4 sản phẩm công nghệ VN "cả thế giới biết nhưng có thể bạn chưa biết"
Có lẽ đến tận bây giờ, trong thâm tâm nhiều người Việt: Nền công nghệ nước nhà vẫn còn khá "lạc hậu, kém cõi & không theo kịp thế giới!". Nhưng liệu khi suy nghĩ như vậy, chúng ta đã xem lại những thành tựu được gầy dựng từ chất xám Việt chưa?
Nếu chưa (hoặc thậm chí là có), mình cũng mời bạn cùng xem qua danh sách bên dưới. Đây là một tổng hợp về các sản phẩm công nghệ được chính người Việt tạo nên từ xưa đến nay.
1. Máy ATM
Theo ghi nhận của lịch sử: Nước Anh (ông John Shepherd-Barron) chính là nơi (người) đã khai sinh ra dòng Máy rút tiền tự động - ATM (Automatic Teller Machine). Song, đối với người Mỹ thì Luther George Simjian mới chính là "cụ tổ", người từng hoàn thành một phiên bản ATM sớm nhất vào năm 1939 và lắp đặt nó ở City Bank, New York.
Được biết cho đến nay, cả thế giới vẫn còn tranh cãi về nguồn gốc - xuất xứ cũng như chân dung người tạo ra máy ATM đầu tiên. Nhưng để vẹn cả đôi đường, thuận hoà thế giới thì nhân loại hiện đã & đang ghi nhận 2 nhân vật kể trên cùng James Goodfellow, Don Wetzel, John D. White, Jairus Larson, đặc biệt là TS. Đỗ Đức Cường như là 7 người cha đẻ/đồng sáng lập ra máy rút tiền tự động.
Nói về việc tạo ra máy ATM của bác Cường, thì trong một lần gặp mặt Tổng giám đốc City Bank ở Mỹ. Với những lời mời "nhập gia" và mục tiêu "bình dân hoá dịch vụ ngân hàng", bác ấy đã đồng ý và lên ý tưởng cho một loại máy rút tiền.
Xin thông tin thêm là hiện tại, vị tiến sĩ người Việt này đã trở về nước và trở thành cố vấn cấp cao cho một số đơn vị nổi tiếng như Đông Á Bank, Ngân hàng Sài Gòn Công thương, Bảo hiểm Bảo Việt, Taxi Mai Linh,... (Báo Lao Động cho biết)
2. Robot Tosy
Cũng giống như phát minh ATM, có thể nhiều bạn vẫn chưa biết về TOSY (TOSY Robotics) - một công ty chuyên nghiên cứu và sản xuất robot của Việt Nam.
Theo thông tin từ website hãng cung cấp thì công ty này được thành lập vào năm 2002 và hiện đã ra mắt khá nhiều sản phẩm. Ở đây chúng ta có thể kể đến: mRobo với tính năng nhảy múa - phục vụ văn nghệ, TOPIO - robot biết chơi bóng bàn hay các đồ chơi công nghệ cao khác như con quay TOOP/đĩa bay AFO,...
Với nhiều sản phẩm ưu việt như vậy nên TOSY luôn là một trong những công ty công nghệ Việt đi đầu ở việc tham gia các kỳ triển lãm hi-tech trên toàn thế giới. Đặc biệt hơn, họ còn ẵm được kha khá giải thưởng từ đây như Kỷ lục Guinness Toàn cầu cho TOOP (2011), Sản phẩm tốt nhất ở CES dành cho mRobo được bình chọn bởi Washington Post & Huffington Post (2012), DiscoRobo thì nhận giải sản phẩm tốt nhất tại Toy Fair (bầu chọn bởi Popular Science Magazine - 2012),...
3. Bphone
Được biết, trước khi Bkav ra mắt chiếc "smartphone hàng đầu thế giới" thì những Q-Mobile (nay là Q), Mobiistar cùng HKPhone,... là các đơn vị sản xuất và phân phối smartphone mang thương hiệu Việt tiên phong.
Nhưng xét công bằng thì Bphone mới chính là sản phẩm "được thiết kế và lắp ráp tại Việt Nam" (mặt sau máy in như thế - ảnh bên dưới), thế nên nó hoàn toàn xứng đáng để xuất hiện trong bài viết này!
Ở đây, mình xin không bàn lại những tranh cãi xung quanh cấu hình, trải nghiệm, lỗi vặt cũng như nguồn gốc thật,... của sản phẩm thực so với lời quảng bá có cánh từ anh "Quảng nổ".
Mình chỉ muốn mang vào để tôn vinh Bphone vì xét cho cùng, nó cũng là một thiết bị (phần nhiều) được tạo nên từ chất xám người Việt! Và một điểm đáng ghi nhận, "anh Quảng" đã đem Bphone đến triển lãm CES để giới thiệu cùng bạn bè thế giới một sản phẩm "Made in Vietnam".
Chẳng qua là số phận của nó kém may mắn hay đơn thuần chỉ tại cái giá hơi cao mà không đến gần được với nhiều người! Thôi thì chuyện cũ rồi cũng nên bỏ qua, chúng ta hãy cùng chờ Bphone 2 bạn nhé!
4. Bộ lập trình IoT
Gần đây khi lang thang trên mạng, mình tình cờ phát hiện ra trang web IoT Maker Vietnam. Đây là một trang chuyên đăng bán những bo mạch, bộ lập trình ứng dụng Internet of Things (IoT) do chính người Việt thiết kế & chế tạo.
Nhìn chung, giá thành của những sản phẩm này đều khá bình dân (dao động từ 150.000 đến 650.000 đồng), phù hợp cho cả những bạn sinh viên đang theo học các nghành điện - điện tử, yêu thích lập trình và muốn phát triển theo xu hướng IoT mới nổi!
Nếu có thời gian, mình nghĩ bạn nên dạo quanh để tham quan và biết đâu sẽ tìm được một sản phẩm ưng ý đấy!
Xem thêm: Bphone và câu chuyện của startup Việt: Còn lắm chông gai!
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.