Trách nhiệm của nhà mạng sau sự cố đứt cáp quang

Kể từ ngày 07.01.2017, 3 tuyến cáp quang biển phục vụ cho việc kết nối Internet tại Việt Nam đã gặp sự cố kỹ thuật. Điều này đã dẫn tới tình trạng mất kết nối hoặc làm giảm chất lượng kết nối mạng của các thuê bao sử dụng dịch vụ internet của các nhà mạng như Viettel, FPT, VNPT - Vinaphone và CMC.
Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống mạng internet của nước ta gặp sự cố, tuy nhiên thì có một điểm chung của các sự cố này, đó là sự thờ ơ của các nhà cung cấp dịch vụ trước quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Sử dụng facebook để kinh doanh, chính vì vậy, việc đường truyền internet gặp sự cố những ngày qua đã khiến cho chị Tú bỏ lỡ không ít đơn hàng.
Chị Nguyễn Ngọc Tú, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: Kinh doanh online thì bọn mình phải check inbox rất là nhiều. Cái sự cố mất mạng thì nó làm ảnh hưởng rất là nhiều. Như mình là người bán hàng thì không thể check kịp được hay là cập nhật những cái nhu cầu của khách hàng muốn hỏi mình. Hay bản thân khách hàng họ muốn đặt hàng thì cũng không thể liên lạc hoặc là gửi tin nhắn cho mình qua inbox được. Cái sự cố đấy nó ảnh hưởng rất lớn tới cái việc kinh doanh online của mình.
Chịu thiệt hại rõ rệt nhất trong sự cố đứt cáp có lẽ là các cửa hàng kinh doanh dịch vụ internet. Anh Giang, chủ cửa hàng internet trên phố Tô Hiệu thì cho biết, số lượng khách hàng tại quán đã sụt giảm mạnh trong những ngày qua.
Anh Tô Văn Giang, Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ: Thường thường hàng ngày thì bọn mình thu từ 30 đến 35 máy, tuy nhiên thì từ ngày đứt cáp quang thì bọn mình thấy là có ít khách, chỉ từ khoảng 20 máy. Như hôm nay thì rất là vắng.
Nhiều chuyên gia về pháp luật cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ internet không thể rũ bỏ trách nhiệm đối với khách hàng trong sự cố đứt cáp quang vừa xảy ra. Tuy nhiên thì để có thể nhận được bồi thường, người sử dụng dịch vụ internet cần phải chứng minh được thiệt hại của mình do sự cố gây ra. Đây được xem là một trở ngại khiến cho người tiêu dùng gặp khó khăn khi có ý định truy trách nhiệm của các nhà cung cấp.
Luật sư Đỗ Mạnh Linh, Công ty luật Bross và cộng sự cho biết: Pháp luật có miễn trừ lí do bất khả kháng như là động đất, thiên tai dẫn tới việc không thể cung cấp dịch vụ đúng như ban đầu thì nhà cung cấp dịch vụ lúc này được miễn trừ. Tuy nhiên thì trong trường hợp không phải trở ngại khách quan mà do xuất phát từ nội tại của nhà cung cấp dịch vụ thì anh phải có trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng dịch vụ. Song người sử dụng dịch vụ đôi khi chưa hiểu hết được quyền và nghĩa vụ của mình cho nên là thực hiện một cách chưa đầy đủ, chưa quyết liệt. Đứng ở góc độ nhà cung cấp dịch vụ thì thực sự là trong trường hợp này giải quyết chưa có đầu cuối, chưa thỏa đáng.
Thông tin tới phóng viên truyền hình Công an nhân dân ANTV, đại diện của hai nhà cung cấp dịch vụ internet là Viettel và VNPT cho biết, phương án hỗ trợ khách hàng gặp thiệt hại không có trong kế hoạch của mình.
"Hàng tháng vẫn thu tiền đủ, nhưng khi gặp sự cố lại không thấy có ý kiến gì". Đó là câu nói mà chúng ta rất hay được nghe mỗi khi các dịch vụ như điện, nước hay internet gặp sự cố. Có thể thấy là để người dân chứng minh được thiệt hại của mình mỗi khi mạng internet bị trục trặc là chuyện không hề đơn giản. Và dường như điều này đã góp phần tạo nên tâm lý coi thường của các nhà cung cấp dịch vụ trước những thiệt hại của khách hàng. Chúng tôi sẽ trở lại về vấn đề này trong thời gian gần đây.
Theo: ANTV
Xem thêm: Nhà mạng ráo riết bảo đảm chất lượng Internet di động dịp Tết
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.