Thử so sánh chip Apple A-seires với Intel trên Mac để thấy tương lai chip ARM của Apple
Kể từ sự kiện WWDC 2020, Apple đã khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên khi thông báo sẽ chuyển sang dùng nền tảng ARM cho các thiết bị MacBook của mình trong tương lai. Điều này đã dẫn đến một câu hỏi "Liệu hiệu năng của ARM có thể so sánh với Intel?". Để làm rõ điều này, sau đây chúng ta hãy so sánh dòng chip A-series có kiến trúc ARM của Apple với vi xử lý Intel.
Ngay từ chiếc iPhone đầu tiên, Apple đã ưa chuộng thiết kế ARM cho các thiết bị smartphone của hãng. Thế nhưng, bước ngoặc chỉ thật sự đến bằng chiếc iPhone 4. Sản phẩm đánh dấu cho dòng chip Apple A-series với con chip Apple A4.
Kể từ đó, dòng chip độc quyền của Apple đã tìm thấy chỗ đứng nhất định trong thế giới ARM. Bảng xếp hạng dưới đây mình xin phép chỉ đề cập từ dòng chip Apple A10 đến Apple A12Z vì những vi xử lý này sẽ gần gũi, quen thuộc với độc giả.
1. Chip A10 và A10X Fusion
Apple A10 Fusion lần đầu xuất hiện trên bộ đôi iPhone 7 và iPhone 7 Plus ra mắt vào năm 2016. Dù đã có tuổi đời hơn 4 năm nhưng nó vẫn đáp ứng khá tốt các tác vụ chơi game, xem phim...
Trên trang công cụ Geekbench 5, chip A10 Fusion với xung nhịp 2.3GHz ghi nhận điểm đơn nhân xấp xỉ 740 điểm và điểm đa nhân là 1.322 điểm. Chi tiết điểm số bạn có thể tham khảo tại đây
Với điểm số trên, chip A10 Fusion gần như tương đồng với model MacBook 12 inch ra mắt đầu cùng năm, được trang bị chip Intel Core m7 với xung nhịp 1.3GHz. Trong bài thử nghiệm Geekbench, kết quả thu được của mẫu laptop này là 652 điểm đơn nhân và 1.405 điểm đa nhân.
Sản phẩm có giá 1.299 USD (khoảng 30 triệu đồng) tại thời điểm ra mắt, cao hơn khá nhiều so với mức giá khiêm tốn 649 USD (khoảng 15 triệu đồng) của iPhone 7 series. Đây có thể là kết quả gây ngạc nhiên với người dùng khi cả 2 cho ra kết quả tương đồng dù được định giá khác nhau.
Sau khi ra mắt A10 Fusion, Táo khuyết tiếp tục có sự nâng cấp nhỏ cho dòng chip này khi tung ra A10X Fusion. Vi xử lý này được tích hợp chủ yếu trên các thiết bị tablet của hãng như iPad Pro 10.5 inch 2017 và iPad Pro 12.9 inch 2017.
Điểm chuẩn của A10X Fusion cao hơn một chút so với A10 Fusion. Trên iPad Pro, điểm đơn nhân và đa nhân của A10X Fusion lần lượt là 831 điểm và 2.265 điểm. Với điểm số ấn tượng như vậy, A10X Fusion đủ sức cạnh tranh với mẫu MacBook Pro 13 inch 2017 được trang bị chip Intel Core i5.
2. Chip A11 Bionic
Có thể nói Chip A11 Bionic có một ấn tượng khó quên với người dùng khi được trang bị cho loạt iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X ra mắt vào năm 2017. Đây cũng là dòng chip cây nhà lá vườn đầu tiên của Apple được trang bị công nghệ Neural Engine giúp xử lý các tác vụ AI và học hỏi thao tác sử dụng của người dùng theo thời gian.
Trên iPhone X, A11 Bionic ghi được số điểm khá ấn tượng (điểm đơn nhân là 917 điểm và đa nhân là 2.350 điểm) với mức giá khởi điểm là 999 USD (khoảng 23 triệu đồng). Dù vậy, người dùng có thể sở hữu con chip này với mức giá dễ chịu hơn, chỉ 699 USD (16 triệu đồng) trên iPhone 8 series.
Số điểm này ngang ngửa với mẫu laptop 999 USD (23 triệu đồng) MacBook Air 2020 phiên bản chip Intel Core i3-1000NG4 lõi kép 11GHz, hỗ trợ công nghệ Turbo Boost giúp đẩy xung nhịp tối đa 3.2 GHz có điểm đơn nhân trung bình là 1.076 điểm và đa nhân là 2.842 điểm.
3. Chip A12 Bionic
Người kế nhiệm A11 Bionic lần đầu ra mắt ở thế hệ iPhone Xr, iPhone Xs và iPhone Xs Max với những cải tiến đáng giá như tiến trình 7 nm hiện đại cùng xung nhịp 2.5 GHz. Con chip này cũng được sử dụng trên cả iPad Air 10.5 inch 2019 và iPad Mini 7.9 inch 2019.
Chưa hết, người dùng còn có thể sở hữu A12 Bionic với mức giá khá đa đạng từ những mẫu iPad 399 USD (hơn 9 triệu) cho đến model iPhone Xr với 749 USD (khoảng 17 triệu đồng).
