Tin mới Thị trường

Đánh giá laptop ASUS VivoBook A412FA EK343T: SSD 512 GB mở gì cũng nhanh, xài gì cũng đã

Trương Bá Tuấn
09/02/20

Thuộc dòng VivoBook 14 series, chiếc ASUS VivoBook A412FA EK343T i5 mang trên mình ngôn ngữ thiết kế đặc trưng của dòng laptop này. Bên cạnh đó, máy cũng có một tốc độ xử lý nhanh có thế đáp ứng tốt nhu cầu làm việc và học tập.

ASUS VivoBook A412FA EK343T thuộc VivoBook 14 series.

Xem thêm: Trên tay laptop ASUS VivoBook D409DA: Giá sinh viên, không lo phiền não

Vì trước đó mình có trải nghiệm và đánh giá chiếc VivoBook A412FA EK661T i3 nên trong bài mình có một vài so sánh tương quan trong thiết kế hay tốc độ vì dù gì 2 chiếc máy này cũng cùng một series mà.

Mở máy nhanh, xử lý đồ họa khá

ASUS VivoBook A412FA EK343T cũng như những “người anh em” của mình trong series VivoBook 14 được trang bị một cấu hình rất phù hợp để xử lý công việc nhanh. Mang trong mình “trái tim” là con chip Intel Core i5 Coffee Lake 8265U tốc độ 1.6 GHz, tốc độ tối đa Turbo Boost 3.9 GHz.

Song song với đó, máy hỗ trợ bộ nhớ RAM 8 GB đa nhiệm khá mượt. Qua quá trình sử dụng mình nhận thấy máy cho tốc độ chuyển tab trên trình duyệt Chrome và chuyển cửa sổ giữa các phần mềm khá ổn định, không xảy ra giật lag hay có độ trễ nào là quá lớn. ASUS cũng cho phép anh em có thể nâng cấp RAM tối đa lên 12 GB để những anh em hay sử dụng những phần mềm đồ họa nặng có thể trải nghiệm trơn tru hơn.

Cấu hình chi tiết ASUS VivoBook A412FA EK343T.

Giá thành của ổ cứng SSD đã ngày càng “hạ nhiệt” nên ASUS cũng cố gắng trang loại ổ cứng “siêu nhanh” này cho mọi dòng laptop của hãng ra mắt năm 2019 và VivoBook A412FA EK343T trong tầm giá 16 triệu cũng không phải là ngoại lệ.

Máy được hỗ trợ ổ cứng SSD 512 GB M.2 PCIe cho tốc độ mở máy khoảng 10 giây và truy xuất ứng dụng “thần sầu”. Hãng cũng hỗ trợ một khe cắm HDD SATA để anh em mở rộng khả năng lưu trữ của máy. Bên cạnh đó, khả năng xử lý của máy khi sử dụng những ứng dụng như Lightroom hay Photoshop phiên bản mới nhất là rất ấn tượng, mở lên là có thể sử dụng ngay không cần chờ ổn định.

Chi tiết tốc độ mở ứng dụng.

Mình có sử dụng hai phần mềm đo hiệu năng là Cinebench và Geekbench 5 để đo điểm hiệu năng của máy. Cụ thể, với Cinebench thì VivoBook A412FA EK343T ghi được 1.140 điểm. Với Geekbench 5 thì máy ghi được 1.021 điểm đơn nhân và 3.111 điểm đa nhân. Số điểm này mình thấy là cao hơn so với những dòng laptop khác cùng tầm giá và cao hơn so với những “người anh em” khác cùng dòng.

Điểm hiệu năng ASUS VivoBook A412FA EK343T đo bằng Cinebench R20.

Điểm hiệu năng CPU ASUS VivoBook A412FA EK343T đo bằng Geekbench 5.

Điểm hiệu năng computer của ASUS VivoBook A412FA EK343T đo bằng Geekbench 5.

Tiếp theo là tốc độ đọc / ghi ổ đĩa, qua trải nghiệm của mình ở trên thì anh em cũng thấy được tốc độ truy xuất ổ đĩa SSD của máy rất nhanh, tuy nhiên mình cũng muốn biết chính xác con số này là bao nhiêu. Bằng phần mềm CrystalDiskMark, máy cho kết quả tốc độ đọc dữ liệu là 1.565 MB/s và tốc độ ghi dữ liệu là 961 MB/s. So với mặt bằng chung thì tốc độ đọc / ghi ổ đĩa của máy là quá xuất sắc rồi.

Tốc độ truy xuất ổ đĩa của ASUS VivoBook A412FA EK343T đo bằng CrystalDiskMark.

