Vì sao Samsung muốn tự làm GPU (chip đồ họa) cho smartphone?

Có tin cho rằng, Samsung đang triển khai dự án thiết kế GPU tại văn phòng ở San Jose sau nhiều năm nghiên cứu. Như vậy, rất có thể công ty Hàn Quốc sẽ ra mắt smartphone với GPU của riêng mình như Apple đã thực hiện với iPhone X.
Vậy tại sao Samsung phải làm như thế? Dưới đây là góc nhìn từ trang Android Authority về việc này.
Vướng mắc với ARM về giấy phép và chi phí
Vào năm 2015, Samsung và ARM (hãng sản xuất chip đồ họa nổi tiếng) đã ký một hợp đồng về việc ARM sẽ cung cấp GPU, mà thời hạn được cho là kéo dài đến năm 2020. Sau đó, tất nhiên Samsung phải tiếp tục gia hạn hợp đồng. Vì vậy, họ cần có phương án dự phòng trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với ARM.

Mặt khác, việc xây dựng các thành phần linh kiện của riêng mình cũng hết sức cần thiết, bởi bán dẫn, màn hình hay bộ nhớ đã trở thành những mảng kinh doanh cực kỳ quan trọng, mang về nhiều lợi nhuận cho Samsung. Trong khi đó, việc trả tiền cho phí cấp phép hay các bằng sáng chế sẽ ngốn của họ một khoản tiền khổng lồ.
Tất nhiên, làm “đồ tự trồng” cũng tốn không ít chi phí, nhưng thường sẽ chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Về lâu dài, khi thỏa thuận với ARM hết hạn, tự thiết kế GPU sẽ là giải pháp hợp lý giúp Samsung giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Nâng cao hiệu năng

Hiện nay, chip Exynos giúp Samsung có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ đến từ Qualcomm hay Apple về mặt CPU. Tuy nhiên, GPU là một câu chuyện hoàn toàn khác, đặc biệt là khi công nghệ thực tế ảo – thực tế tăng cường ngày càng phát triển và nhu cầu chơi game di động chất lượng của người dùng ngày càng tăng cao.
GPU Mali trang bị trên những flagship mới nhất của Samsung (Galaxy S8, Galaxy S9) đều tỏ rõ sự thua thiệt với Adreno của Qualcomm và GPU tùy chỉnh mới của Apple. Ngay cả Mali-G76 mới nhất do ARM phát triển nhiều khả năng cũng chỉ làm giảm bớt khoảng cách chênh lệch.

Nguy hiểm hơn, do điện thoại Galaxy cũng có bản chạy chip Snapdragon, sự không nhất quán giữa hiệu năng đồ họa giữa các phiên bản sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người dùng về thương hiệu.
Rất nhiều sản phẩm cần GPU
Không chỉ smartphone, có nhiều sản phẩm khác của Samsung cũng cần GPU, chẳng hạn như tivi, tủ lạnh hay thậm chí là máy giặt. Chỉ cần thiết bị có yếu tố đồ họa, bạn sẽ cần đến GPU (dù chỉ để hiển thị ảnh động cho giao diện người dùng).

Đồng thời, IoT (Internet of Things) được dự báo sẽ phát triển mạnh trong tương lai và cũng là công nghệ đang được Samsung tập trung nghiên cứu. Chính vì vậy, việc cải thiện chip đồ họa trên các sản phẩm gia dụng thông minh cho phép họ tạo ra hệ sinh thái IoT tốt hơn.
Mặt khác, khả năng xử lý của GPU đang trở nên ngày càng quan trọng trong các lĩnh vực mới nổi như nhận diện đối tượng và máy học. Một GPU tùy chỉnh sẽ giúp Samsung tăng tốc các ứng dụng hiệu quả hơn và có triển vọng khai thác các thị trường như ô tô hay an ninh gia đình.
Kết

Giảm chi phí mua giấy phép, tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu suất và thậm chí là tìm kiếm thị trường kinh doanh mới – đó là những lợi ích rõ ràng cho Samsung khi phát triển GPU riêng.
Tuy nhiên, việc này đòi hỏi nhiều năm nghiên cứu và chi phí R & D không hề nhỏ nên chắc chắn không phải là một quyết định có thể đưa ra dễ dàng.
Trước kia, Samsung từng sử dụng lõi Mongoose của chính mình để tăng hiệu suất CPU thay vì chỉ dùng lõi ARM Cortex. Sắp tới, rất có thể họ sẽ làm điều tương tự với GPU.
Chỉ có điều, cả Galaxy Note 9 ra mắt vào tháng 8 tới và Galaxy S10 dự kiến trình làng vào đầu năm sau đều chưa thể sở hữu GPU do Samsung tự tay thiết kế.
Xem thêm:
- Đánh giá chi tiết Galaxy A8 Star: Hài lòng, dù máy hơi... "quá khổ"!
- Smartphone uốn dẻo của Samsung sẽ có dung lượng pin gấp chục lần pin cũ
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.