Telegram là một ứng dụng nhắn tin miễn phí có thể sử dụng trên cả điện thoại và máy tính, dù gây được tiếng vang trên thế giới nhờ những tính năng nổi bật nhưng Telegram vẫn bị cấm ở một số quốc gia. Trong bài viết Ứng dụng Telegram ngày hôm nay, mình sẽ giới thiệu với các bạn thêm nhiều điều đặc biệt về ứng dụng này, hãy cùng mình tìm hiểu nhé!
Bài viết được tham khảo từ các chuyên trang công nghệ: Nytimes.
Ứng dụng Telegram là gì và có khó sử dụng không?
Telegram ra đời vào tháng 3 năm 2013, được sáng tạo bởi Pavel Durov là một ứng dụng nhắn tin và gọi điện miễn phí trên internet, được cho là phát triển không nhằm mục đích lợi nhuận. Pavel Durov cũng là người sáng lập ra Vkontakte (viết tắt là VK), tuy nhiên về sau vì WK gặp phải rắc rối với Chính phủ, Pavel Durov buộc phải bán hết số cổ phần và phải rời khỏi quê hương Nga để sống lưu vong. Chính vì thế, Pavel Durov quyết tâm lập nên một ứng dụng tin nhắn siêu bảo mật nhằm trả đũa và Telegram đã được ra đời.
Telegram là một ứng dụng liên lạc dựa trên đám mây, tương tự như các ứng dụng nhắn tin miễn phí khác như WhatsApp, Viber, Facebook... Nền tảng ứng dụng này cho phép người dùng nhắn tin, gửi ảnh, video, nhãn dán, văn bản và các tệp khác miễn phí. Quá trình cài đặt của Telegram cũng khá dễ dàng, đối với người dùng di động, ứng dụng có thể tải trên App Store, Google Play và Microsoft store.
Ngoài ra, Telegram cũng có thể sử dụng trên máy tính (OS X, Windows và Linux) nhưng vì phần mềm ứng dụng sử dụng số điện thoại di động làm tài khoản nhận dạng nên trước tiên bạn phải đăng ký tài khoản của mình qua ứng dụng dành cho thiết bị di động. Sau đó, Telegram sẽ gửi cho bạn mã xác minh qua SMS, mã này sẽ kích hoạt ứng dụng trên thiết bị máy tính của bạn.
Bạn cũng có thể tùy chỉnh chế độ công khai người dùng để bạn bè dễ dàng tìm kiếm, tuy nhiên nếu bạn muốn bảo mật quyền riêng tư thì hãy xem xét kĩ càng vấn đề này vì bất kỳ người dùng nào cũng có thể tìm kiếm tên người dùng của bạn và sau đó nhắn tin cho bạn thông qua ứng dụng Telegram.
Nhìn chung, ứng dụng này khá dễ sử dụng, mình đã thử cài đặt ứng dụng này trên điện thoại Android của mình và thấy rằng giao diện của Telegram về cơ bản hoạt động giống như phần lớn các ứng dụng nhắn tin khác. Tuy nhiên, giao diện của ứng dụng này trông có vẻ đơn giản hơn nhiều bởi vì bạn sẽ không có chế độ xem bảng tin như một số ứng dụng nhắn tin miễn phí khác như Facebook hoặc Tiktok.
Bởi lẽ, ứng dụng này chỉ tập trung vào nhắn tin, gọi video và tạo group chat, nhưng đáng tiếc là ứng dụng này hiện tại chưa hỗ trợ tiếng Việt nhưng mình nghĩ đây sẽ không là vấn đề quá khó khăn. Ngoài ra, ứng dụng này còn có tùy chọn 'People Nearby - Tìm kiếm bạn bè xung quanh' giúp bạn dễ dàng tìm kiếm, giao lưu với nhiều bạn mới nhưng phải bạn phải cẩn thận với người lạ đấy nhé!
Ưu, nhược điểm của Telegram: Liệu 'át chủ bài' có trở thành điểm yếu lớn nhất?
Với những thông tin mình mới vừa cung cấp, chắc hẳn các bạn cũng đã phần nào đoán ra được ưu điểm mạnh nhất của Telegram rồi đúng không nào! Đúng vậy, sự an toàn, độ bảo mật ở mức tuyệt đối dường như đã làm nên thương hiệu của ứng dụng này và điều này đã khiến Telegram trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với WhatsApp. Telegram cho phép người dùng tạo một khóa mật mã, khi ứng dụng bị khóa người dùng sẽ không nhận được thông báo đẩy và điều này bảo vệ bạn tránh được sự chú ý, tò mò của người khác.