Trên iPhone Xs, Apple A12 ghi được 1.106 điểm đơn nhân và 2.687 điểm đa nhân. Con số này nhỉnh hơn một chút với iPad Air 10.5 inch 2019 với số điểm lần lượt là 1.112 và 2.869 điểm.
Số điểm mà A12 Bionic ghi được có thể so sánh với cấu hình Intel Core i5-7400 (xung nhịp 3GHz), RAM 8 GB được trang bị trên mẫu iMac 21.5 inch ra mắt 2017. Mẫu PC này đạt hiệu năng 1.005 điểm đơn nhân cùng 3.208 điểm đa nhân và được định giá 1.099 USD (hơn 25 triệu đồng).
4. A12X và A12Z Bionic
Cả hai phiên bản nâng cấp Apple A12X, A12Z đều có hiệu năng mạnh mẽ và được Apple tích hợp trên các mẫu iPad Pro suốt 2 năm qua. Phiên bản A12X được sử dụng trên iPad Pro 2018 còn A12Z thuộc về model iPad Pro 2020.
Trên thực tế điểm benchmark trên Geekbench 5 của 2 vi xử lý này khá giống nhau do chúng sử dụng chung kiến trúc và chỉ có một vài sửa đổi nhỏ. A12X và A12Z Bionic đều đạt điểm chuẩn khoảng 1.115 điểm với điểm đơn nhân và đa nhân là 4.626 điểm. Mức giá rẻ nhất người dùng có thể sở hữu A12X, A12Z là 799 USD (18.5 triệu đồng) trên mẫu iPad Pro 11 inch 2020.
Nếu bạn mong muốn một sản phẩm dùng chip Intel có hiệu năng tương tự như bộ đôi A12 trên thì cấu hình Intel Core i7 thế hệ 9 và RAM 16 GB trên MacBook Pro 16 inch có thể đáp ứng nhu cầu của bạn.
Theo đó, mẫu MacBook này mang lại hiệu năng đơn nhân thấp hơn (1.024 điểm) nhưng lại nhỉnh hơn Apple A12Z về điểm đa nhân (5.385 điểm). Cũng như mức giá bán lẻ của MacBook Pro 16 inch sẽ cao hơn với giá lên đến 2.399 USD (khoảng 55 triệu đồng).
5. Chip Apple A13 Bionic
Chốt lại danh sách sẽ là con chip mới nhất đến từ nhà Táo khuyết - Apple A13 Bionic với 6 nhân, xung nhịp 2.6GHz mạnh mẽ. Theo điểm đo trên Geekbench 5, A13 Bionic đạt điểm trung bình 1.325 điểm cho tác vụ đơn nhân và 3.382 điểm cho bài thử nghiệm đa nhân. Điều đặc biệt, người dùng chỉ cần số tiền 399 USD (hơn 9 triệu đồng) là đã có thể sở hữu A13 Bionic trên iPhone SE 2020.
Một đại diện khác từ nhà Táo như MacBook Pro 13 inch phiên bản Intel Core i5-8257U (chip lõi tứ, xung nhịp dao động từ 1.4Ghz đến 3.9GHz) cũng cung cấp hiệu năng tương tự A13 Bionic dù cho giá tiền của cả 2 có sự khác biệt.
Cụ thể theo Geekbench 5, Intel Core i5-8257U của MacBook Pro 13 inch sẽ có hiệu năng tương đương với Apple A13, trong đó điểm đơn nhân đạt 1.012 điểm và đa nhân đạt 3.676 điểm, cùng mức giá cao hơn là 1.299 USD (hơn 30 triệu đồng).
Ảnh hưởng của ARM lên các sản phẩm tương lai của Apple
Tóm lại, các so sánh ở trên chỉ mang tính tương đối vì hiệu năng của một con chip còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau trong thực tế. Tuy nhiên, có thể thấy Apple đã có sự tiến bộ đáng kể trong mảng bán dẫn.
Sự kết hợp giữa thiết kế, kiểm soát toàn bộ các quy trình xếp chồng và đúc chip của Apple đã góp phần tạo ra những con chip di động ngày càng nhanh và mạnh hơn không kém chip cho laptop, PC.
Dù cho thị phần của ARM trong lĩnh vực này chưa thể so sánh với Intel nhưng với sự tiến bộ và cải tiến về mặt công nghệ như hiện nay, có thể thấy các đối thủ đang dần bắt kịp gã khổng lồ bán dẫn.
Với việc Apple chuyển toàn bộ dòng máy Mac sang Apple Silicon, giới công nghệ kỳ vọng động thái này sẽ góp phần thúc đẩy các nhà sản xuất máy tính và công ty máy chủ khác sử dụng chip ARM nhiều hơn.
Người dùng hoàn toàn có quyền tin tưởng vào việc Apple sẽ mang đến những sản phẩm ARM có hiệu năng tương tự chip Intel trên các dòng Mac (MacBook, iMac...) với mức giá phải chăng hơn trong tương lai.
Trên đây là nhận định của mình về hiệu năng của Apple A-series và chip Intel. Bạn hy vọng Apple sẽ mang lại điều gì với thế hệ chip ARM trang bị trên dòng máy Mac sắp tới? Hãy chia sẻ ý kiến ở bình luận bên dưới nhé.
Nguồn: Appleinsider
Xem thêm: Giá bán sẽ là điểm nhấn của iPhone 12 series để tăng trưởng doanh thu nửa cuối 2020
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.