2019, smartphone không chỉ cần chụp đẹp mà còn phải quay video tốt hơn

Vài năm qua, camera trên điện thoại đã được đổi mới liên tục, nhiều smartphone có thể chụp được những bức ảnh tuyệt vời. Tuy vậy, khả năng quay video của hầu hết các điện thoại này lại không được phát triển nhiều như chụp ảnh.
Những bước tiến lớn về khả năng chụp ảnh
Để có được những bức ảnh đẹp, các nhà sản xuất điện thoại đã có những thay đổi đáng kể về thiết kế cũng như tích hợp thêm những tính năng mới để hỗ trợ camera hoạt động tốt hơn. Như Huawei P20 Pro và Huawei Mate 20 Pro sử dụng ba camera phía sau, Galaxy S9 Plus và Galaxy Note 9 có cụm camera kép, Google Pixel 3 được trang bị AI camera, iPhone Xr và Xs thì sở hữu công nghệ HDR mới.

Tuy nhiên, khả năng quay video trên điện thoại thì vẫn bị tụt hậu đáng kể về chất lượng hình ảnh, dải tần nhạy sáng và chất lượng video trong điều kiện ánh sáng yếu. Dưới đây là một số phương pháp để cải thiện chất lượng video và nếu như có thể thêm vào một vài chế độ hỗ trợ khi quay thì đó sẽ là những sự bổ sung tuyệt vời.
1. Điện thoại Android cần bộ vi xử lý tốt hơn cho video
Khi quay video, điện thoại phải xử lý nhiều dữ liệu hơn so với việc chụp một tấm ảnh. iPhone Xr, Xs và Xs Max là những điện thoại quay video tổng thể tốt nhất hiện nay. Nhờ vào chipset A12 của Apple và Neural Engine giúp xử lý nhanh chóng các cảnh quay.

Qualcomm, nhà sản xuất bộ vi xử lý cho điện thoại Android mới đây đã ra mắt chipset Snapdragon 855. Con chip mới này nhanh hơn 45% so với Snapdragon 845. Điều này sẽ giúp cải thiện tốc độ xử lý cho điện thoại Android.

Ngoài ra, chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi điện thoại có đủ năng lượng để quay và tối ưu hóa video thông qua AI và máy học (machine learning). Google có thể phát triển tính năng này vì họ đã sử dụng AI và machine learning để cải thiện chức năng chụp ảnh.
2. Thêm hiệu ứng bokeh và chế độ chân dung vào video
Chế độ chân dung là một trong những chế độ tuyệt nhất trên điện thoại nhưng chỉ có khi chụp ảnh. Tuy nhiên mới đây, Qualcomm tuyên bố rằng con chip mới của họ sẽ hỗ trợ chế độ chân dung cho video.

Những flagship đang được trang bị thế hệ thứ ba của chế độ chụp chân dung và đôi khi vẫn thể chưa mang lại kết quả ổn định nhất. Vì thế việc chế độ chân dung xuất hiện trên video sẽ gặp rất nhiều vấn đề.
3. Cải thiện video ánh sáng yếu như tính năng Auto Low Light FPS của iPhone
Mặc dù đây là một trong những tính năng bị đánh giá thấp trên iPhone Xr, Xs và Xs Max nhưng Auto Low Light FPS cho phép camera có thể giảm tốc độ khung hình trong ánh sáng yếu để tăng chất lượng video. Ý tưởng của tính năng này là cho mỗi khung hình có nhiều ánh sáng hơn để mang lại kết quả cuối cùng tuyệt vời hơn.

Flagship của Samsung có thể thay đổi khẩu độ rộng hơn, cho nhiều ánh sáng hơn khi quay video trong môi trường không đủ sáng. Ngoài ra thì chưa có điện thoại Android nào có tính năng video đặc biệt để giúp vượt qua điều kiện ánh sáng yếu.
4. Một video hay cần có một chất lượng âm thanh tuyệt vời
Chất lượng âm thanh dở có thể khiến một video không tài nào xem nổi. Để cải thiện và tối ưu hóa âm thanh trên video thì điện thoại có thể sử dụng AI và machine learning. Đây cũng là cách để cải thiện âm thanh mà các micro chống ồn trên điện thoại đang thực hiện.

Ngoài ra còn một cách khác nữa là thêm nhiều micro hơn để điện thoại có thể mix lại và tối ưu hóa các bản ghi âm thành một bản duy nhất.
5. Cải thiện chất lượng của slow motion video
Samsung, Huawei, Sony và OnePlus đều có chế độ quay siêu slow motion với tốc độ 480 fps hoặc thậm chí là 960 fps. Nhưng những video này được quay ở độ phân giải thấp và có chất lượng khá tệ ngoại trừ những tình huống lý tưởng nhất.

Slow motion video có thể cải thiện được chất lượng hình ảnh một cách tốt nhất bằng sức mạnh của bộ vi xử lý. AI và machine learning cũng giúp các cảnh quay slow motion trông ấn tượng hơn mà không phải giảm bớt độ phân giải.
6. Thêm vào hiệu ứng thu phóng dolly của Hitchcock
Các nhà phát hành điện thoại nên thêm hiệu ứng thu phóng dolly (còn gọi là hiệu ứng Vertigo) cho chức năng quay video. Hiệu ứng này có nghĩa là ống kính camera sẽ phóng to hoặc thu nhỏ trong lúc camera đang di chuyển theo hướng ngược lại.

Với rất nhiều điện thoại có camera thứ hai để thu phóng thì rất có thể Apple hoặc Samsung sẽ tìm ra cách để bắt chước hiệu ứng này bằng cách sử dụng cả hai camera phía sau để quay video.
7. Sửa khung hình lỗi
Sẽ rất tuyệt vời nếu như điện thoại của bạn có thể sửa các khung hình lỗi khi quay video. Ví dụ như bạn lỡ mất một phần khuôn mặt khi đang quay video thì điện thoại của bạn sẽ sửa lại khung hình đó bằng cách thêm vào phần khuôn mặt đã mất nhờ vào thông tin có được từ camera thứ hai.

Lời kết
Sự kết hợp giữa bộ vi xử lý mạnh cùng với AI và machine learning có thể là giải pháp để cải thiện chất lượng video. Khi đó, những chiếc smartphone sẽ tạo ra được những bức ảnh cũng như video không thua kém gì máy ảnh chuyên nghiệp.
Nguồn: Cnet
Xem thêm: Chụp ảnh bằng AI: Bạn đã biết hết công dụng & các ứng dụng hay ho này?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.