Đâu là ứng dụng OTT tốt nhất hiện nay trong 4 ứng cử viên sáng giá này?

Trong khi Messenger và Zalo đang "làm mưa làm gió" trên thị trường OTT thì các ứng dụng khác cũng không phải dạng vừa. Từ những bộ theme sinh động của Line, khả năng thay đổi phông nền chat của Viber hay những ảnh GIF thời thượng của Skype,... làm trải nghiệm OTT trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Vậy đâu là ứng dụng mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau.
Giao diện: Phong cách Messenger và Zalo Vs Skype, Viber và Line
Messenger có thiết kế đơn giản đặc trưng, mang hơi hướng của một giao diện Material design với menu đổ bóng (không có hamburger bar), nút dấu cộng ở phía dưới chứa các chức năng cơ bản như tìm kiếm/ thêm liên lạc, tạo tin nhắn/ gọi thoại. Cách xuất hiện các cửa sổ cũng theo tinh thần của Material design: như một vật thể tự nhiên (tờ giấy) và có điểm xuất hiện – kết thúc.


Ngoài ra, Messenger chú trọng sử dụng các icon thiết kế đơn giản để thông tin đến người đọc, các mục chính (tên liên lạc, đoạn hội thoại, tên nhóm chat,…) dùng chữ đen, phần phụ dùng cỡ chữ nhỏ, màu xám. Thiết kế này giúp người dùng dễ dàng cảm nhận thông tin quan trọng, đỡ rối mắt.
Với Zalo, ứng dụng này có thêm một tab tương tự Newsfeed của Facebook. Không có khác biệt nhiều về tổng thể giao diện so với đối thủ Messenger, Zalo tạo khác biệt bằng nỗ lực đẩy chi tiết vào trong khung hình.
Xem thêm: Đây là 8 bí kíp không thể thiếu khi sử dụng Zalo
Khi sử dụng một thời gian dài có cảm nhận Zalo sử dụng icon và font chữ to hơn so với Messenger. Phần hội thoại được phân cách bằng những đường kẻ ngang. Thay vì sử dụng triệt để các icon, Zalo minh họa bằng chữ, và điều này làm cho khung hình thêm phần chật chội.

Việc thiết kế các chi tiết như ảnh, chữ cái lớn hơn (thanh trượt lên xuống trong phần danh bạ còn thuộc loại “quá khổ”) giúp nhìn thấy và đọc dễ dàng hơn nhưng lại làm người dùng cảm thấy “ngộp thở” với lượng thông tin trải ra trên màn hình.
Giao diện Viber tạo khác biệt đáng kể khi sử dụng tone màu tím - trắng trẻ trung và phần nào đem đến cảm nhận nữ tính như quan niệm của một số người. Avatar trong ứng dụng cũng mới mẻ với hình vuông bo tròn góc, so với hình tròn ở hầu hết các app OTT khác.
Viber phảng phất một vài đặc điểm của material design, thể hiện ở cách đặt thanh hamburger ở phía trên, menu hình dấu cộng ở phía góc phải màn hình (nút này sẽ thay đổi icon tuỳ theo người dùng đang ở mục chats, contacts hay call). Tuy nhiên các mảng không có đổ bóng và các cửa sổ xuất hiện đột ngột, thiếu điểm bắt đầu.

Viber có điểm mạnh về tuỳ biến màn hình chat, làm cuộc trò chuyện "lung linh" hơn. Ứng dụng tối giản với 3 danh mục, sử dụng tên gọi "Chats, contacts, calls" thay vì các icon đại diện. Trong phần Call, thông tin liên lạc được thiết kế động đẹp mắt khi trượt lên xuống.
Về Line, trái với màu xanh lá cây trẻ trung của icon ngoài màn hình chính, Line sử dụng tone màu chính là Xám xanh – trắng. Tuy nhiên, ứng dụng này tạo nên phong cách độc đáo với bộ Theme cá tính.
Ứng dụng thiết kế 2 lớp menu tương tự Viber, với menu phụ phía trên là động, tùy thuộc vào tab hiện hành và menu dưới là tĩnh, chính là các tab chính của ứng dụng (gồm có Friends, Chats, Timeline, Call và More). Khi kéo màn hình xuống thì menu phía trên sẽ được ẩn đi.

Ngoài ra, ở tab More có một điều khá thú vị là Line “giấu” quảng cáo ở phía dưới cùng của tab. Cách sắp xếp trong tab này cũng khác biệt so với các tab còn lại khi các danh mục được thể hiện tương tự như màn hình desktop thay vì xếp lần lượt từ trên xuống như thiết kế của nhiều ứng dụng.
Skype có lẽ là ứng dụng OTT nguyên thủy nhất với giao diện vô cùng giản đơn. Cũng sử dụng tone màu xanh da trời – trắng nhưng dịu hơn Messenger và Zalo, Skype chỉ có 3 tab là Chats/ Contacts và Calls, phần Setting đã được đưa vào trong menu chính phía bên góc trái.
Xem thêm: Bản cập nhật mới của Skype trên Android có những cải tiến gì?
Skype thiết kế theo Material design, menu chính được đổ bóng, các cửa sổ đều có điểm xuất hiện và kết thúc. Thanh hamburger phía bên trái giúp truy cập nhanh profile, settings. Ứng dụng có thiết kế menu 2 lớp, với menu phụ phía trên khá thừa khi chỉ chứa nút hamburger bar, tên ứng dụng và công cụ tìm kiếm (Search). Khi kéo xuống, menu phụ cũng được giấu đi tương tự như Viber và Line.

