Đã có khi nào các bạn tự hỏi rằng, liệu một người dùng phổ thông chuyên về các công việc văn phòng hay sáng tạo nội dung thì có nên mua laptop gaming hay không? Liệu laptop gaming có phù hợp cho các công việc khác ngoài việc chơi game hay không? Sau khoảng một tuần trên tay mẫu laptop gaming ASUS ROG Strix G17 (2021) thì mình đã có những trải nghiệm rất thú vị về sản phẩm với tư cách của một người dùng văn phòng phổ thông.
Xem thêm: Trên tay ASUS ROG Flow X13: Một siêu phẩm gần như hoàn hảo bởi vì?
ROG Strix G17 (2021) phá tan định kiến về thiết kế của dòng laptop gaming
Không chỉ được thiết kế mỏng và nhẹ hơn so với người tiền nhiệm mà ROG Strix G17 (2021) còn sở hữu trọng lượng khá dễ chịu với một chiếc laptop gaming màn hình 17 inch, cụ thể là 2.4 kg. Mình không biết các bạn cảm thấy thế nào về con số đó nhưng mình vẫn có thể mang máy di chuyển giữa các nơi làm việc với một khoảng cách khá xa từ Gò Vấp đến Quận 1 mà không gặp vấn đề gì.

Nói vậy thôi chứ thực ra thời gian đầu mới sử dụng chiếc laptop này thì mình vẫn khá khó chịu vì trọng lượng và độ lớn của Strix G17 (2021). Một phần là do mình đang sử dụng MacBook Air 11 inch siêu mỏng nhẹ, khối lượng chỉ khoảng 1.08 kg mà thôi. Tuy nhiên, sau khoảng 3 đến 4 ngày sử dụng thì mình đã quá quen với việc mang ROG Strix G17 đi khắp nơi rồi.
Về thiết kế tổng thể, ASUS ROG Strix G17 (2021) có vẻ ngoài vừa mang nét mạnh mẽ, hầm hố của dòng laptop gaming, vừa mang đến sự sang trọng và cao cấp. Khung máy được làm bằng kim loại chắc chắn cùng phần mặt chữ A được tạo điểm nhấn bằng logo ROG có đèn nổi bật. Ngoài ra, ROG Strix G17 thế hệ mới đã được phủ một lớp mờ và góc trái được thiết kế một hình tam giác được ghép lại từ rất nhiều chữ ROG nhỏ, phải nói là mình rất ấn tượng với cách ASUS chăm chút cho sản phẩm của hãng.

Có một điểm mình cảm thấy hơi đáng tiếc trên ROG Strix G17 (2021) đó là sự vắng bóng của webcam. Mình phải công nhận rằng điều này rất bất tiện trong trường hợp chúng ta cần dùng máy để tham dự các cuộc họp trực tuyến hay gọi video call (vì dịch bệnh hoành hành, mọi người thường làm việc tại nhà nhiều hơn).
Ngay bên dưới, chúng ta sẽ bắt gặp ngay bộ tản nhiệt dạng mang cá tạo cho máy cảm giác gaming và hầm hố. Phần tản nhiệt cũng đã được ASUS tối ưu lại giúp thiết kế nhỏ hơn, ít chiếm diện tích hơn. Bên cạnh đó, kiểu thiết kế này còn giúp mang lại hiệu quả tản nhiệt cao hơn cho ROG Strix G17 (2021).

Hệ thống tản nhiệt trên ASUS ROG Strix G17 còn làm mình thích vì khi sử dụng đặt máy trên chân vẫn không bị nóng và khó chịu vì dòng hơi nóng được thổi qua hai bên cạnh và ở phía sau của máy, điều đó giúp mình làm việc dễ dàng hơn ngay cả khi không có bàn làm việc.
Đa dạng cổng kết nối cho các thiết bị ngoại vi trên ASUS ROG Strix G17 (2021)
Đối với những bạn thường xuyên dùng máy tính để làm các công việc văn phòng hay sáng tạo nội dung giống mình thì việc kết nối nhiều thiết bị ngoại vi như USB, ổ cứng, máy chiếu, chuột, bàn phím,... là rất thường xuyên. Chính vì vậy một mẫu laptop có đa dạng cổng kết nối như ASUS ROG Strix G17 (2021) được mình đánh giá rất cao, đặc biệt là với một đứa hay dùng nhiều hub chuyển đổi trên MacBook như mình.