Mình đã thử sử dụng khóa mật mã này và thấy rằng tùy chọn này rất an toàn, phù hợp với nhu cầu bảo vệ quyền riêng tư của chúng ta hiện nay. Cách kích hoạt cũng khá đơn giản, các bạn hãy vào menu của ứng dụng, ở phần 'Setting' chọn 'Privacy and Security', tiếp đến ở mục 'Security' chọn 'Passcode Lock' và kích hoạt tùy chọn này sau đó đặt một mật mã, như vậy là bạn đã có thể bảo vệ những thông tin và tin nhắn của mình một cách an toàn.
Telegram cũng có một biện pháp bảo mật khác trong các cuộc trò chuyện nhóm. Nếu có người tham gia không xác định trong nhóm, số điện thoại của bạn sẽ không được hiển thị và có thể bật xác minh hai bước để bảo vệ tất cả các cuộc trò chuyện của mình khi chuyển từ thiết bị này sang thiết bị khác.
Mặt khác, người dùng có thể đặt thời gian tự hủy tin nhắn, tự hủy ảnh và quá trình được đếm ngược khi người nhận mở ảnh. Hệ thống Telegram bảo mật cao đến mức ngay cả các công ty an ninh của Nga cũng không thể tiếp cận được, do đó bạn có thể nhắn tin, tương tác với bạn bè mà không phải lo lắng bị các cơ quan an ninh hay hacker đánh cắp thông tin.
Đến đây, chúng ta dường như có thể nhận định rằng Telegram là một nơi 'đáng tin cậy'. Nếu so với Facebook, một trong những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay luôn bị người dùng phàn nàn về độ bảo mật kém, dễ bị hacker tấn công thì mình nhận thấy Telegram lại là một nơi 'bất khả xâm phạm'.
Nếu bạn cảm thấy khó chịu với các quảng cáo thì đối với Telegram, bạn sẽ hài lòng vì ứng dụng này không bao giờ xuất hiện các quảng cáo. Bởi lẽ, lợi ích kinh tế không phải là mục tiêu của ứng dụng này. Telegram khẳng định tập trung phục vụ cộng đồng nên mọi hoạt động của họ luôn hướng đến người dùng. Pavel Durov từng nói công ty sẽ không nhận bất kỳ khoản đầu tư nào từ bên ngoài.
Khác với WhatsApp hay các ứng dụng khác giới hạn sự tiếp cận của bên thứ ba, Telegram như một mã nguồn mở, các developer có thể truy cập để chỉnh sửa, thiết kế hay tạo ra các phiên bản mới. Vì thế Telegram luôn có những giao diện thiết kế mới hơn, tốt hơn, thân thiện với người dùng hơn.
Ngoài các yếu tố nổi bật trên, Telegram còn có những chi tiết và ưu điểm thú vị khác như có thể tạo nhóm với tối đa 5.000 người, số lượng ảnh, video và các tệp được gửi tùy thích, truyền phát đến 100 địa chỉ liên hệ cùng một lúc.
Ứng dụng có tính ổn định và tốc độ truyền tin rất cao, tất cả các tin nhắn bạn đã gửi sẽ được truyền đến người nhận ngay lập tức, ngay cả khi trong cuộc trò chuyện bí mật. Và một chi tiết mà mình cảm thấy khá thú vị đó là khi nền tảng ứng dụng mở, bạn có thể sáng tạo những nhãn dán cho riêng mình.
Thật vậy, mình đã không thấy bất kỳ một quảng cáo nào xuất hiện trong quá trình sử dụng, ứng dụng này chạy rất mượt mà làm mình đôi khi lầm tưởng rằng đây là một ứng dụng offline. Tốc độ truyền tin của Telegram đã làm mình rất bất ngờ, tin nhắn được truyền đi rất nhanh dù là trong những lúc tốc độ internet của mình đang khá chậm.
Các sticker nhãn dán trên Telegram cũng rất đa dạng, sinh động và đáng yêu, mặc dù ứng dụng này không có chức năng 'mở bong bóng chat' như Facebook nhưng mình nghĩ điều này là để giúp tin nhắn của bạn bảo mật hơn, an toàn hơn. Bên cạnh đó, ngoài việc hỗ trợ chia sẻ các file dung lượng lớn lên đến 1.5GB, còn một điểm mà mình thấy rất đặc biệt đó là Telegram cho phép chia sẻ các file âm nhạc có trên thiết bị, điều này sẽ giúp bạn dễ dàng chia sẻ các bài hát yêu thích của mình đến với bạn bè một cách nhanh chóng và dễ dàng.
