Đánh giá trợ lý ảo thuần Việt - VAV: Công cụ sử dụng smartphone hiệu quả

Chúng ta đã biết Siri của Iphone, Cortana trên Windowsphone hay Android với Google Now, những trợ lý ảo đang dần trở thành một phần không thể thiếu của các hệ điều hành. Hầu hết chúng đều chỉ hỗ trợ nhận diện tiếng Việt chứ chưa thể hiện được chất thuần Việt như VAV - ứng dụng trợ lý ảo dành riêng cho người Việt đầu tiên.
Giao diện đơn giản và hiện đại
Ứng dụng trợ lý ảo cho người Việt (VAV) có thiết kế màn hình khởi động sử dụng nền đen trong suốt và chữ trắng, có 3 nút bấm nằm ở phía bên dưới màn hình. Phần hỏi đáp giữa người dùng và VAV chiếm trọn phần màn hình phía trên, các câu lệnh thực thi sẽ được canh lề trái trong khi câu lệnh do người dùng nhập sẽ nằm bên phải.
Khi truy cập trình duyệt của ứng dụng, nếu ngón tay đặt vào các lựa chọn sẽ có một đường sáng chạy từ phải qua trái rất mượt mà. Trong phần cài đặt, các danh mục được sắp xếp đơn giản với một biểu tượng đi kèm với tiêu đề, nếu nhấp chọn, các cửa sổ sẽ hiện ra bất chợt mà không có điểm bắt đầu như phong cách thiết kế Material design đang phổ biến hiện nay.

Hiện ứng dụng chỉ sử dụng một giao diện duy nhất, chưa phát triển các bộ theme sinh động và cá tính hơn cho người dùng. Nhìn chung VAV vẫn còn giản đơn, không có nhiều hình ảnh, chủ yếu là các dòng đối thoại giữa ứng dụng và người dùng.
VAV có thể làm được gì?
VAV hỗ trợ một bảng gợi ý các câu lệnh phổ thông mà ứng dụng này có thể thực hiện được trong phần “trợ giúp” (biểu tượng hình dấu chấm hỏi). Theo đó, người dùng có thể lưu số vừa gọi vào danh bạ, tìm đường với google map, thiết lập các tính năng trên điện thoại (bật tắt wifi/ 3G, đèn pin, thiết lập báo thức), hình thức đơn giản, tự nhiên như lời nói thông thường.
Thông qua các icon trong phần gợi ý có thể thấy VAV hiện đang hỗ trợ các nhóm tính năng như tìm kiếm trên mạng, mở trang web, thực hiện phép tính, xem lịch, gọi điện thoại, tinh chỉnh các thiết lập điện thoại, truy cập danh bạ, mở ứng dụng,… phần này khá đa dạng..

Một điểm thú vị là VAV cũng sở hữu tính năng truy cập nhanh tương tự như Chat heads trên Messenger của Facebook, cho phép sử dụng ứng dụng bất cứ lúc nào với biểu tượng micro có thể kéo đến bất cứ đâu trên màn hình. Điều này vô cùng cần thiết vì VAV mới thử nghiệm tính năng truy cập ứng dụng bằng giọng nói (tương tự như nói “OK Google” trên Google Now) và nó chưa ổn định trên một số thiết bị.
VAV chỉ giúp mở ứng dụng chứ, chưa hỗ trợ thực hiện các bước tiếp theo như chọn lựa, nhập văn bản, thoát ứng dụng,… người dùng vẫn phải tiếp tục thao tác tay bằng tay nên khá bất tiện.
Ngoài ra, sau khi nhập bằng giọng nói và phát hiện ứng dụng nhận diện sai ý mình thì người dùng không thể hủy bỏ lệnh đó được, điều này khá bất tiện vì phải tắt ứng dụng/ tìm kiếm không mong muốn bằng tay.

