Smartphone Sony trở thành "cỗ máy kiếm tiền" mới của Android?!
Sony đã có lãi trong mảng kinh doanh di động, không những thế con số lãi còn đứng đầu thế giới Android. Đây thực sự là bước chuyển mình của Sony, sau thất bại kỷ lục năm 2014, hay chỉ là màn “hốt cú chót” trước khi đi vào quên lãng?
“Ngừng theo đuổi tăng trưởng quy mô, tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận”, đây là một trong những “slogan” được Sony liên tục nhắc đi nhắc lại trong các bài báo cáo về kết quả kinh doanh của hãng. Không màng đến doanh số bán hàng nữa, bây giờ Sony chỉ muốn kiếm được nhiều tiền, càng nhiều, càng nhanh, càng tốt.
Song song với việc thu hẹp danh mục sản phẩm, chỉ tập trung hoàn toàn vào phân khúc cao cấp, hãng còn cắt giảm bớt các hoạt động R&D và marketing nhằm giảm thiểu chi phí qua đó nâng cao khoản lợi nhuận sau cùng. Thậm chí, Sony Mobile còn cắt giảm dự báo doanh số cả năm xuống còn 25 triệu đơn vị, riêng ba tháng đầu năm nay sẽ chỉ là 3,5 triệu, thấp nhất kể từ mùa hè 2011.
Apple tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng lợi nhuận khi trung bình họ thu được tới 184,1 USD trên mỗi chiếc iPhone bán ra. Các nhà sản xuất khác không thật sự ấn tượng khi LG, HTC và Microsoft đều chịu bán lỗ. Tuy nhiên, một bất ngờ khá thú vị đó là mảng di động của Sony lại “hái ra tiền” trong quý 4/2015 vừa qua. Con số 201 triệu USD tiền lời được Sony giải thích là kết quả của việc theo đuổi chiến lược “từ bỏ quy mô, tập trung lợi nhuận”. Theo số liệu thống kê tình hình kinh doanh của các hãng trong quý vừa rồi, Sony chính là hãng bán điện thoại Android có giá bán trung bình cao nhất và lợi nhuận kiếm được trên một sản phẩm cũng nhiều nhất.
Nhìn vào một biểu đồ khác, có thể thấy giá bán trung bình mỗi điện thoại của Sony ngày càng tăng dần lên. Dù số máy mà Sony bán ra chỉ bằng một nửa so với LG, nhưng giá bán trung bình mỗi sản phẩm cao gấp đôi nên doanh thu của hai công ty trong mảng di động vẫn tương đương nhau.
Bán giá ngất ngưỡng kết hợp cắt giảm chi phí, dễ hiểu khi Sony trở thành thương hiệu Android kiếm được nhiều tiền nhất. Tỷ suất sinh lời tính trên một máy của Sony còn hơn cả Samsung, và bỏ xa LG, HTC.
Sony là nhà sản xuất Android duy nhất quyết định không cạnh tranh bằng việc hạ giá thành mà ngược lại, họ tìm cách nâng cao ASPs của mình trong năm qua. Từ đó mang lại khoản tiền lời dù doanh số thua kém các đối thủ. Bạn có thể thấy, so với “cỗ máy kiếm tiền” Apple thì các hãng Android thật quá nhỏ bé khi hãng cao nhất là Sony cũng chỉ kiếm được 26 USD cho mỗi máy bán ra.
Sony thực sự đã làm tốt hơn các hãng khác?
Chúng ta có thể thấy ngoài Samsung và Sony, không nhà sản xuất smartphone Android nào có được lợi nhuận ở ba tháng cuối năm 2015. Samsung thì dựa vào doanh số khủng đến từ tất cả phân khúc với 81,5 triệu máy, còn Sony thì nược lại, dùng giá bán cao ngất để kiếm lãi. Vì vậy có thể tạm xem Sony làm ăn tốt hơn Samsung, nếu chỉ xét ở vai trò doanh nghiệp.
Nhưng nếu nhìn toàn cảnh thì hoàn toàn không phải thế, suy rộng ra, Sonyfan là những người "đáng thương" hơn cả, mỗi khách hàng giờ đây phải "gánh" thêm phần nghĩa vụ kiếm lời cho Sony của 2,3 người trước đây.
Chuyển trọng tâm vào phân khúc cao cấp giúp Sony nâng cao tỷ suất sinh lời, hãng chấp nhận doanh số thấp kém, tuột lại phía xa nhưng không thua lỗ. Đây là một chiến lược hết sức mạo hiểm, vì hướng kinh doanh này chỉ giúp Sony bán được sản phẩm chủ yếu cho những khách hàng thân thuộc, lượng người thật sự yêu thích và trung thành với Sony.
Có lẽ chiến lược Sony đang áp dụng có phần giống với Apple, nhưng lúc này đã là quá muộn. Từ những ngày đầu tiên, Apple đã "đóng đinh" trong tâm trí khách hàng rằng "nhà Táo nói không với hàng rẻ, bạn có điều kiện thì mua để thể hiện đẳng cấp. Còn lại tôi không quan tâm. Bán điện thoại giá rẻ? Không bao giờ".
Nhưng với Sony thì khác, việc thay đổi chiến lược vào lúc này chỉ giúp Sony kiếm được món lợi trước mắt. Đột ngột ngưng cung cấp smartphone tầm trung, giá rẻ và đẩy giá của mặt hàng cao cấp. Chắc chắn phần đông người dùng sẽ có cùng suy nghĩ "Sony hám tiền và chỉ cần có tiền". Ở một thị trường chật chội, “bon chen” như Android, họ có thể sụp đổ bất kì lúc nào.
Để duy trì kết quả lãi như Apple, Sony và bất kỳ nhà sản xuất smartphone nào cũng cần phải tạo dựng một cơ sở thoả mãn khách hàng đủ vững chắc, để tự biến mình thành "thỏi nam châm" có sức hút giúp giữ chân khách hàng cũ và hấp dẫn những người dùng mới. Sự mong đợi, nhu cầu của tập khách hàng Sony là khác biệt hoàn toàn so với Apple. Thật khó để nói kết quả kinh doanh vừa qua của Sony là bước chuyển mình, hay "phút huy hoàng cuối cùng rồi vụt tắt".
Các bạn nghĩ sao về chiến lược và kết quả kinh doanh vừa qua của Sony? Hãy cho mình và mọi nguời biết cảm nhận của bạn qua khung bình luận bên dưới.
Xem thêm:
- Sony sẽ ra mắt ít smartphone hơn trong năm 2016
- Sony lời nhiều tiền nhất trên mỗi smartphone Android bán ra
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.