Việt Nam sẽ lần đầu tiên liên thông văn bản điện tử toàn quốc
Theo kế hoạch, trước ngày 1/6/2016 sẽ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương. Lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện được việc liên thông phần mềm quản lý văn bản giữa các cơ quan khác nhau.
Xem thêm: Bộ trưởng cảnh báo hãng máy tính nước ngoài cài phần mềm gián điệp vào VN
Tại báo cáo quý I/2016 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết: một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 36a là kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ bước đầu đã đạt được kết quả.
Tính đến hết ngày 15/4/2016, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện kết nối hệ thống quản lý văn bản với 25/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đặc biệt, Văn phòng Chính phủ đã chính thức liên thông (gửi/ nhận) văn bản điện tử với UBND TP.HCM và UBND TP.Hà Nội; hệ thống đã cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan. Đồng thời, đơn vị này cũng đã lập kế hoạch đến trước ngày 1/6/2016 sẽ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương.
Xem thêm: Ứng dụng dịch văn bản của Microsoft bổ sung tính năng mới lợi hại hơn
Theo thông tin trên trang tin Chính phủ điện tử tại địa chỉ: http://egov.chinhphu.vn, tổng hợp của Văn phòng Chính phủ đến ngày 3/5/2016 đã có 29 bộ, ngành, địa phương liên thông hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ.
Cụ thể, ngoài TP.HCM và Hà Nội, tính đến ngày 3/5 còn có 27 bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, gồm có 4 Bộ TT&TT, KH&ĐT, Công Thương, Xây dựng và 23 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Đồng Nai, Tiền Giang, Hải Dương, Cà Mau, Long An, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Đắk Nông, Cần Thơ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Trị, Bạc Liêu và Lào Cai.
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện được liên thông hệ thống quản lý văn bản giữa các cơ quan khác nhau. Đây là tiền đề quan trọng tiến tới giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, hiện nay một số bộ, ngành, địa phương hiện đang gặp khó khăn trong việc kết nối hệ thống quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ (trong đó có lý do bảo mật thông tin hoặc thiếu kinh phí thực hiện) cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để kết nối liên thông. Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng kế hoạch cụ thể để từng bước mở rộng liên thông tất cả các bộ, ngành, địa phương, đồng thời hỗ trợ các cơ quan giải quyết các khó khăn gặp phải trong quá trình triển khai.
Theo kế hoạch, trước ngày 1/6/2016 sẽ hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử tống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong quý II/2016 cần khẩn trương hoàn thành kết nối và chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để liên thông hệ thống quản lý văn bản của cơ quan mình với Văn phòng Chính phủ.
Đồng thời, cũng trong quý II năm nay, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần bắt đầu triển khai kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản tới các sở, ngành, đơn vị cấp huyện, cấp xã. Thời hạn hoàn thành nội dung công việc này là ngày 1/1/2017.
Xem thêm: Bận nghỉ mát, nguyên thủ tự tin điều hành chính phủ chỉ với một chiếc điện thoại
Theo ictnews.vn
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.