Có thể thấy phong cách thiết kế của các ứng dụng lâu đời như Skype, Line và Viber đi theo một lối riêng trong khi đó các OTT mới như Messenger và Zalo đã học hỏi và tinh gọn lại giao diện giản đơn hơn mà vẫn thể hiện được các chức năng mong muốn.
Sự khác biệt đến từ tính năng
Messenger là kẻ “sinh sau đẻ muộn” kế thừa nhiều tính năng thu hút nhất hiện nay. Đầu tiên phải kể đến các bộ sưu tập Sticker, Emoji, ảnh GIF đồ sộ vốn đang là những tính năng cạnh tranh khốc liệt trong thị trường OTT.
Xem thêm: Bạn đã thử nhắn tin SMS và đăng nhập đa tài khoản trên Messenger chưa?
Có lẽ những người từng dùng Messenger cũng phần nào “ám ảnh” với cách thông báo tin nhắn bằng Chat Heads tròn tròn có thể kéo đến bất kì đâu trên màn hình. Mới đây, ứng dụng này bổ sung tính năng Messenger Code cá tính, có thể dùng quét tương tự như một QR code để mở hộp thoại chat với đối tượng. Messenger cũng được hậu thuẫn rất nhiều bởi ứng dụng bên thứ ba như Dropbox, Gif Keyboard, Imgur, …

Zalo tạo dấu ấn riêng với tính năng đổi hình nền và hỗ trợ tìm kiếm trong các đoạn hội thoại. Một tính năng được đánh giá cao đó là người dùng có thể gửi ảnh chất lượng HD và tích hợp thêm tính năng vẽ (đánh dấu) lên hình, giúp cho việc mô tả bằng hình ảnh dễ dàng hơn cũng như trải nghiệm ảnh chất lượng cao.
Ngoài ra, Zalo còn tận dụng một tính năng có từ thời Yahoo đó là các phòng chat cộng đồng được sắp xếp theo chủ đề. Đây là nơi nhiều người tìm đến để kết bạn, tán gẫu, làm quen hoặc chỉ đơn giản là chia sẻ mối quan tâm về sở thích, thú vui. Zalo cũng đang phát triển timeline để dần biến ứng dụng OTT này thành một mạng xã hội.

Line cho phép chỉnh sửa ảnh, video tương tự như Camera360 hay Instagram, Keep tương tự như Dropbox, tính năng gọi điện thoại cũng như Video Call, Ngoài ra còn các ứng dụng liên kết do đội ngũ Line phát triển như Line SnapMovie, Line Camera với khả năng cho ra những đoạn video và hình ảnh độc đáo.
Xem thêm: Làm thế nào tạo tài khoản LINE trên mobile?
Skype nổi tiếng với bộ emoji đứng đắn, và gần đây được bổ sung thêm bộ ảnh Gif rất sinh động như Angry Bird, Minion,… làm người dùng thích thú. Chúng được sắp xếp gọn gàng, có chủ đề chứ không lộn xộn như tích hợp trên Messenger.
Các tính năng của Viber là sự pha trộn của nhiều ứng dụng: Viber out – gọi điện thoại tính phí như Skype, Sticker Market như Line, Public chat như Yahoo (và bây giờ là Zalo). Ứng dụng sở hữu tính năng độc đáo là chỉnh sửa hình ảnh Doodle.
Xem thêm: Viber là app bạn ưa chuộng? Có thể đây là lúc bạn nói lời chia tay với ứng dụng này

Hiệu năng sử dụng: Càng cổ càng chậm
Cả 5 ứng dụng đều cho thấy chất lượng âm thanh khá tốt, giọng nói được thể hiện tự nhiên. Đánh giá về hiệu năng sử dụng pin của các ứng dụng, chúng tôi tiến hành thử nghiệm trên máy Coolpad Max, dung lượng pin 2.800 mAh. Sau 30 phút thoại liên tục, mức độ sử dụng pin của các ứng dụng không có nhiều khác biệt:

Về thời gian khởi động ứng dụng, thử nghiệm trên thiết bị LG LTE2, RAM 2GB, Dualcore 1.5 GHz, chúng tôi tiến hành tắt/ mở ứng dụng 3 lần liên tiếp (khi tắt ứng dụng đảm bảo không có chạy ẩn). Thời gian khởi động ứng dụng trung bình cho thấy rõ “tuổi đời” của ứng dụng đó.
Kết luận

Messenger và Zalo đang là những cái tên tiêu biểu khi mang đến những trải nghiệm chat/ thoại ổn định, hiệu năng tốt, dễ sử dụng trên nhiều đời máy. Trong khi đó, Skype, Viber và Line vẫn sở hữu những nét độc đáo riêng về giao diện, tính năng để duy trì những người dùng trung thành. Cuộc chiến OTT vẫn chưa có hồi kết!
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.