Ứng dụng vẫn bị lỗi nhỏ trong quá trình sử dụng như khi bật/ 3G hoặc wifi lại báo chưa bật hoặc yêu cầu mở camera nhưng ứng dụng báo là thiết bị không có camera. Theo nhóm phát triển thì lỗi này xuất hiện trên một số bản ROM.
Trải nghiệm thú vị với khả năng “thuần Việt”
Một trong những điều được đánh giá cao của VAV đó là sự thuần Việt. Nếu chỉ xét về khả năng nhận diện tiếng Việt thì so với Google Now, VAV không thực sự nổi bật. Cách ứng dụng này thể hiện qua những lời phản hồi tiếng Việt mới đáng chú ý.
Nếu Google Now mở ứng dụng bằng câu lệnh “OK Google” thì VAV sử dụng câu thuần Việt hơn: “em ơi”. Hầu hết người dùng đều cảm thấy hào hứng khi nghe một giọng nữ cất tiếng “Dạ”, điều mà ứng dụng của Google không có được. Tuy nhiên, tính năng này còn đang trong giai đoạn phát triển nên hoạt động còn hạn chế, chưa ổn định.

VAV cũng hỗ trợ những câu trả lời sẵn sinh động, thuần Việt để sử dụng trong các đoạn đối thoại tán gẫu. Người dùng có thể hỏi về ngày ra mắt ứng dụng (“em sinh ngày nào”), giới tính (“bạn là nam hay nữ”) hoặc đôi lúc trêu đùa bằng câu hỏi “yêu mình không” và nhận được những câu đáp hóm hỉnh như một cô gái thực thụ.
Bản cập nhật 1.3.5 hỗ trợ phần trả lời bằng giọng nói, giúp cho ứng dụng gần gũi và sinh động hơn rất nhiều, song tính năng này mới chỉ áp dụng trên một số câu lệnh như tăng/ giảm âm lượng, bật/ tắt đèn pin hoặc xoay màn hình,… cũng như trong một số câu thoại đối đáp thông thường.

Nếu như người dùng gặp khó khăn trong việc phát âm thì có thể giữ nút micro để bật bàn phím và nhập lệnh. Một lưu ý nhỏ là nếu đang sử dụng VAV thì nên tắt nhạc. Điều này giúp cho ứng dụng không bị nhầm lẫn giữa lời nhạc và câu lệnh của người dùng.
Hiệu năng mượt mà
Thử nghiệm trên máy cấu hình thấp 1.5 GHz Dual-Core, RAM 2Gb, thời gian khởi động ứng dụng khá nhanh, chỉ mất 1.5s. Khả năng truy suất vào mục thiết lập hoặc trợ giúp cũng mượt mà. Trong suốt quá trình sử dụng ứng dụng chưa xảy ra trường hợp bị crash bất ngờ, cho thấy tính ổn định cao.
Tuy nhiên, ứng dụng mới được nâng cấp tính năng phân tích giọng nói, giúp cho việc nhập lệnh chính xác hơn nhưng cũng đồng thời làm cho ứng dụng bị chậm lại đáng kể trong quá trình xử lý câu lệnh so với Google Now
Kết luận
Mặc dù giao diện và các tính năng còn giản đơn song có thể thấy chất “thuần Việt” hiện hữu rất rõ trong ứng dụng trợ lý ảo này: không chỉ qua khả năng xử lý ngôn ngữ mà cách hỏi đáp, sự thấu hiểu và thực thi các câu lệnh cũng hiệu quả hơn so với các ứng dụng khác, vốn thường xuyên đưa tất cả các câu lệnh không thể xử lý để “cầu cứu” các cỗ máy tìm kiếm trên mạng.

Hiện ứng dụng mới chỉ có trên nền tảng Android, các bạn có thể tải về Link bên dưới:
Xem thêm:
- Đâu là ứng dụng OTT tốt nhất hiện nay trong 4 ứng cử viên sáng giá này?
- Giữa Nhaccuatui và Zing MP3, anh em chọn app nghe nhạc nào?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.