Ngôn ngữ thiết kế tối ưu hóa thói quen sử dụng

Như anh em đã biết về dòng laptop VivoBook của ASUS, thiết kế riêng của từng “em máy” trong dòng không có quá nhiều khác biệt mà đi theo một ngôn ngữ thiết kế chung. Tất cả những đặc trưng thiết kế này phối hợp với nhau giúp tối ưu trải nghiệm sử dụng. Tuy nhiên, máy cũng còn những thiếu sót làm hạn chế đi trải nghiệm của mình. Cụ thể thì:

VivoBook A412FA EK343T có một thân máy được hoàn thiện với lớp áo làm từ nhựa. Nắp máy được làm nhám với logo ASUS bóng ở giữa. Nhỏ gọn, thời trang là những gì bạn có thể thốt lên khi lần đầu trên tay mẫu laptop này.

ASUS VivoBook A412FA EK343T có vỏ ngoài sang trọng nhưng vẫn trẻ trung.

Nhìn chung thân máy này không khác gì mấy so với phiên bản Asus VivoBook A412FA EK661T mà mình có dịp được trải nghiệm trước đó. Có một điều khác biệt là thân máy VivoBook A412FA EK343T có phần dày hơn so với “người anh em” của mình.

ASUS VivoBook A412FA EK343T dễ dàng có ngôn ngữ thiết kế tương đồng với những "người anh em" cùng họ.

Thân hình mỏng nhưng ASUS vẫn trang bị đầy đủ các cổng kết nối cho máy. Cạnh trái máy bao gồm cổng sạc, cổng HDMI, USB 3.1, USB-C và jack cắm tai nghe. Cạnh phải bao gồm USB 2.0, khe cắm thẻ nhớ micro SD.

Cạnh trái ASUS VivoBook A412FA EK343T.

Cạnh phải ASUS VivoBook A412FA EK343T.

Kích thước và trọng lượng máy khá nhẹ, dễ dàng "đút" túi chéo hay ba lô, thuận tiện mang vác đi mọi nơi. Đặc điểm này khiến máy phù hợp cho sinh viên xách đi học hay dân văn phòng đem máy đi công tác, đi họp. Bên cạnh đó, sắc bạc tinh tế và sang trọng của máy phù hợp để bạn thể hiện cá tính chốn đông người.

ASUS VivoBook A412FA EK343T nhỏ gọn, thời trang.

Tuy nhiên có một điều đáng tiếc là nắp máy khá dễ bị trầy xước. Mình có để máy trên bàn qua đêm, không biết vì lý do gì mà hôm sau kiểm tra lại thì xuất hiện một vài vết trầy xước “xót xa cõi lòng”. Nên mình nghĩ sử dụng các bạn hãy có những biện pháp bảo vệ để không xảy ra tình trạng như của mình. 

VivoBook A412FA EK343T được trang bị màn hình 14 inch độ phân giải Full HD (1.920 x 1.080 pixels) với độ sáng tương đối. Qua quá trình sử dụng, mình nhận thấy màu sắc hiển thị trên màn hình này ở mức tương đối khá, dù không xuất sắc nhưng vẫn đủ để làm bạn hài lòng.

Màn hình ASUS VivoBook A412FA EK343T khá sắc nét.

ASUS VivoBook A412FA EK343T phù hợp làm việc, giải trí.

Bên cạnh đó, máy được thiết kế với viền màn hình NanoEdge cùng lớp chống chói Anti Glare tạo cảm giác hiển thị rộng rãi và hiện đại hơn cho khi sử dụng. Đồng thời, màn hình cũng khá sắc nét phù hợp xem phim, làm việc hay thiết kế.

Viền màn hình NanoEdge đặc trưng của ASUS.

Như những chiếc laptop thuộc VivoBook 14, thì A412FA EK343T vẫn được trang bị một bàn phím có hành trình phím ngắn. Độ nảy phím khá tốt phù hợp đánh văn bản dài. Tuy nhiên điều hạn chế của bàn phím này là không được hỗ trợ đèn nền, nên rất khó khăn khi sử dụng về đêm.

Bàn phím của ASUS VivoBook A412FA EK343T không có đèn nền.

Thiết kế bản lề ErgoLift “trứ danh” của ASUS giúp máy nâng hạ theo góc thuận tiện đánh máy. Phần cạnh vùng chiếu nghỉ được bo tròn giúp người dùng không đau tay khi thao tác gõ phím.

Bản lề ErgoLift thuận tiện nâng hạ máy.

