Từ vấn nạn #WannaCry: Người dùng Việt liệu có đang quá hững hờ?
Mấy ngày nay, ngoài vài chuyện lùm xùm trong showbiz thì Wanna Cry chính là thứ mà cộng đồng mạng Việt Nam đang nhất mực quan tâm. Tuy vậy, quan tâm không có nghĩa là lo sợ và phòng hờ, người Việt ta có lẽ đang đi ngược lại với thế giới: Muốn share và dùng thử virus?
Tại sao mình lại nói như vậy? Hãy xem tiếp để biết lý do nhé!
Ransomware hay là... thú vui tiêu khiển?
Nếu có theo dõi liên tục tin tức trên trang Thegioididong.com, có thể bạn sẽ nhận thấy rằng mấy hôm nay, cả team bọn mình đã không ngừng đưa tin về vấn nạn ransomware (virus tống tiền) mang tên "Muốn khóc".
Trong đó, các thống kê cho thấy: Hiện đã có hơn 10.000 tổ chức lớn nhỏ và nhiều hơn 200.000 thiết bị cá nhân bị tấn công đòi tiền chuộc. Và sự việc này vẫn đang tiếp tục hoành hành, lan rộng với các phiên bản kế thừa của Wanna Cry trên phạm vi toàn cầu, dĩ nhiên là không ngoại trừ Việt Nam.
Từ cộng đồng: Chuyên gia bảo mật VN chia sẻ: "Tổng hợp về WannaCry cho người... không biết gì"
Theo những gì mình biết được qua báo đài thì ngay lúc này, do chưa có "thuốc trị" nên người dùng cá nhân trên cả thế giới đang phải chao đảo và sống trong nơm nớp. Ngay cả việc dùng chung mạng Wifi trong khu trọ, trong cơ quan mà họ cũng cảm thấy lo lắng.
Trong khi đó, những ai đang hoạt động ở lĩnh vực an ninh mạng, đang làm về bảo mật cho các công ty thì đang phải đấu tranh khá nhiều để bảo vệ hệ thống máy tính, máy chủ của mình.
Người thì lần mò tìm "thuốc", kẻ thì không ngừng share đi những thông điệp kêu gọi mọi người phải cẩn thận hay vài thủ thuật để đề phòng Wanna Cry tạm thời.
Dĩ nhiên, ở Việt Nam mình không thiếu những cá nhân và đơn vị tài giỏi, đang ngày đêm cống hiến và trăn trở vì con ransomware khó chịu này. Song, họ chỉ là thiểu số và không thể "chống lại" được số đông các thành phần "sửu nhi" đã và đang dùng Facebook.
Người ta thường nói: "Không sợ kẻ thù mạnh, chỉ sợ đồng đội kém thông minh" và câu này hiện đang khá đúng cho trường hợp liên quan đến Wanna Cry tại Việt Nam.
Có thể bạn đã biết, vài ngày sau khi con virus "Muốn khóc" trở nên nổi tiếng, thay vì cùng chung tay chặn đứng đường tấn công của nó. Một số thanh niên nước ta đã mang nó đem share lên Facebook kèm những status mời gọi, dẫn dụ như "đây là game hay nên chơi thử",...
Thực ra, đối với những ai biết rồi thì họ sẽ chẳng bao giờ dám click vào những đường link như vậy (dù chỉ để kiểm chứng xem thật hay giả). Chỉ tội cho những người ít thông thạo về máy tính như các bạn nữ hay bố mẹ, những cô chú lớn tuổi,...
Ở đây, sẽ có 2 trường hợp: Nếu là thật thì máy tính của những người vô tội kia sẽ khi không bị cấy mã độc và tống tiền.
Còn nếu ngược lại, nó cũng khiến dân tình hoang mang và gai mắt với những người đùa giỡn kém duyên - mang những thứ không nên đùa ra để đùa.
Đã đến lúc người Việt nên "nghiêm túc"!
Đối với mình, những người mang con Wanna Cry ra để đùa giỡn rất đáng trách. Nhưng nếu trách họ 1 thì phải trách cái "thói đời", những thói quen và "xì-tai" xài máy tính của người Việt đến 10 (dĩ nhiên là mình chỉ nói một số ít người dùng, không bao hàm tất cả).
Vì sao mình lại dám khẳng định như vậy?
Lý do nằm ở chỗ: Sau nhiều lần viết bài về vấn đề an toàn thông tin, mình nhận thấy rằng đa phần người dùng của chúng ta không quan tâm đến dữ liệu cá nhân là mấy. Thú thật là ngay cả mình, đôi lúc cũng thấy là không cần thiết để bảo vệ quyết liệt.
Hầu như ai cũng cho rằng tôi là một kẻ vô danh thì tin tặc sẽ chẳng màng đến và tấn công đâu. Tuy nhiên, đợt tấn công này lại hoàn toàn khác, nó sẽ bám vào máy tính và vơ vét hết dữ liệu chỉ với một lý do: Tiền!
Thế mới nói Wanna Cry không cần biết bạn có nổi tiếng hay không, có chứa gì quý giá và quan trọng không. Nó chỉ cần biết là bạn rất phiền nếu phải format lại ổ đĩa và cài lại toàn bộ Windows.
Vậy nên ngay lúc này, chúng ta cần nghiêm túc mà nhìn nhận lại vấn đề một lần nữa. Chuyện dính "Muốn khóc" hiện giờ không còn thuộc về trách nhiệm cá nhân mà ngay sau khi máy bạn bị nhiễm nó sẽ phát tán ransomware này qua mạng cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến người khác.
Nói chung, muốn người Việt mình thay đổi cách sử dụng máy tính và bảo mật thông tin không phải là chuyện một ngày, một bữa. Vì đơn giản, ngay cả Windows và Antivirus cũng còn có bản Crack (phần mềm lậu) thì vấn đề trách nhiệm với xã hội còn rất lâu mới đạt được.
Thay vào đó, mỗi người chúng ta nên ý thức hơn ngay từ đợt tấn công này, dù gì cũng là dữ liệu của chúng ta dẫu có không quan trọng nhưng mất đi tìm lại cũng không phải dễ.
Thôi thì mình sẽ kết bài ở đây, mời mọi người cùng bày tỏ quan điểm ở phía bên dưới. Chỉ xin nhắn nhủ với những ai đang muốn đùa với Wanna Cry rằng:
"Nếu không giúp được gì thì hãy ngồi yên ở đó, xin đừng phá hoại", bạn nhé!
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.