ASUS ROG Strix G17 được trang bị các cổng kết nối gồm: Cổng mạng LAN, cổng HDMI, cổng USB-C 3.2 Gen 2 (hỗ trợ xuất hình Display Port, sạc chuẩn PD), cổng USB-A 3.2 Gen 1 và cổng sạc ở cạnh sau, còn cạnh trái sẽ có hai cổng USB-A 3.2 Gen 1 và cổng tai nghe/mic 3.5 mm.


Màn hình tần số quét cao và hiển thị sắc nét trên ASUS ROG Strix G17 (2021)
Điểm đầu tiên mà mình thích về màn hình của Strix G17 (2021) chính là khả năng chống chói. Cá nhân mình là một đứa rất thích mang laptop ra ngoài làm việc nên một màn hình chống chói sẽ giúp mình nhìn rõ mọi thông tin trên màn hình, kể cả khi ánh đèn trong quán cà phê có chiếu vào. Trong trường hợp mình có ngồi gần cửa sổ với ánh sáng ngoài trời thì màn hình của ROG Strix G17 (2021) vẫn có thể hiển thị tốt với độ sáng cao.

Còn trải nghiệm xem phim, chơi game trên màn hình của ASUS ROG Strix G17 (2021) thì sao nhỉ? Bạn cứ yên tâm về khoản này vì mình đã thử cày phim cũng như chiến game, cả hai đều mang đến trải nghiệm hiển thị rất tốt, hình ảnh sắc nét và sống động. Tất cả là nhờ vào màn hình kích thước lớn 17.3 inch cùng độ phân giải Full HD của thiết bị.
Vậy tần số quét 300 Hz sẽ mang lại cho bạn điều gì? Câu trả lời chính là sự mượt mà, các hiệu ứng chuyển cảnh khi chơi game hay xem phim đều rất đã mắt, hiện tượng giật khung hình rất hiếm khi xảy ra. Những thao tác trên màn hình như cuộn trang, lướt đọc nội dung đều rất liền mạch và trơn tru.

Mình cũng đã dùng ASUS ROG Strix G17 (2021) cho các công việc liên quan đến Photoshop. Với tư cách là một người dùng thông thường không chuyên sâu thì mình cảm thấy chiếc máy này đáp ứng tốt nhu cầu chỉnh sửa ảnh thông thường và màu sắc hiển thị đạt 100% chuẩn sRGB.
Hệ thống đèn RGB đầy cuốn hút trên bàn phím của ASUS ROG Strix G17
Mình không biết các bạn thấy thế nào nhưng bàn phím là một trong những yếu tố mà mình hay chú ý nhất khi sử dụng bất kỳ chiếc laptop nào. Chính vì vậy, bàn phím trên ROG Strix G17 (2021) thu hút mình từ ánh nhìn đầu tiên với hệ thống đèn RGB cực kỳ nổi bật, độc đáo. Mỗi khi đi làm, mình luôn tạo được sự thu hút với các đồng nghiệp xung quanh ngay khi mở chiếc ASUS ROG Strix G17 (2021). Từng phím bấm đều có một đèn LED RGB riêng, từ đó mà thiết bị có thể mang lại các hiệu ứng chuyển màu đẹp và đa dạng hơn.

Tuy nhiên nếu bạn sợ rằng thiết bị quá ‘tỏa sáng’ giữa các buổi họp hay hội nghị thì bạn cũng không cần phải lo lắng quá về điều đó. Chiếc laptop này vẫn cho phép chúng ta tùy chỉnh màu sắc đèn bàn phím để chúng ta có thể sử dụng máy trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Đèn đóm đã phù hợp rồi thì chúng ta còn chần chừ gì mà không gõ thử những chiếc phím lung linh ấy xem cảm giác như thế nào nhỉ? Mình đã trải nghiệm thử và phải nói rằng cảm giác gõ phím trên bàn phím này là tương đối tốt, hành trình phím sâu và không tạo ra quá nhiều tiếng ồn khi gõ. Tuy nhiên, nếu để so sánh ROG Strix G17 (2021) với những chiếc laptop mà mình trải nghiệm trước đó như ASUS TUF Gaming hay ASUS Zephyrus 14 thì cá nhân mình thấy chiếc laptop này chưa phải là chiếc máy mang đến cảm giác gõ ấn tượng nhất.

