Nếu không tự đổi mới, Apple sẽ bị thổi bay bởi những "làn gió mới"


Apple, gã khổng lồ 40 năm tuổi của làng công nghệ Hoa Kỳ và thế giới, vẫn còn rất "khỏe mạnh". Nhưng gã khổng lồ ấy sẽ mau chóng già đi, yếu đi như hai "ông già" Sony và Microsoft, nếu nhà Táo không còn đưa ra được thứ gì đó tốt hơn những chiếc đồng hồ Apple Watch.
Cách đây 40 năm, Apple ra đời, và đạt được thành công rực rỡ như hiện tại. Vậy 40 năm tới của công ty vừa mới kỷ niệm ngày sinh nhật hồi cuối tuần trước sẽ ra sao? Đó là một câu hỏi cần phải suy nghĩ thấu đáo, trong thời buổi công nghệ với sự giúp sức của quá trình toàn cầu hóa và internet, thay đổi một cách chóng mặt. Bên cạnh đó là sức ép của dư luận, thể hiện từ việc từ chối hợp tác với FBI để mở khóa iPhone của nạn nhân, cho đến trốn thuế ở Ireland và nhiều thứ khác nữa.
Xem thêm:
Hãy nhìn vào Sony, tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản (được thành lập vào năm 1946, sau thế chiến thứ hai và sẽ tròn 70 tuổi vào tháng 5 tới), để thấy rằng một thứ đã diễn biến xấu thế nào. Vào sinh nhật lần thứ 40, Sony phát minh ra máy nghe nhạc Walkman, đĩa CD và tivi Trinitron. Nhưng sau đó, khi thế giới ngày càng tiến sâu vào thời đại kỹ thuật số, và sau cái chết của nhà sáng lập Akio Moria, Sony chỉ còn là cái bóng của chính mình: Cắt giảm nhân sự, hầu như không thể tìm được vị thế dẫn đầu ở bất cứ lĩnh vực nào nữa. Máy chơi game PlayStation chỉ là ngoại lệ thành công duy nhất cho tới bây giờ.
Với Apple, cái chết của Steve Jobs vào năm 2011 cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo như cái chết của Moria và Sony. 5 năm sau đó, hồi chuông này tuy không còn được nghe rõ, nhưng nó vẫn văng vẳng đâu đây.
Đầu tiên là iPhone, sản phẩm thành công nhất của Apple. Ngày nay, điện thoại di động là thiết bị liên lạc duy nhất đã xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thế giới. 2,5 tỷ người đã sử dụng chúng. Nhưng 10 năm nữa, hoặc lâu hơn, số lượng điện thoại được tiêu thụ rồi cũng sẽ bão hòa. Các số liệu thống kê cho thấy, số lượng iPhone bán ra đã bắt đầu chững lại.
Tiếp đó là iPad. Từng được xem như là một bước tiến mới của ngành công nghệ trong năm 2010, nhưng sau 6 năm xuất hiện, số lượng iPad tiêu thụ đã giảm đi rất nhanh, gấp 2 lần so với iPod ra đời sớm hơn rất nhiều, vào 2001. Tuy số lượng đã giảm đi nhiều, nhưng ít nhất iPad vẫn bán tốt. Còn với Apple Watch, chúng ta không thấy bất cứ dấu hiệu nào chứng tỏ nó sẽ là một cú hit lớn so với những chiếc đồng hồ thông minh khác, như iPhone đã từng làm được với những chiếc điện thoại cùng thời. Vậy Apple sẽ phải làm gì tiếp theo? Tạo ra một danh sách những sản phẩm để mọi người thèm muốn là một công việc cực kỳ khó khăn. Có nhiều nguồn tin đồn rất đáng tin cậy rằng, Apple sẽ cho ra mắt một chiếc xe hơi trong tương lai. Tham vọng của Apple là sẽ trở thành một General Motors mới? Tương lai nào dành cho chiếc Apple Car, khi nó sẽ phải đối mặt với hàng tá đối thủ với đủ mọi mức giá, dày dặn kinh nghiệm trên thị trường xe hơi trong hơn một thế kỷ qua.

Nếu Apple Car là có thật, thì xu hướng này cũng sẽ trở nên lỗi thời trong vài năm tới, nhường chỗ cho những hệ thống VR (thực tế ảo tăng cường) cung cấp những trải nghiệm mới, hấp dẫn hơn, hay những hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể đánh bại những con người giỏi nhất. Microsoft (41 năm tuổi), Google (18 năm tuổi) và Samsung (47 năm tuổi) đã trở thành những tay đua kiệt xuất, trong khi Apple dường như vẫn còn đang đứng ngoài lề của đường đua này.
Những số liệu kinh doanh có dấu hiệu chững lại về số máy tiêu thụ, những màn giới thiệu sản phẩm thiếu chất như sự kiện vào cuối tháng 3 vừa rồi, những thảm họa trong thiết kế sản phẩm trong năm 2015, chắc chắn sẽ chưa thể làm thương hiệu và dấu ấn của Apple phai mờ ngay trong một vài năm nữa. Apple vẫn còn cứu cánh ở những thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi mà theo CNET thì "hầu hết người dân Việt Nam đều mong muốn một chiếc iPhone", với chiếc iPhone SE mới ra đời, Apple sẽ lại một lần nữa chiếm lĩnh một số lượng lớn khách hàng tiềm năng mới, ít tiền hơn, nhưng sẵn sàng chịu chi. Tuy nhiên, hãy nhìn vào tấm gương của Nokia, tìm được vinh quang ở những thị trường mới nổi, nhưng rồi thất bại dần dần ở những thị trường lớn (Mỹ, Trung Quốc, châu Âu).

Cho tới hiện tại, thương hiệu chính là yếu tố giúp Apple chiếm được niềm tin của khách hàng, nhưng Apple phải tránh chạy theo vào những trào lưu công nghệ nhất thời (bây giờ ai còn cần một chiếc tivi 3D?) để đầu tư cho những thứ dài hạn hơn. Microsoft, đối thủ của Apple, là một bài học ngay trước mắt. Microsoft đã từng đứng trên đỉnh với hệ điều hành Windows, Windows Mobile, bị đè bẹp bởi sự ra đời và phát triển vượt bậc của iPhone và hệ điều hành Android của Google, và phải mất gần một thập kỷ sau để bắt đầu gượng dậy và tìm con đường đi khác. Nếu Apple bỏ lỡ những làn sóng công nghệ đang lên tiếp theo, thương hiệu Apple chắc chắn sẽ bị lao dốc ngày càng sâu và phai mờ đi trong tâm trí người dùng.
Xem thêm:
- Một nhà thiết kế tài hoa từng tạo nên iPhone dứt áo ra đi khỏi Apple
- Apple rao bán 12 tỷ USD trái phiếu và cơ sở tái chế ở Hồng Kông
- Apple sử dụng công ty Trung Quốc cung cấp dịch vụ máy chủ
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.