Mặc dù Mac mini M2 2023 đã ra mắt nhưng thế hệ tiền nhiệm Mac mini M1 2020 vẫn là một trong những mẫu Mini PC đáng sở hữu nhất ở thời điểm hiện tại. Vậy sau 3 năm thì Mac mini M1 hiệu năng ra sao? Có nên mua Mac mini M1? Hãy cùng mình đánh giá Mac mini M1 2020 sau 3 năm để tìm câu trả lời nha!
Xem thêm: Mac mini M2 Pro bị lộ điểm Geekbench cho thấy hiệu năng cực 'khủng'
Mac mini M1 hiệu năng vẫn còn rất bá với Apple M1
Trước khi đi vào chi tiết, mình sẽ điểm nhanh thông số cấu hình Mac mini M1 cho các bạn dễ theo dõi nha!
- CPU: Apple M1.
- GPU: 8 nhân.
- RAM: 8 GB.
- Dung lượng SSD: 256 GB.
- Hệ điều hành: macOS Ventura 13.2 mới nhất (ở thời điểm của bài viết này).
Xem thêm: Tất Tần Tật Apple M Series: Dòng chip mạnh mẽ, xịn nhất của Apple

Như các bạn có thể thấy ở phần thông số bên trên, chiếc Mac mini M1 mà mình sử dụng trong bài viết này là phiên bản tiêu chuẩn với RAM 8 GB cùng SSD 256 GB. Tuy vậy nhưng sức mạnh của chiếc máy này không hề yếu đâu nhé các bạn, hơn nữa thì vi xử lý Apple M1 ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất mạnh so với nhu cầu sử dụng cơ bản của hầu hết người dùng phổ thông. Tất nhiên mình cũng không ngoại lệ bởi vì bản thân mình chỉ gõ nội dung, làm việc trên web là chính (lâu lâu có chỉnh sửa hình ảnh bằng Lightroom, Photoshop).

Không để các bạn phải chờ lâu nữa, mình sẽ tiến hành kiểm tra hiệu năng Mac mini M1 ở thời điểm hiện tại thông qua những phần mềm chấm điểm chuyên dụng như GeekBench 5, 3DMark Wild Life Extreme, Cinebench R23. Kết quả thì mình thu được như những hình bên dưới đây:

- GeekBench 5:
- Đơn nhân/đa nhân: 1.738 điểm/7.454 điểm.
- Điểm Metal: 22.016 điểm.
- Điểm OpenCL: 12.490 điểm.

- CineBench R23:
- Đơn nhân: 1.518 điểm.
- Đa nhân: 7.630 điểm.

- 3DMark Wild Life Extreme: 4.621 điểm tổng, FPS trung bình là 27.7.

Mình muốn chia sẻ một chút ở bài test 3DMark Wild Life Extreme Stress Test bởi vì đây là bài kiểm tra nặng đô nhất trong danh sách. Nếu các bạn tò mò thì bài test này sẽ tự động lặp lại 20 lần để kiểm tra độ ổn định của thiết bị khi thực hiện các tác vụ nặng trong thời gian dài (edit video, thiết kế đồ họa, dựng phim, chiến game,...). Như các bạn có thể thấy ở hình bên dưới, Mac mini M1 có độ ổn định (Stability) gần như hoàn hảo với 99.3%. Điều này được thể hiện qua sự chênh lệch giữa số điểm ở vòng lặp cao nhất và thấp nhất chỉ là 32 điểm (4.622 - 4.590 = 32 điểm).
Qua những bài test bên trên, chúng ta có thể thấy rằng hiệu năng của chiếc Mac mini M1 vẫn rất ấn tượng khi cho ra những điểm số khá cao. Cá nhân mình cảm thấy bất ngờ nhất ở bài test 3DMark Wild Life Extreme bởi vì máy có thể đạt đến độ ổn định rất tốt nếu như mình sử dụng em nó cho các tác vụ nặng.

Đối với nhu cầu sử dụng của mình trong thực tế (gõ văn bản, mở hơn 20 tab Chrome, mở thêm các ứng dụng nhắn tin và một số app lặt vặt khác) thì Mac mini M1 hoàn toàn có thể cân được dù máy chỉ có dung lượng RAM là 8 GB. Tất nhiên máy vẫn có điểm trừ nhỏ là khi mình xuất khoảng 200 tấm hình từ phần mềm Lightroom thì máy có gặp hiện tượng giật lag nhẹ một chút, dù vậy thì mình thấy điều này không quá ảnh hưởng đến trải nghiệm sử dụng của mình.

