Thị trường hệ điều hành di động: Android & iOS "bóp nghẹt" Windows

Theo ước tính mới nhất từ Gartner, hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google tiếp tục "bành trướng", chỉ còn chừa lại một phần rất nhỏ cho Windows Phone và BlackBerry. Việc "Dâu Đen" ra mắt chiếc Priv chạy Android như khiến Windows càng thêm "ngộp thở".
Apple và Samsung quá áp đảo
Doanh số bán điện thoại thông minh trong năm 2015 chỉ có mức tăng khiêm tốn so với năm 2014, hãng nghiên cứu Gartner cho biết. Các nhà sản xuất điện thoại xuất xưởng 403 triệu chiếc trong quý 4, đủ để tổng số năm 2015 đạt mức kỷ lục 1,44 tỷ chiếc, tăng trưởng 14,4%. Dù vậy đây vẫn là năm có tốc độ tăng trưởng chậm nhất kể từ 2008, dấu hiệu cho sự bão hoà của thị trường di động.
Nói về con số tổng kết cả năm 2015, Samsung đã cung cấp cho thị trường 320 triệu thiết bị, chiếm 22,5%. Tiếp theo là Apple với 225,8 triệu chiếc iPhone, chiếm 15,9% thị trường. Tổng lượng hàng của Huawei trong năm là 104 triệu, với 7,3% thị phần, trong khi Lenovo xuất xưởng 72,7 triệu thiết bị, với 5,1% thị trường, và Xiaomi xuất xưởng 65,6 triệu thiết bị, chiếm 4,6% thị trường.
Riêng quý 4/2015, Samsung xuất xưởng 83,4 triệu thiết bị, so với 71,5 triệu chiếc của Apple. Huawei theo sau với 32 triệu, Lenovo là 20 triệu thiết bị, và Xiaomi là 18,3 triệu. Năm nhà cung cấp hàng đầu sở hữu lần lượt 20,7%, 17,7%, 8%, 5%, và 4,5% thị trường điện thoại thông minh. Nhóm khác, trong đó có Microsoft, LG, Sony, Sony Ericsson, ZTE phân phối được tổng cộng 177 triệu thiết bị.
Với số lượng hàng xuất kho khoảng 320 triệu thiết bị, Android của Google sở hữu 80,7% thị trường điện thoại thông minh trong quý 4. iOS của Apple, với 71,5 triệu điện thoại di động, đứng thứ hai với 17,7% thị trường. Android và iOS đang tạo thành một chiếc thòng lọng xiết chặt phần còn lại, với việc chiếm 98,4% thị trường.

So với năm 2014, Apple đã đánh mất một ít thị phần vào tay Google. "Android được hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng về điện thoại thông minh giá rẻ và từ sự suy giảm của iOS trong phân khúc cao cấp trong quý 4 năm 2015", Roberta Cozza, Giám đốc Nghiên cứu của Gartner, viết trong báo cáo của hãng. Gartner cũng cho biết điện thoại giá rẻ được bán tại các thị trường mới nổi đóng vai trò lớn trong sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp di động, và điều này góp phần vào xu hướng đi lên của nền tảng Android nói riêng.
BlackBerry dường như muốn buông xuôi hệ điều hành do chính mình tạo ra. Thương hiệu một thời dẫn đầu thị trường chỉ xuất xưởng 900.000 sản phẩm trong quý vừa qua, chiếm một thị phần ít ỏi chỉ 0,2%. Việc ra mắt chiếc flagship mới nhất của hãng là Priv chạy Android cho thấy BlackBerry đã đầu hàng trong mảng hệ điều hành và chỉ muốn tập trung phát triển phần cứng.
Dù mang danh là người đứng vị trí thứ 3, chỉ thua nhà Táo và nhà "Củ sâm", nhưng nền tảng Windows của Microsoft gần như từng bước bị xoá sổ khỏi bản đồ. Gartner ước tính Microsoft xuất kho khoảng 4,4 triệu Windows Phone trong quý 4, chỉ chiếm 1,1% thị trường. Một sự suy giảm đáng kể so với lô hàng 10,4 triệu và thị phần 2,8% trong cùng kỳ năm trước.
Microsoft "đem con bỏ chợ", cái chết không bất ngờ
Người dùng thì đổ lỗi cho việc họ phải chờ đợi quá lâu với nền tảng Windows 10 Mobile, nên đành "phản bội". Hoặc do Microsoft không tung bất kỳ chiến dịch marketing nào cho nền tảng Windows Phone ở sân chơi smartphone, kể từ khi kế thừa di sản của hãng di động Phần Lan Nokia để lại.
Microsoft không còn mặn mà với cuộc chơi smartphone sau khi thâu tóm thành công Nokia, dù đây đã từng là một tên tuổi khổng lồ của làng điện thoại di động. Kể từ khi thâu tóm bộ phận di động của Nokia, thị phần Windows Phone không dậm chân tại chỗ mà còn thụt lùi từ 2,8% (quý IV/2015) xuống còn 1,1%. Trên thực tế, so với việc bán thiết bị Windows, Microsoft thu về nguồn lợi nhiều hơn gấp nhiều lần từ việc cấp bản quyền sáng chế cho Android. Vả lại, CEO Nadella mới của Microsoft từ trước khi nhậm chức đã không ủng hộ thương vụ với Nokia, vì vậy giờ đây gã khổng lồ phần mềm "đem con bỏ chợ" cũng không quá bất ngờ. Việc này khiến nhiều fan hâm mộ Nokia ghép Microsoft vào tội "huỷ diệt một tượng đài".

Vì thế có lẽ Microsoft chỉ tham gia lĩnh vực smartphone như một cuộc dạo chơi, tăng độ phủ hơn là để cạnh tranh với các thương hiệu smartphone khác. Hay như cách nói vui của một số tín đồ Windows, "Microsoft ra mắt smartphone chỉ là để chúng ta tạm quên đi sự chậm chạp của Windows 10 mà thôi".
Bạn nghĩ Microsoft sẽ có chiến lược gì trong tương lai để cứu Windows Mobile khỏi sự đè bẹp của iOS và Android? Tiếp tục sản xuất smartphone hay lui về "hậu cung" để trở lại phát triển phần mềm?
Hãy cho mình và mọi người biết cảm nhận của bạn qua khung bình luận bên dưới nhé!
Xem thêm:
- Windows 10 Mobile chậm chạp vì... những mưu đồ lớn!?
- Cựu CEO Microsoft: Cần tìm ra lối thoát cho Windows Phone
- Cyanogen - Vũ khí giúp Microsoft xâm lăng lãnh địa Android của Google
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.