Bàn di chuột được thiết kế cân đối tạo cảm giác hài hòa cho ngoại hình máy. Diện tích touchpad cũng tương đối lớn, đủ để cả cảm biến vân tay và dư sức để người dùng thao tác. Nhưng mình nhận thấy là bề mặt di chuột khá “rít”, không tạo được cảm giác trơn tru và nhanh lẹ khi di chuyển chuột, mặc dù vậy thao tác click khá “ăn”.

Bàn di chuột ASUS VivoBook A412FA EK343T chưa "trơn mượt".

Đồng thời, cảm biến vân tay một chạm phản hồi rất nhanh khi mở máy. Mình khuyến khích các bạn nên cài đặt và sử dụng tính năng khi mở máy vì rất thuận tiện. Nhưng khi set up vân tay thì hơi bất tiện và lâu lắc một tí.

Loa được đặt ở mặt dưới, có chân đế cao su nâng đỡ máy cùng bản lề thông minh giúp cho âm thanh cộng hưởng khi đặt máy trên mặt bàn, mang đến trải nghiệm giải trí ưng tai.

Cụm loa của ASUS VivoBook A412FA EK343T.

Hệ thống âm thanh MasterSonic quen thuộc trên các dòng sản phẩm của Asus cho chất lượng âm thanh khá tốt. Nếu như trên Asus VivoBook A412FA i3 EK661T có chất lượng âm nhỏ thì trên A412FA EK343T cho âm lượng mình cảm nhận là to và trong trẻo hơn.

Hệ thống âm thanh SonicMaster đem đến trải nghiệm nghe khá hay ho.

Phần tản nhiệt của VivoBook A412FA EK343T nằm ở phần cạnh sau máy, khi gập máy lại thì tản nhiệt mới lộ ra còn khi sử dụng thì đã bị phần bản lề che phủ. Dạng thiết kế tản nhiệt này khá đẹp, có thể giấu đi những phần khuyết khi sử dụng nhưng chưa thể hiện được công dụng của tản nhiệt.

Khe tản nhiệt chưa hoạt động tốt.

Bạn dễ dàng cảm nhận được hơi nóng từ phần ở mặt sau vì không có nhiều không gian để thoát khí. Mình có sử dụng phần mềm AIDA64 để ghi lại nhiệt độ hoạt động của máy. Sau 1 tiếng on screen mình thử đo thì phần mềm cho kết quả nhiệt độ tản nhiệt trung bình là 67 độ C và nhiệt độ hiện tại lúc mình đo là 97 độ C (rất cao đấy).

Nhiệt độ máy khá cao khi hoạt động.

Thời lượng pin ấn tượng

Gần 6 giờ sử dụng ở chế độ không sạc là con số mà mình ghi nhận lại được khi đo pin của VivoBook A412FA EK343T bằng phần mềm BatteryMon. Đa số anh em sẽ không quan tâm đến thời lương pin trên laptop vì hầu như mọi người dùng đều cắm điện laptop khi sử dụng.

Thời lượng pin ASUS VivoBook A412FA EK343T khá tốt.

Nhưng nếu anh em sử dụng ở những nơi không có ổ điện hay “bất thình lình” thầy gọi gửi bài, hoặc sếp đổi plan ở giờ chót thì lúc này một chiếc laptop có thời lượng pin khá ổn như VivoBook A412FA EK343T sẽ giúp anh em “vượt qua hoạn nạn” đấy.

Tổng kết

Qua một tuần sử dụng ASUS VivoBook A412FA EK343T mình nhận thấy máy có tốc độ xử lý nhanh, đặc biệt là ở các pha mở máy, mở ứng dụng và đa nhiệm. Theo mình đánh giá thì hiệu năng này dư sức phục vụ các công việc văn phòng và đáng để trang bị tại các công ty.

Thiết kế mỏng nhẹ đặc trưng và những chi tiết tinh tế khác trên máy giúp tối ưu hóa được trải nghiệm sử dụng của người dùng và mình đánh giá cao tính linh động của máy. Nếu được cho điểm dựa vào mức giá (khoảng 16 triệu đồng) và những gì mà máy mang lại đối với mình sẽ cho 8/10 điểm.

Xem thêm: Trên tay laptop ASUS TUF Gaming FX505DU: 'Quý ông lực lưỡng' nhưng 'dễ gần, dễ quen'

Asus VivoBook A412FA i5 8265U (EK343T)
Ngừng kinh doanh

Xem đặc điểm nổi bật

  • Màn hình: 14", Full HD (1920 x 1080)
  • CPU: i5, 8265U, 1.6GHz
  • Card: Intel UHD 620
  • Chất liệu: Vỏ nhựa
  • Khối lượng: 1.5 kg
Xem chi tiết