Ngoài ra, mình cũng sử dụng Mac mini M1 cho việc chơi game để giải trí sau mỗi giờ làm việc căng thẳng. Như các bạn có thể thấy ở các video dưới đây thì mình chơi 2 game là Liên Minh Huyền Thoại và Resident Evil Village. Đối với trò chơi đầu tiên là Liên Minh Huyền Thoại, Mac mini M1 của mình hoàn toàn cân được mức thiết lập đồ họa cao nhất (như hình bên dưới) mà không gặp bất kỳ hiện tượng giật lag nào kể cả khi giao tranh với nhiều đối thủ cùng các hiệu ứng kỹ năng phức tạp. Chưa kể máy cũng không bị gặp hiện tượng độ trễ cao khi mình xuất hình ảnh thông qua màn hình UltraWide của LG.
Mình cũng phải dành lời khen cho Mac mini M1 khi máy cho ra tốc độ khung hình rất ổn định, dao động chỉ từ 70 - 80 FPS nên mọi chuyển động trong game đều rất mượt mà, trơn tru.
Sang đến tựa game kinh dị nặng về đồ họa là Resident Evil Village thì mình chỉ thiết lập đồ họa ở mức trung bình mà thôi (như hình bên dưới đây) để có được trải nghiệm ổn định nhất.
Tuy Resident Evil Village đã được phát hành trên các thiết bị Mac một thời gian nhưng đến bây giờ mình mới có cơ hội được trải nghiệm. Thật sự mình cảm thấy khá bất ngờ trước vô số những khu vực, địa điểm thú vị cũng như cảnh quan tuyệt đẹp được trau chuốt tỉ mỉ, phác hoạ cực kỳ chi tiết về một vùng đất Đông Âu tuyết trắng phủ đầy hùng vĩ.

Ngạc nhiên hơn nữa là chiếc Mac mini M1 hoàn toàn có thể xử lý được những khung cảnh ấy khá tốt, trải nghiệm chơi tương đối mượt với tốc độ khung hình dao động từ 50 - 60 FPS.
Qua tất cả những điều bên trên thì các bạn có thấy hiệu năng Mac mini M1 đỉnh không? Chưa kể là chiếc Mini PC này còn sở hữu một điểm cộng nữa đó là tốc độ đọc/ghi SSD nhanh hơn so với phiên bản 256 GB của thế hệ kế nhiệm. Tuy mình không có Mac Mini M2 2023 ở đây nhưng theo như MacRumors và nhiều trang đánh giá nước ngoài khác thì điều đó là sự thật. Mặc dù vậy thì mình nghĩ sự khác biệt có thể sẽ không quá lớn để chúng ta chú ý đến trong quá trình sử dụng.

Để các bạn dễ hình dung về tốc độ đọc/ghi SSD của Mac mini M1 thì mình có dùng 2 phần mềm là AJA System Test Lite và Blackmagic Disk Speed Test. Sau đây là kết quả mà mình thu được:
- Blackmagic Disk Speed Test:
- Tốc độ đọc: 2.939 MB/s.
- Tốc độ ghi: 2.248 MB/s.

- AJA System Test Lite:
- Tốc độ đọc: 944 MB/s.
- Tốc độ ghi: 711 MB/s.

Như vậy qua 2 bài test ở trên, mình có thể khẳng định rằng tốc độ SSD của Mac mini M1 tương đối nhanh, dễ dàng xử lý được tác vụ di chuyển các file một cách nhanh chóng. Bản thân mình thường di chuyển các file hình ảnh đã xuất từ Lightroom (dung lượng khoảng 2 - 3 GB gì đó) ra các thư mục khác thì Mac mini M1 hoàn thành tác vụ đó chỉ trong vài giây mà thôi.
Mac mini M1 nhiệt độ được tối ưu tốt, tản nhiệt hiệu quả
Bên cạnh những ưu điểm về hiệu năng thì mình cũng rất ấn tượng về nhiệt độ lẫn khả năng tản nhiệt của Mac mini M1. Mình có sử dụng phần mềm TG Pro để đo nhiệt độ của Mac mini M1 trong quá trình sử dụng thực tế và kết quả cho ra rất tốt. Như các bạn có thể thấy hình ở bên dưới đây thì nhiệt độ của cả CPU lẫn GPU trong Mac mini M1 đều không vượt quá 40 độ C.

