Sony, “người khổng lồ” ngủ quên
Vài năm gần đây, hãng điện tử Sony không đạt được nhiều thành công trong lĩnh vực di động. Nay cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, Sony đang hứa hẹn trở lại.

Sony, “người khổng lồ” ngày nào luôn được nhắc đến bởi những sản phẩm chất lượng cao hòa cùng phong cách thiết kế tuyệt vời đang có những bước đi vững chắc để khẳng định lại tên tuổi.
Loại bỏ hẳn cái tên Ericsson, sản xuất dòng smartphone Xperia Z, table được cho là đẹp nhất thế giới… là những động thái cho thấy sự hồi sinh của Sony. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Hãy cùng nhìn lại quá khứ để hướng đến tương lai của Sony.
Mở đầu

Tiền thân của Sony được thành lập ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 bởi kĩ sư Masaru Ibuka và nhà vật lí Akio Morita. Ban đầu 2 người này mở một cửa hàng đồ điện tử nhỏ ở Tokyo vào năm 1946. Về sau cửa hàng phát triển và lấy tên Tokyo Tsushin Kogyo K.K. (tạm dịch: Công ty Kĩ thuật Viễn thông Tokyo). Đây là công ty có tác phong làm việc hoàn toàn khác so với xã hội lúc bấy giời nơi các nhân viên có thể tự do làm điều mình thích, tự do sáng tạo (miễn sao công việc có kết quả), trái ngược với xu hướng ép buộc người lao động trong thời chiến trước đó.
Họbắt đầu nghiên cứu và sản xuất nhiều sản phẩm như loa, máy ghi âm, băng từ… Công ty đạt được thỏa thuận quan trọng với Bell Labs về công nghệ bán dẫn mới đưa đến việc thương mại hóa một dòng máy thu sóng radio (hay còn gọi là cassette), ra mắt trong năm 1955.
Cũng trong năm này, sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu Sony ra đời. Cái tên là sự kết hợp giữa Sonus (nghĩa là âm thanh trong tiếng Latin) và Sonny (dựa trên cụm từ tiếng anh “sonny boy” ám chỉ những người trẻ giàu nhiệt huyết ở Nhật). Sony chính thức trở thành tên công ty vào năm 1958.
Niềm đam mê công nghệ

Sony cực kì tham vọng, luôn mang trong mình niềm tin vững chắc về những sản phẩm chất lượng cao hơn đối thủ. Một hội nghị khoa học được tổ chức thậm chí đã mở đường cho ý tưởng sản xuất TV.
Năm 1960, Sony mở rộng đến nước Mĩ và xây dựng một nhà máy sản xuất khổng lồ ở Nhật. Họ cũng sản xuất chiếc TV bỏ túi đầu tiên TV8-301. Ibuka nhận định đó là “tương lai của truyền hình”.
Sony tiếp tục cải tiến những công nghệ của mình. Thêm nhiều máy ghi âm băng từ, TV cỡ nhỏ, TV màu năm 1965, đầu thu băng đầu tiên, ampli với hệ thống bóng bán dẫn hoàn toàn bằng silicon. Năm 1968, TV màu công nghệ Triniton đầu tiên KV-1310 xuất hiện và trở thành một dòng sản phẩm rất thành công.

Thập niên 70, Sony vẫn không hề tỏ ra mệt mỏi. 1971 là cassette có thể phát hình màu, đầu máy băng từ Betamax VCR năm 1975. “Huyền thoại” Walkman xuất hiện năm 1979. Sony cũng trình làng máy nghe CD đầu tiên năm 1982 và máy quay mini 8mm năm 1985.
Bỏ quên di động
Sau thời kì bùng nổ, thập kỉ 90 được xem như bước lùi của Sony. Nhiều hãng bắt đầu phát triển, tranh giành thị phần với thiết bị Sony (đa số là từ Hàn Quốc). Với sự xuất hiện của smartphone “đời trước”, Sony cũng không đủ nhanh nhạy để tung ra sản phẩm mới vì mải mê nghiên cứu máy nghe MP3 bỏ túi, về sau bị Apple “mượn” ý tưởng để sản xuất iPod.
Những dấu ấn của Sony trên thị trường di động rất mờ nhạt. Thậm chí vào thời kì PDA bùng nổ giai đoạn 2000, Sony vẫn tiếp tục bỏ lỡ cơ hội.
Đặt cược vào Ericsson

