Smartphone giảm giá: Hãng được gì và chúng ta được gì?

Smartphone giảm giá là câu chuyện quen thuộc mỗi năm. Cứ tới đợt Tết đến Xuân về hay những dịp lễ lớn, câu chuyện này lại được "kể" bởi các nhà bán lẻ. Và có bao giờ bạn tự hỏi rằng, liệu khi bán giảm giá, các nhà bán lẻ sẽ thu lại được lợi ích gì chưa?
Về phía nhà phân phối và nhà bán lẻ
- Kích cầu trong những mùa thấp điểm
Trong tháng 3 vừa qua, rất nhiều mẫu smartphone thuộc phân khúc tầm trung và giá rẻ, thậm chí cả cao cấp đều được giảm giá từ 500 ngàn đến tận 1.5 triệu đồng. Cần để ý thêm rằng đây là tháng đầu tiên sau Tết Nguyên Đán, người dùng đã mua sắm rất nhiều trong đợt Tết, đặc biệt là hàng điện tử, vì vậy qua Tết, doanh số của các cửa hàng bán lẻ bị giảm sút.
Chính vì vậy, việc hợp tác với bên phân phối hoặc nhà bán lẻ tự quyết định giảm giá một số model nhất định nhằm thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn. Họ chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận trong khoảng thời gian này nhưng bù lại sẽ có được doanh số tốt.

- Xả hàng, lấy lại vốn hoặc tiến hành bỏ mẫu dễ dàng hơn
Có nhiều mẫu smartphone, đặc biệt là dòng smartphone cao cấp hoặc cận cao cấp, sau một thời gian im ắng được quay trở lại thị trường Việt Nam với cái dễ chịu hơn rất nhiều. Điển hình là mẫu HTC 8X hay gần đây là chiếc ZTE Axon hồi tháng 10 có giá bán lên tới 8.8 triệu đồng, nhưng giờ chỉ còn 3.99 triệu đồng.
Việc nhiều chiếc smartphone được báo là hết hàng, sau đó quay trở lại Việt Nam với cái giá chỉ còn 2/3 hay 1 nửa chính là dấu hiệu của việc xả kho hoặc bỏ mẫu. Nếu muốn xả kho mà giảm có 1 hay 2 triệu đồng sẽ ít người mua, vì vậy nhiều nhà phân phối hay nhà bán lẻ quyết định giảm hơn 50% chỉ để thu hồi lại vốn.
- Tạo cho người dùng thói quen mua sắm online
Theo VnExpress, trong giai đoạn từ 2016 đến 2020, người tiêu dùng Việt Nam được dự đoán sẽ chi khoảng 350 USD / người cho việc mua sắm qua mạng, gấp đôi so với năm 2015.
Và để tạo một thói quen mua sắm online ngay từ thời điểm này, nhiều trang bán lẻ trực tuyến, đặc biệt là bán lẻ smartphone, đã dùng "tuyệt chiêu" mua online rẻ hơn mua tai cửa hàng nhằm khuyến khích người dùng chúng ta quen dần với việc mua sắm qua mạng.
- Cạnh tranh mạnh mẽ với hàng xách tay (Đặc biệt là dòng iPhone)
Trong đợt giảm giá vừa qua (đến hết ngày 22/4), mẫu iPhone 7 bản 128 GB được giảm đến 3 triệu đồng, chỉ còn 18.69 triệu. Mức giá này chỉ nhỉnh hơn hàng xách tay từ 1.5 đến 2 triệu đồng, một mức chênh lệch khá ổn vì hàng chính hãng được nhiều ưu đãi hơn trong việc bảo hành so với hàng xách tay.
Quan trọng hơn, việc giảm giá mạnh mẽ như vậy nhưng chỉ trong thời gian ngắn cũng cho thấy được các hệ thống bán lẻ smartphone chính hãng đang ngầm "tuyên chiến" với những chiếc smartphone xách tay, đặc biệt là dòng iPhone. Nhưng vì thời gian giảm giá diễn ra không quá lâu nên sẽ không mấy ảnh hưởng tới thị trường hàng xách tay.

Về phía người dùng
- Mua được smartphone ưng ý với giá rẻ hơn
Chắc chắn việc smartphone giảm giá sẽ mang lại lợi ích lớn nhất cho túi tiền của chúng ta. Việc được giảm từ 500 đến tận 3 triệu đồng, không ít thì nhiều, sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền để chi tiêu cho việc khác như "rửa máy" hay mua được ốp lưng, bao da hay trang bị thêm thẻ nhớ.
- Xây dựng được niềm tin mua online nơi nhà phân phối, nhà bán lẻ
Nếu lướt trên Facebook, đôi lúc các bạn sẽ bắt gặp những câu chuyện rơi vào trường hợp "treo đầu dê, bán thịt chó" khó đỡ. Chính tâm lí sợ hình ảnh sản phẩm trên mạng một đằng, lúc giao tới là một nẻo sẽ làm nhiều người không cảm thấy yên tâm khi mua sắm online. Đặc biệt là khi chọn mua các sản phẩm công nghệ, người dùng Việt thường có xu hướng mắt thấy, tai nghe, tay sờ rồi mới tự tin móc ví mà mua.
Việc các hệ thống bán lẻ điện thoại quyết định áp dụng chương trình giảm giá cho việc mua online đã góp phần giúp chúng ta xoá bỏ suy nghĩ hàng trên mạng là hàng dễ có vấn đề, qua đó sẽ tin tưởng vào các hệ thống bán lẻ qua mạng hơn.
Giảm giá hoài, có nên không?

Đứng ở góc cạnh người dùng, hiển nhiên mình thích mua smartphone được giảm giá hơn chứ. Còn gì thích bằng khi mẫu điện thoại mình định mua lại được giảm giá.
Nhưng đứng ở khía cạnh nhà bán lẻ, việc giảm giá quá nhiều vô tình sẽ tạo cho người dùng tâm lý chờ đợi hàng giảm giá để mua, dẫn đến hiện tượng sau mùa giảm giá, tình hình kinh doanh chưa chắc tốt lên vì người dùng sẽ chờ đợi đến đợt giảm tiếp theo. Mua được một chiếc smartphone vẫn còn nguyên seal, chưa qua sử dụng, nhưng giá lại rẻ hơn thì ai mà chẳng muốn.
Qua đó, xét về tính ngắn hạn, việc giảm giá có thể thúc đẩy được doanh số, nhưng khi nhìn đến con đường dài, đây là điều nên hạn chế, chỉ nên áp dụng trong các dịp lễ lớn mà thôi.
Đó là những suy nghĩ của mình về lợi ích của việc giảm gía smartphone từ góc nhìn của các nhà bán lẻ và một người tiêu dùng phổ thông. Bạn có đồng tình với những ý kiến trên?
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn ngay trong phần bình luận nhé.
Xem thêm: Thị trường tháng 4 sôi động nhờ nhiều mẫu smartphone thi nhau giảm giá
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.