Những nơi có nhiệt độ cao nhất của Mac mini M1 thì nằm ở cổng kết nối Thunderbolt và cổng nguồn nhưng tất cả đều không quá 50 độ C. Điều này cũng không quá khó hiểu bởi vì Mac mini M1 mà không được cắm nguồn thì làm sao có thể hoạt động được? Còn cổng Thunderbolt của máy có nhiệt độ cao là vì mình sử dụng cổng này để xuất hình ảnh ra màn hình LG UltraWide của mình.
Nhìn chung, mình không có điểm gì để chê về khả năng tản nhiệt của Mac mini M1. Bên cạnh đó thì theo thông tin mình tìm hiểu được từ trang tom'sHARDWARE, Mac mini M1 chỉ tiêu thụ khoảng một phần ba điện năng của các mẫu Mac Mini tiền nhiệm chạy trên nền tảng Intel. Dưới đây là thử nghiệm được Apple đơn phương đưa ra với tổng thể tiêu thụ năng lượng của Mac mini M1. Việc đo đạc dựa trên toàn bộ cấu tạo bên trong của thiết bị bao gồm RAM, bộ nhớ, vi xử lý, quạt, bluetooth, Wi-Fi,...

Theo như hình ảnh bên trên, Mac mini M1 chỉ tiêu thụ 39 W khi hoạt động ở mức cao, còn Mac Mini 2018 với chip Intel Core i7 6 nhân mất đến 122 W. Khi không hoạt động, Mac mini M1 chỉ tiêu thụ 7 W và con số này ở Mac Mini 2018 là 20 W. Quả thực rất ấn tượng phải không nào các bạn? Do đó mà chúng ta có thể yên tâm sử dụng chiếc Mini PC này mà không sợ ngốn điện rồi.

Dành cho những bạn nào quan tâm, Mac Mini 2018 là một trong những mẫu Mini PC ngốn nhiều điện nhất từ trước tới nay nhưng điểm cộng của sản phẩm này là hiệu năng rất mạnh cùng mức RAM lên tới 64 GB. Nếu xét về khả năng làm việc, chắc chắn Mac Mini 2018 xử lý đa tác vụ tốt hơn nhờ dung lượng bộ nhớ RAM lớn hơn nhưng người dùng không phải lúc nào cũng cần CPU phải xử lý tối đa. Do đó, mình đánh giá cao việc tiết kiệm năng lượng của Apple M1 trên mẫu Mac Mini 2020 hoặc sau này là Mac Mini M2 2023.
Mình rất ưng thiết kế nhỏ gọn và linh động của Mac mini M1
Ưu điểm cuối cùng về Mac mini M1 mà mình muốn đề cập trong bài viết này chính là thiết kế của sản phẩm. Tuy rằng phiên bản chạy chip M1 không có thay đổi nhiều về thiết kế bên ngoài so với thế hệ tiền nhiệm nhưng mình phải công nhận rằng diện mạo của em nó vẫn tối giản và đẹp không thể chê được. Nhìn chung thì Mac mini M1 vẫn có một vẻ ngoài nhỏ gọn, sang trọng với tông màu bạc kim loại cao cấp.


Ngoài ra, Mac mini M1 còn sở hữu độ dày chỉ 36 mm và nặng 1.2 kg (gần bằng so với chiếc MacBook Air M1 với 1.29 kg). Điều này sẽ giúp thiết bị không chiếm quá nhiều không gian làm việc và chúng ta cũng có thể dễ dàng mang đi nếu có nhu cầu. Như mình đây bỏ Mac mini M1 lẫn dây nguồn của máy vào một chiếc túi chống sốc cho laptop 13 inch để mang đi làm mỗi ngày mà chẳng gặp khó khăn gì cả.

Về cổng kết nối thì Mac mini M1 không còn 4 cổng USB-C như thế hệ trước, thay vào đó chỉ còn lại hai cổng và Apple giữ lại hai cổng USB-A. Việc chỉ có 2 cổng USB-C Thunderbolt 4 có thể sẽ khiến một số bạn cảm thấy không hài lòng, nhất là với những ai cần nhiều cổng Thunderbolt để có thể xuất màn hình và truyền dữ liệu. Hơn nữa, nếu 1 cổng Thunderbolt trên Mac mini M1 dùng để xuất màn hình rồi thì cổng còn lại sẽ không thể.


Mac mini M1 vẫn sẽ có hai loa nhưng mình thấy phần loa này có chất lượng không ổn cho lắm, thậm chí cả âm thanh khởi động macOS nghe cũng không sống động giống như trên MacBook. Mặc dù vậy thì mình nghĩ điều này không quá khó hiểu khi Mac mini M1 đã có thiết kế rất nhỏ gọn rồi, nếu cố tạo thêm không gian cho cặp loa cỡ lớn thì mình nghĩ máy sẽ không còn được gọn như hiện tại nữa. Nếu các bạn muốn âm thanh chất lượng hơn trên Mac mini M1 thì có thể tìm đến những mẫu loa rời đang được bán tại Thế Giới Di Động nha! Mình nghĩ đó sẽ là một giải pháp khá hay.

