Đánh đổi mạng sống sản xuất pin smartphone, chuyện thật ngỡ như đùa!
Gần đây, có vẻ vấn đề pin smartphone đang là một chủ đề hot bởi vì sau khi Samsung thu hồi toàn bộ Note 7 thì lại đến iPhone 7 tự phát nổ,... Thế nên nhân tiện mình cũng sẽ viết về vấn đề đánh đổi mạng sống để làm pin smartphone của những người dân nghèo!
Chuyện cái pin và những người nô lệ...
Đã rất nhiều lần mình hay các bạn phải thấy các tin tức nói về vấn đề áp bức nhân công, môi trường làm việc quá kém,... ở Trung Quốc, Đài Loan hay cả Việt Nam liên quan đến việc sản xuất đồ công nghệ.
Nhưng hôm nay, trong bài viết này, chúng ta sẽ tạm gác và không bàn về những người đang làm việc cho một doanh nghiệp hay công ty mà sẽ là những nô lệ. Những con người hiện đang phải kiếm miếng ăn từng ngày bằng cách mạo hiểm tính mạng cho những cái pin bên trong smartphone.
Congo - Cộng hoà Dân chủ Công-gô, một quốc gia ở Trung Phi, bạn biết chứ? Đó chính là một nơi cũng như Trung Quốc, được thiên nhiên ban tặng rất nhiều khoáng sản (khoáng chất) quý, liên quan đến quá trình sản xuất pin lithium. Trong đó có thể kể đến như Vonfram, Tantan, Vàng,... và đặc biệt là Coban.
Mặc dù được ưu đãi là thế, nhưng cái nghèo khó và nguy hiểm vẫn đem bám lấy đất nước và hàng triệu con người nơi đây. Đó là bởi vì dường như ở Congo, chế độ phong kiến (theo kiểu mà chúng ta hay gọi để so sánh) và chiếm hữu nô lệ vẫn còn tồn tại.
Không có một tổ chức, một công ty nào được gọi là cụ thể và đại diện để thu nhận làm việc hoặc trao đổi khoáng sản mà hầu như mọi việc chỉ thông qua lãnh chúa - những người giàu & có địa vị. Khá giống với kiểu tá điền và địa chủ ở nước ta ngày xưa!
Theo một cuộc điều tra được công bố gần đây trên Business Insider, hầu hết nô lệ ở Congo đều tham gia chuỗi cung ứng khoáng sản này và được các dân buôn phương Tây gọi với cái tên "thợ mỏ thủ công". Tức đơn giản, họ không làm cho bất kỳ đơn vị nào để nhận lương mà chỉ biết ngày ngày nhảy xuống những cái hố đá sâu với cái đầu trần, đôi chân đất (không có thiết bị bảo hộ) để tự đào Coban.
Được biết, hôm nào may mắn lắm thì mới có thể tìm được tận... 3 USD, tương đương gần 70.000 đồng! Công đoạn tiếp theo sau đó: Coban thô sẽ được rửa trôi đất cát dưới những con sông - nơi mà cả làng lấy nước sinh hoạt, ăn uống.
Thế nên, các dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh, chấn thương ở người trưởng thành và đặc biệt là cái chết của những lao động trẻ em vẫn đang ngày ngày diễn ra như cơm bữa tại nơi đây.
Song, đáng báo động là người dân Congo vốn xem chúng như là "chuyện thường ngày ở huyện"! Bởi họ quá... nghèo khó chứ chẳng hề vô tâm!!!
Phép màu không ở đâu xa!
Có một giả thuyết rằng, nếu bạn hay mình có thể biết được một cái chuyện ở xa tít châu Phi thì chẳng lẽ những ông lớn đang dùng nguồn khoáng sản từ Congo lại không biết điều này?
Thực ra, họ biết nhưng thông thường họ chọn cách im lặng hoặc phớt lờ vì đó đâu phải chuyện liên quan mật thiết đến công ty, sao phải bận tâm chi!?
Dù vậy, trong hàng vạn kẻ vô tâm cũng phải có một người tốt, và trong trường hợp này chính là Apple.
Trên thực tế thì trước đây, cả Táo khuyết & Intel cùng một vài tập đoàn quốc tế đã từng vướng phải những rắc rối liên quan đến việc phụ thuộc nguồn cung hay "xung đột khoáng sản" bởi việc kiểm soát gắt gao các hầm mỏ của lãnh chúa Congo. Song, chỉ có Apple là dám mạnh dạn đứng lên để chịu các trách nhiệm và giải quyết về các vấn đề xã hội!
Cụ thể, công ty Mỹ đã yêu cầu các nhà cung cấp chính như Huayou Cobalt phải minh bạch về nguồn cung, giải quyết cơ bản các vấn đề đói nghèo và tình trạng bốc lột nhân công đang diễn ra một cách khuất tất.
Và ngoài Apple, ngày nay cũng đã có một tổ chức gọi là SAP Ariba (xuất hiện từ năm 2013) với chương trình "Made In a Free World". Được biết, đây là một chương trình được xây dựng để các đối tác (cả bên mua và bên bán) có thể tìm hiểu và hợp tác với nhau.
Song, để được xuất hiện trên trang web của Ariba, các công ty buộc phải trải qua một cuộc kiểm duyệt nghiêm ngặt liên quan đến vấn đề đảm bảo quyền lợi người làm thuê và các phúc lợi xã hội,... Đặc biệt, họ còn phải cam kết không sản xuất, sử dụng nguyên liệu nằm trong ít nhất 34 loại mà Tổ chức Ân xá Quốc tế đã quy định.
Có lẽ từ nãy đến giờ, chúng ta đã đi tìm hiểu nhưng hơi... xa quá rồi! Bởi lẽ, các vấn đề vừa nêu đều là của những công ty lớn đang sản xuất pin hay smartphone.
Dù vậy, ở góc độ người sử dụng, ta vẫn có thể góp một phần sức để bảo vệ những đồng loại đang còn phải mạo hiểm ngày đêm ở Congo hoặc những nơi chưa biết đến.
Cụ thể, bạn hay mình có thể xem qua những mẹo hay để bảo toàn pin hoặc có thể tham khảo bí quyết sạc pin đúng cách,... Những việc tưởng từng như chỉ có ích cho mỗi bạn như vậy nhưng khi tính kỹ ra cũng sẽ giúp được phần nào. Bởi vì khi biết cách giữ gìn một viên pin, đồng nghĩa với việc bạn đã biết trân quý công sức và cả tính mạng của những người nghèo vẫn ngày đêm đi tìm Coban.
Hơn nữa, khi pin lâu hỏng tức lượng cầu sẽ giảm! Điều đó khiến cho nguồn cung cũng giảm theo, từ đó các lãnh chúa sẽ không còn bắt ép nô lệ phải đi tìm khoáng sản nữa,...
Mặc dù, tất cả những ý bên trên mình biết đều là giả thuyết nghe có vẻ hợp lý và có thể sai khác trong thực tế. Nhưng cũng hy vọng chúng là thật dù chỉ một chút thôi, để đồng loại chúng ta ở nhiều nơi xa kia không còn khổ cực và mạo hiểm như vậy nữa!
Thôi thì: Bảo vệ pin smartphone - Bảo vệ cả con người, bạn nhé!
Mẹo hay áp dụng ngay:
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.