[Tản mạn] Với giới trẻ, đâu là chuẩn mực và giới hạn cho nhu cầu 'tự sướng'?
Từ khi điện thoại sở hữu máy ảnh trở nên phổ biến, người dùng bắt đầu tận dụng tối đa chức năng chụp hình. Có thể nói, bây giờ nhu cầu "tự sướng" trong giới trẻ có tầm quan trọng như ăn cơm hàng ngày vậy. Nhưng đâu sẽ là giới hạn và chuẩn mực?

Lịch sử ghi nhận, bức ảnh tự sướng đầu tiên được chụp vào năm 1839. Và từ thuở sơ khai trở đi, những bức ảnh tự chụp kiểu như vậy đã dần dần ra đời nhiều hơn tuy nhiên chúng thường trông như ảnh thẻ, ảnh chứng minh thư. Theo thời gian, smartphone cùng mạng xã hội phát triển kéo theo người dùng - đặc biệt là giới trẻ đã bắt đầu biết biến tấu, sáng tạo, "phùng mang, trợn má",... đủ kiểu để cho ra những bức ảnh ấn tượng, để đời. Quay lại vài năm về trước, khi ai đó trông thấy những bức ảnh selfie được chụp ở nhà chùa, bệnh viện, nhà vệ sinh hay những nơi nguy hiểm thì ngay lập tức họ sẽ phản ứng dữ dội và cho rằng như thế là không tốt một tí nào. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, việc tự sướng đã được diễn ra ở mọi nơi và dường như mọi lúc có thể, những luồng ý kiến phản đối ngày xưa cũng phần nào bị dập tắt vì điều này đã đã quá đỗi "quen hơi bén rễ".

Đây được xem là bức ảnh selfie đầu tiên trên thế giới!
Nhưng việc gì cũng cần có giới hạn, dù không có (hoặc rất ít) đạo luật quy định cụ thể nơi chốn hay khoảnh khắc nào là nên hay không được tự sướng nhưng chuẩn mực xã hội, đạo đức loài người luôn khiến chúng ta phải biết tự điều chỉnh bản thân mình. Ấy vậy mà mà thật đáng buồn và báo động khi một bộ phận giới trẻ ngày nay đang dần thiếu suy nghĩ và thể hiện sự suy đồi đạo đức khi bất chấp selfie, thậm chí là wefie, groupfie (được hiểu là danh từ số nhiều của selfie: Tự sướng nhiều người) trong tang lễ mà vẫn làm trò, biểu cảm tươi vui, cười hớn hở.

Chỉ có thể diễn tả bằng câu: "Gia môn bất hạnh".
"Nói có sách, mách phải có chứng", như hình ảnh các bạn thấy bên trên, được một người đăng tải lên Facebook vào đầu tháng vừa rồi. Trong hình là các bạn trẻ đang cùng nhau chụp ảnh: Người thì cười, kẻ thì làm biểu cảm kiểu cute, nói chung là đủ "50 sắc thái" trong khi đầu vẫn đội khăn tang và mình thì đang khoác áo ma chay. Đó là chưa kể đến dòng chia sẻ có nội dung rất ư là vô đạo đức và không thể chấp nhận được!
Ngay sau khi đăng tải, hàng loạt cư dân mạng đã ném đá dữ dội chủ nhân của bức hình, có bạn nói "Trùm bất hiếu, tội cho người cha quá cố!", người thì mạnh dạn "Thực sự nếu nói tội cho bác này thì không phải lắm vì mình nghĩ khi bác mất đi, không còn sống chung với những người bất hiếu này nữa thì sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều!", còn một số thì hy vọng "Chắc đây là đoàn phim nào đó vì trước đây từng có chuyện tương tự, mong là giống như mình nghĩ!",...

Khóc lóc về người thân quá cố, chụp hình post lên mạng xã hội như vậy có nên?
Và 2 bức ảnh trên chỉ là một trong rất nhiều bức ảnh chụp trong dịp tang lễ mà vui vẻ như ăn cưới được tung lên mạng xã hội thời gian qua. Có thể nói nhiều bạn trẻ đã dần lệch lạc suy nghĩ và trở nên cuồng việc ảo hoá tất cả mọi thứ xung quanh mình. Bất cứ chuyện gì họ cũng có thể mang lên mạng xã hội trưng bày cho người khác xem, cho dù đó là việc tự sướng khi khóc chia tay người yêu hay là vui vẻ selfie gần khu đền sau thảm hoạ động đất ở Nepal vừa qua cũng như nhí nhảnh ghi lại khoảnh khắc hoả hoạn, tai nạn giao thông và nay có cả chụp cùng người đã khuất hay di ảnh của họ...

Đầu còn đội khăn tang nhưng miệng cười tươi thắm !?!
Tóm lại, dù selfie, wefie hay groupfie có quan trọng hay cần thiết như việc ăn uống mỗi ngày thì chúng ta cũng nên biết cách "ăn" khi nào là phù hợp và "uống" kiểu gì cho phải phép. Đừng vì một vài giây thiếu suy nghĩ mà để những người xung quanh đánh giá không tốt về đạo đức và nhân cách của chúng ta. Một, hai hay nhiều bức ảnh gây chú ý, nhiều like hay vô số phản hồi không đáng để phải đánh đổi bằng phẩm giá mà bản thân đã có hay phấn đấu mà được từ lúc sinh ra đến khi lớn lên.

Hãy mạnh dạn và thẳng thắn lên án những người sống ảo lố lăng nhứ thế này, bạn nhé!
Bên cạnh đó, các đơn vị truyền thông báo chí cùng những người dùng khác, nếu có đưa tin hay chia sẻ về những việc này thì cũng nên bày tỏ thái độ nhất quán, không khoan nhượng và thiết nghĩ nên chỉ trích đúng mực làm sao để mọi người thấy đó là cái sai, cái xấu, cái không nên làm,... Chứ chỉ đừng vì câu view, câu like mà quên mất bản chất vốn dĩ của công việc mà mình đang có ý tốt thực hiện. Bởi vì, như từ đầu mình đã có nhắc cụm từ "quen hơi bén rễ", một khi bạn chia sẻ đại trà mà không lên án thì có thể người xung quanh hay cụ thể hơn là những cháu bé sẽ nghĩ "như thế có vẻ hot" rồi từ đó chuyện lạ sẽ thành quen, việc từ bất sẽ sang bình thường như thế thì phản tác dụng mất thôi!
***Lưu ý: Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết, không có ý định xúc phạm hay yêu cầu bất kì cá nhân, tổ chức nào phải thực hiện theo!
Qua bài viết, hy vọng bạn sẽ tìm ra được đâu là chuẩn mực và giới hạn về việc chụp ảnh tự sướng cho cá nhân mình! Và nếu bạn có bất kỳ ý kiến nào, hãy để lại comment bên dưới!
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.