thông tin cá nhân trên Internet. Sau sự cố của Snapchat, số người dùng Wickr tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2014, cũng như Wickr xuất hiện trong MV Black Widow của ca sĩ Iggy Azalea với khoảng 200 trăm triệu lượt xem trên YouTube.
Wickr cũng là một ứng dụng nhắn tin tự hủy tương tự Snapchat, tuy nhiên người nhận tin nhắn phải chạm tay vào màn hình để giữ nội dung muốn xem. Giao diện Wickr khá dễ làm quen, người dùng có thể gửi kèm theo âm thanh, hình ảnh, đoạn phim, thậm chí cả tài liệu PDF, đồng thời có thể tùy ý thời gian xem của tin nhắn từ ba giây đến sáu ngày. Để ngăn người nhận lưu tin nhắn bằng cách chụp ảnh màn hình, Wickr đòi hỏi người nhận phải giữ yên tay khi xem nếu không thì tin nhắn lập tức biến mất.
Điểm khác biệt lớn nhất của Wickr so với Snapchat nằm ở khả năng chuyển đổi toàn bộ thông tin thành mật mã. Ngay khi tin nhắn được tạo ra, khóa mật mã được phát sinh để dùng trong một lần gửi, tin nhắn được truyền đi ở dạng mật mã và chỉ giải được trên thiết bị của người nhận. Do nội dung tin nhắn trở thành mật mã ngay trên bộ nhớ của thiết bị, các ứng dụng khác trên cùng thiết bị không có khả năng đọc dữ liệu của Wickr. Nhờ điểm đặc biệt đó, Wickr được xem như ứng dụng nhắn tin tối mật (top secret messenger).
Bạn đã thực sự quan tâm đến việc bảo mật thông tin trên thiết bị di động của mình chưa? Và đã thử sử dụng các ứng dụng tự hủy tin nhắn Snapchat hay Wickr? Hãy cùng chia sẻ với Thegioididong về vấn đề này bằng comment bên dưới nhé!
Bài viết được gửi đến từ Khải Trần
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.