Cùng với Nokia và Motorola, Ericsson là kẻ tiên phong trong ngành công nghiệp di động. Công ty Thụy Điển khởi nghiệp với máy điện tín từ năm 1876, trở thành thương hiệu có sức ảnh hưởng cực lớn.
Với chỉ 1% thị phần, Sony buộc phải hợp tác và tận dụng sự hiểu biết của Ericsson để cạnh tranh ở mảng di động. Ericsson có kinh nghiệm, Sony có nhiệt huyết sáng tạo. Liên minh Sony Ericsson được kì vọng đưa thế giới di động lên một tầm cao mới. Nhưng mọi chuyện không suôn sẻ. Ericsson lúc này đang gặp rắc rối, giá cổ phiếu xuống thấp cùng với sự đi xuống ở mảng kinh doanh chính của họ.
Điện thoại đầu tiên mang nhãn hiệu Sony Ericsson là T68i ra mắt năm 2002, dạng thanh với màn hình màu. T610 năm 2003 là một trong những điện thoại đầu tiên tích hợp camera. 2005, K750i xuất hiện với camera 2MP và khả năng nghe MP3. W800i là điện thoại đầu tiên sở hữu thương hiệu Walkman.
Sony Ericsson bắt đầu đối chọi Nokia trong lĩnh vực chụp ảnh. K800i xuất hiện cùng thương hiệu máy ảnh Cyber-shot năm 2006, camera 3.2MP và đèn flash Xenon. Năm 2007, K850i nâng camera lên 5MP. Tuy nhiên họ đã lạc đường, iPhone xuất hiện đã thay đổi “mọi thứ” – đó là năm 2007.
Tụt xuống đáy
Sony Ericsson từng nắm 9% thị phần điện thoại, đến 2007 tụt xuống chỉ còn 7.5% và bị LG vượt qua. Mọi chuyện tồi tệ hơn vào năm 2009, con số chỉ còn 4.5% và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tương lai của Symbian đã được định đoạt. Và một lần nữa, Sony chậm chân.
HTC, Samsung, Motorola nhanh chóng nhìn thấy tiềm năng của Google Android, bắt đầu “làm quen” với Android mà không có Sony.
Làm quen với Android

Smartphone Android đầu tiên mang hiệu Sony Ericsson là chiếc Xperia X10, sản phẩm có cấu hình ấn tượng với màn hình 4 inch, 480 x 854 pixels, vi xử lí 1 GHz và camera khủng 8.1MP. Đáng tiếc Android 1.6 trong máy gây thất vọng bởi sự chậm chạp, thiếu hỗ trợ đa chạm.
Tiếp theo, năm 2011, Xperia Arc sửa chữa mọi sai lầm của người tiền nhiệm. Android 2.3.2 mượt mà, camera đã có flash, thiết kế tuyệt đỉnh... chỉ trừ giá thì lại quá cao. Cùng với Arc, Sony trình làng Xperia Play với tham vọng mở đường cho dòng smartphone chơi game tương thích PlayStation. Xperia Play cũng đắt đỏ, to, nặng và thiếu những tựa game đáng tiền.
Tỉnh giấc
Sony Ericsson tiếp tục mất thị phần chỉ còn chưa tới 2% vào năm 2011. Tháng 10/2011, Sony quyết định nước đi định mệnh – mua lại cổ phần của Ericsson trong liên minh. Thương vụ có hiệu lực đầu năm 2012 và “người khổng lồ” chuẩn bị thức giấc.
Sony giới thiệu một loạt sản phẩm mới trong năm 2012, thế giới dần quen với cái tên mới, không có Ericsson. Dù vậy smartphone Sony tiếp tục đi vào lối mòn cố hữu. Lấy ví dụ Xperia S, dù có cấu hình trung bình nhưng lại có giá ngang hàng với các “quái vật” của Samsung và HTC. Sony không thể thu hút người dùng chỉ bởi thương hiệu danh tiếng của mình. Sony cũng sản xuất máy tính bảng Xperia Tablet S, dĩ nhiên là “lịch sử lặp lại”.
Sản phẩm Sony không thể cạnh tranh lại đối thủ chủ yếu vì giá thành.
Khởi đầu mới
Chào mừng năm 2013, Xperia Z mở đầu cho dòng sản phẩm đỉnh cao mới. Lần đầu tiên Sony bắt nhịp với thị trường Android. Chống nước, chống trầy, thiết kế đầy mê hoặc, cấu hình mạnh mẽ cùng khẩu hiệu “tinh hoa của Sony” là những gì thế giới được nghe về Xperia Z.

Không chờ đợi lâu, phiên bản cỡ lớn Xperia Tablet Z xuất hiện, được đánh giá là một trong những tablet Android tuyệt nhất từng xuất hiện. Lần đầu tiên Sony tự tin cạnh tranh với iPhone và iPad. Chưa dùng lại, gia đình Xperia Z tiếp tục đón nhận phablet Z Ultra khổng lồ với cảm ứng siêu nhạy.
Vài tháng sau, người tiền nhiềm Z1 ra mắt. Chiến lược Android của Sony đã rõ ràng: cấu hình đỉnh cao, thiết kế đỉnh cao, giá… chấp nhận được.
Việc còn lại

Mải mê nói chuyện smartphone, chợt giật mình nhận ra: Ngoài mảng di động, Sony sở hữu một hệ sinh thái rất lớn. Sony PlayStation phần nào lấn lướt Microsoft Xbox, danh tiếng không nhỏ ở thị trường TV, hệ thống kinh doanh âm nhạc, phim ảnh riêng (Sony Music, Sony Pictures)… Không một nhà sản xuất Android nào có lợi thế hơn hay dám cạnh tranh với Sony ở mảng giải trí, đó là lợi thế không hề nhỏ của hãng.
Nếu Sony có thể mang những lợi thế kể trên, xây nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, không gì có thể cản trở “người khổng lồ”.
AndroidAuthority
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.