Ở mặt đáy của Mac mini M1 sẽ là phần chân đế màu đen được làm từ nhựa nhám và ở chính giữa có dòng chữ Mac mini được in chìm trông rất đẹp mắt. Tuy vậy thì phần chân đế này có thể dễ trầy sau một thời gian dài sử dụng, mình nghĩ các bạn cũng nên sắm thêm một tấm lót chuột cỡ lớn để bảo vệ ngoại hình của máy. Chưa kể việc này còn khiến góc setup của chúng ta trở nên đẹp hơn nữa, tội gì mà không làm nhỉ?

Có một điều mà mình cần lưu ý cho các bạn khi lần đầu dùng Mac mini M1 đó là chúng ta cần phải có chuột và bàn phím có dây. Sau khi thiết lập xong thì thiết bị mới có thể nhận các phụ kiện không dây. Ban đầu mình cũng gặp chút khó khăn trong việc thiết lập chiếc Mac mini M1 này bởi vì mình đang dùng chuột lẫn bàn phím không dây (may là trong tủ vẫn còn một bàn phím dây dự phòng).

Nhìn chung, mình tin rằng ngôn ngữ thiết kế của Mac mini M1 vẫn sẽ khiến nhiều bạn hài lòng và thậm chí rất khó để lỗi thời trong vòng 3 - 4 năm tới. Mình thử đặt chiếc mini PC này ở mọi góc trên bàn làm việc thì kiểu gì cũng đẹp hết nên các bạn cứ yên tâm mà sắm một em về để sử dụng nha!
Hiện tại Mac mini M1 giá bao nhiêu? Có đáng mua không?
Tổng kết lại, mình đánh giá Mac mini M1 vẫn rất đáng mua trong năm 2023 khi thiết bị sở hữu thiết kế bắt mắt, hiệu năng cực tốt với Apple M1 cùng khả năng tản nhiệt ngon, tiêu thụ điện thấp. Hiện tại, giá Mac mini M1 phiên bản RAM 8 GB, SSD 512 GB tại Thế Giới Di Động là 16.39 triệu đồng (có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm và chương trình khuyến mãi). Mình nghĩ mức giá này thực sự rất tốt dành cho những ai muốn sở hữu một chiếc máy Mac nhỏ gọn, thích hệ điều hành macOS mà có kinh phí eo hẹp.

Trong trường hợp bạn là một người sử dụng với nhiều tác vụ nặng khác nhau như chơi game, edit video, thiết kế đồ họa,... thì mình tin những chiếc PC Windows đang được bán tại Thế Giới Di Động là sự lựa chọn phù hợp dành cho bạn.
Ngừng kinh doanh
Xem đặc điểm nổi bật
- CPU: Apple M1
- Đồ họa: 8-core GPU
- Hệ điều hành: macOS
Ngừng kinh doanh
Xem đặc điểm nổi bật
- CPU: Apple M1
- Đồ họa: 8-core GPU
- Hệ điều hành: macOS
Tham khảo các mẫu máy Mac mini đang được bán chính hãng tại tại Thế Giới Di Động với nhiều ưu đãi, click để khám phá ngay!
MAC MINI CHÍNH HÃNG NHIỀU ƯU ĐÃI
Xem thêm: 'Mổ bụng' Mac mini M2 và M2 Pro mới: Không có quá nhiều khác biệt
BÀI VIẾT LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI DÙNG
-
Apple Maps chính thức hỗ trợ nhiều tính năng chỉ đường tại Việt Nam
3 ngày trước -
Apple chính thức phát hành bản cập nhật iOS 18.4: Siri đã hỗ trợ tiếng Việt, emoji mới và loạt tính năng vừa được bổ sung
01/04 -
iPad Air M3 và iPad 11 (A16) ra mắt: Hiệu năng mạnh mẽ, hỗ trợ Apple Pencil Pro và Magic Keyboard mới
11/03 -
Trên tay iPhone 16e: Thiết kế vuông vức, chip Apple A18 Bionic, hỗ trợ Apple Intelligence, thời lượng pin ấn tượng
10/03 -
iPhone 16e chính thức ra mắt: Chip Apple A18, hệ thống camera Fusion 48MP và thiết kế hoàn toàn mới
21/02 -
Đã tìm ra 3 iPad đáng mua nhất cho học tập, làm việc và giải trí nâng cao
09/01
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.