Có một nhược điểm mà mình mong rằng ASUS sẽ cải thiện cho các thế hệ trong tương lai của dòng laptop ROG Strix. Đó là phần khung máy chứa bàn phím có hơi cao (so với mặt bàn làm việc của mình) và điều đó khiến mình bị mỏi cổ tay trong lúc đánh máy. Bên cạnh đó, phần TouchPad của ASUS ROG Strix G17 (2021) mang đến trải nghiệm di chuột khá mượt, các thao tác vuốt, cuộn trang,... đều nhạy và cho tốc độ phản hồi nhanh.

Con chip AMD Ryzen 7 5800H mang lại hiệu năng mạnh mẽ cho ROG Strix G17 (2021)
Việc dùng laptop gaming để làm các tác vụ văn phòng thì mình nghĩ không có gì để nói rồi, tất cả các tác vụ đều được máy xử lý rất mượt mà và cho phản hồi nhanh chóng. Mình là một đứa hay mở nhiều tab Google Chrome cùng một lúc (khoảng 20 đến 30 tab) khi làm việc nhưng máy vẫn không gặp hiện tượng giật lag.

Mình rất ít khi chơi game trên laptop nhưng mình vẫn có trải nghiệm chơi thử PUBG trên ROG Strix G17 (2021). Phải nói rằng máy cho ra tốc độ khung hình/giây cực kỳ ấn tượng, lên đến 122 FPS. Hình ảnh, chi tiết trong game đều được tái hiện đẹp mắt và rất chi tiết.
Bên cạnh đó, mình còn chơi thử một vài tựa game khác như CS:GO hay Final Fantasy XV thì ROG Strix G17 (2021) vẫn mang đến những trải nghiệm cực đã, mượt mà. À, nếu mà các bạn có chơi game trên ASUS ROG Strix G17 (2021) thì nhớ cắm sạc để máy kích hoạt chế độ Performance nhằm đạt hiệu năng tốt nhất nhé.

Về khả năng tản nhiệt thì mình thấy hệ thống quạt tản nhiệt của ASUS ROG Strix G17 (2021) hoàn thành tốt vai trò của mình. Do vị trí đặt quạt tản nhiệt khá hợp lý (ở 2 cạnh bên và ở phía sau) nên ROG Strix G17 ít khi bị nóng máy và hoạt động ổn định. Kể cả khi chúng ta kích hoạt chế độ Silent (quạt tản nhiệt lúc này sẽ giảm công suất, ít phát ra tiếng ồn) thì thiết bị vẫn hoàn toàn mát mẻ, không bị nóng lên nhanh.
Tổng kết
Trên đây là những trải nghiệm của mình sau khoảng hơn 1 tuần sử dụng ASUS ROG Strix G17 (2021). Mặc dù thiết bị có mức giá tương đối cao (gần 50 triệu đồng) nhưng với cấu hình mạnh mẽ, thiết kế gọn gàng cùng màn hình hiển thị đẹp, mình nghĩ chiếc máy này vẫn phù hợp cho những bạn làm các công việc văn phòng, sáng tạo nội dung và có nhu cầu chơi game cơ bản.

Vậy còn bạn, bạn có những đánh giá gì về ASUS ROG Strix G17 (2021)? Hãy để lại ý kiến bên dưới phần bình luận cho mình được biết nhé. Rất cảm ơn các bạn đã đọc hết bài viết của mình.
Xem thêm: ASUS ra mắt ROG Zephyrus M16, S17: Thiết kế hầm hố, dùng Intel Gen 11
BÀI VIẾT LIÊN QUAN CỦA NGƯỜI DÙNG
-
Laptop tung mã giảm 300K tặng người đẹp, thời gian săn mã có hạn, nhanh tay kẻo hết!
08/03 -
ZOWIE trở thành đối tác màn hình chính thức của Intel Extreme Masters 2025 - 2027
11/02 -
[CES 2025] Lenovo ra mắt Yoga Slim 9i và Yoga Book 9i: Camera ẩn dưới màn hình, thiết kế hai màn hình độc đáo
08/01 -
[CES 2025] ASUS ra mắt Zenbook A14: Laptop Copilot+ mỏng nhẹ nhất thế giới
08/01 -
[CES 2025] Intel ra mắt loạt vi xử lý mới dành cho máy tính để bàn, laptop và thiết bị vùng biên
07/01 -
[CES 2025] Dell khai tử thương hiệu XPS, tinh gọn dải sản phẩm với 3 dòng máy mới
07/01
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.