Ưu điểm là thế, nhưng Telegram vẫn không tránh được những nhược điểm nhất định. Nếu như nói tính bảo mật cao là ưu điểm lớn nhất của ứng dụng này thì đây lại là một vũ khí nguy hiểm với những sự việc đáng tiếc xảy ra. Một vài tổ chức phi pháp đã sử dụng Telegram để thiết lập các âm mưu khủng bố, tuyên truyền dụ dỗ nhiều người gia nhập tổ chức khá nghiêm trọng.
Vụ án phòng chat chấn động ở Hàn Quốc gần đây cũng là một bằng chứng cho thấy cần phải quản lý hệ thống này chặt chẽ. Vì khả năng bảo mật quá cao, nhiều phóng viên trà trộn vào phòng chat đã nhanh chóng bị phát hiện. Telegram đang nhanh chóng trở thành môi trường dễ bị kẻ xấu lợi dụng, nơi 'ẩn náu' trực tuyến đối với những đối tượng xấu, những người có tâm lý thù địch và kích động.
Mức độ phổ biến gia tăng một cách nhanh chóng của Telegram
Vào tháng 10 năm 2013, Telegram có 100 nghìn người dùng hoạt động hằng ngày. Sang năm 2014, Telegram đã có bước chuyển biến khi WhatsApp - ứng dụng nhắn tin hàng đầu thế giới khi đó gặp phải những vấn đề trục trặc. Hàng triệu người dùng đã tìm kiếm một ứng dụng khác để thay thế, lúc đó cái tên Telegram nổi lên như một cứu cánh.
Nhờ vào sai lầm của WhatsApp, Telegram đã thu hút thêm 5 triệu lượt tải và trở thành ứng dụng được tải nhiều nhất trên Apple Store ở thời điểm đó. Không những thế, Telegram cũng trở thành ứng dụng hàng đầu tại hơn 46 quốc gia. Tháng 3 năm 2014, Telegram tuyên bố đạt 15 triệu người dùng hành động hằng ngày.
Tháng 10 năm 2014, do các kế hoạch giám sát của chính phủ Hàn Quốc khiến nhiều người chuyển sang dùng Telegram nên vào cuối năm đó, Telegram tuyên bố có 50 triệu người dùng đang hoạt động, 1 tỷ tin nhắn mỗi ngày và 1 triệu người dùng mới mỗi tuần. Tháng 9 năm 2015, ứng dụng có 60 triệu người dùng đang hoạt động, trao đổi 12 tỷ tin nhắn mỗi ngày và đến thời điểm hiện tại con số đã lên đến 200 triệu lượt tải xuống trên Google Play.
Tuy nhiên, Telegram đang trở thành công cụ bị kẻ xấu lợi dụng và mức độ tăng lượng download như thế này càng khiến tình hình trở nên tệ hơn.
Tổng kết
Telegram là sự tích hợp giữa tốc độ nhắn tin của WhatsApp và mức độ bảo mật cao của Snapchat, đối với bản thân mình, mình khá thích ứng dụng này bởi tính tiện ích của Telegram. Nhưng khi tình trạng rò rỉ đánh cắp thông tin đang tràn lan như hiện nay, Telegram đang đối mặt với nhiều rủi ro, dễ bị lợi dụng vào những mục đích xấu nhưng những lợi ích ứng dụng này đem lại thật sự là rất nhiều ứng dụng khác không thể so được.
Bạn thấy bài viết này thế nào? Hãy để lại bình luận bên dưới và cho mình biết với nhé.
Nguồn: Nytimes.
Bài viết liên quan
-
Hướng dẫn cách giải phóng dung lượng Telegram giúp điện thoại chạy mượt mà hơn
01/08/24 -
Hướng dẫn cách bảo mật tài khoản Telegram để đảm bảo an toàn, phòng tránh lừa đảo
15/02/24 -
Telegram tung cập nhật lớn với loạt tính năng mới cho tất cả người dùng
03/12/23 -
Telegram đã có Stories như các ứng dụng mạng xã hội khác, liệu có quá muộn?
28/06/23 -
Đây là cách để không ai thấy cuộc trò chuyện trên Telegram mà không cần phải xóa
06/04/23 -
Ứng dụng Telegram có gì HOT mà được nhiều người dùng tin tưởng sử dụng thế nhỉ?
20/03/23
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.