Vụ Google bị phạt 5 tỷ USD: Tại sao Apple thì không & nhiều câu hỏi khác?

Mấy ngày qua, ngoài việc chào đón khá nhiều sản phẩm mới ra mắt thì giới công nghệ còn xôn xao về chuyện Google bị Ủy ban châu Âu phạt đến 5 tỷ USD - con số cao nhất từ trước đến giờ. Tất nhiên ngay sau đó, đã có khá nhiều ý kiến về vấn đề này.
Có người thì thắc mắc về lý do cụ thể mà Google bị phạt? Người thì tự hỏi sao Apple cũng độc quyền iOS mà lại không bị hầu tòa? Người thì muốn biết những OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) nghĩ gì?...
Nếu cũng nằm trong số đó, bạn hãy xem tiếp nội dung được lược dịch lại bên dưới từ những giải đáp do trang The Verge cung cấp.

1. Chính xác thì Google đã làm sai điều gì?
Về cơ bản, Ủy ban châu Âu cho rằng Google đã lạm dụng quyền sở hữu Android để thúc đẩy sự tăng trưởng của công cụ tìm kiếm một cách không công bằng và lành mạnh.
Cụ thể, Google bị cáo buộc đã làm sai 3 điều:
Google yêu cầu các OEM tích hợp Google Tìm kiếm và Chrome để đổi lại Google Play cùng các ứng dụng, dịch vụ khác của mình.
Google "đã thanh toán cho một số OEM và nhà mạng" để mang công cụ tìm kiếm của mình lên các thiết bị (được cho là) có lợi cho các công cụ tìm kiếm khác.
Google ngăn chặn các OEM tạo ra những nền tảng được tùy biến sâu từ Android (hay được gọi là các phiên bản được phân nhánh). Nếu thiết bị dùng Android tùy biến sâu, bạn sẽ không có Play Store, Google Tìm kiếm và nhiều dịch vụ miễn phí khác.

2. Vì sao Apple không phải đối mặt với vấn đề tương tự?
Báo cáo từ Ủy ban chống độc quyền của châu Âu cho biết:
Họ xem (bản chất) của Android là khác với Apple iOS hoặc BlackBerry OS - những hệ điều hành độc quyền, được liên kết theo chiều dọc (tức Apple và BlackBerry tự phát triển nhiều công đoạn) và không có bất kỳ OEM thứ 3 nào có thể được cấp phép - sử dụng 2 nền tảng này trên thiết bị của mình.
Trong khi đó, Android lại là một nền tảng mã nguồn mở, được Google phát triển và cho phép bên thứ 3 sử dụng lại. Nhưng họ lại lấy đó để đặt vấn đề với OEM nhằm nhân rộng các dịch vụ của mình, như vậy là sai về các điều luật chống độc quyền (theo Ủy ban châu Âu).

Nói một cách ví von thì, Apple giống như một cửa hàng bán thức ăn độc quyền, được lập nên để bán chủ yếu một sản phẩm đến từ một thương hiệu nên họ không bị coi là độc quyền trên chính thứ mà mình đang độc quyền ngay từ đầu.
Còn Google lại giống như một trung tâm mua sắm, nơi họ cho người khác mướn ki-ốt kinh để doanh nhưng lại ép người khác phải bán luôn mặt hàng do mình sản xuất.
3. Ngoài Google Tìm kiếm, vì sao có cả CH Play và Chrome bị mang vào cáo trạng?
Trên thực tế, các thiết bị Android được tùy biến sâu vẫn có thể sống tốt khi không có CH Play (chẳng hạn như máy tính bảng của Amazon, các dòng smartphone độc quyền ở Trung Quốc).
Tuy nhiên theo Ủy ban châu Âu: Các OEM cần CH Play để cạnh tranh và hiện kho ứng dụng này chiếm hơn 90% trên tổng số ứng dụng được tải xuống cho thiết bị Android (bao gồm cả nhóm ứng dụng được xem là phải có).
Và nếu OEM không tuân thủ các quy tắc của Google, thì CH Play sẽ "bốc hơi" dẫn theo hàng loạt dịch vụ không thể hoạt động (ví dụ YouTube không chạy khi không cài ứng dụng Dịch vụ của Google).

Bên cạnh CH Play thì Chrome cũng bị mang vào bản án để cáo buộc Google độc quyền.
Thoạt nhìn, đây có vẻ là một điều hết sức vô lý nhưng nếu xem xét bao quát hơn, Chrome chính là con đường thiết yếu dẫn đến Google Tìm kiếm. Thế nên, trình duyệt này cũng trở thành "nghi can".
4. Các OEM bên thứ 3 nghĩ gì về việc này?
The Verge cho biết, ngay sau khi phán quyết được công bố, họ đã liên hệ với khá nhiều OEM như Samsung, LG, OnePlus, Nokia, BlackBerry và Amazon,... để hỏi.
Kết quả là hầu hết OEM đều giữ im lặng, chỉ có Motorola, Sony và HTC phản hồi rằng "không có nhận xét gì về sự việc đang diễn ra" và riêng HTC thì nói thêm là "sẽ trì hoãn với Google về các quyết định có thể ảnh hưởng rộng hơn đến Android".

5. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Được biết, hiện Google đã nhận được bản án của mình và họ có 90 ngày để một là kháng cáo và hai là chấp nhận quyết định và đóng phạt 5 tỷ USD cho Ủy ban châu Âu.
Và như đã đưa tin trước đó, Google cho hay mình đã kháng cáo nhưng nếu "thất thủ" thì rất có thể trong tương lai sẽ có nhiều thay đổi với nền tảng "robot xanh", chẳng hạn như là người dùng có thể bị tính phí.
Không biết các bạn nghĩ sao về bản án 5 tỷ USD dành cho Google? Hãy comment chia sẻ bên dưới nhé!
Xem thêm: Google vẫn đang phát triển Fuchsia, nền tảng hứa hẹn thay thế Android
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.