Câu chuyện smartphone 4 USD Freedom 251: Cho không vẫn có lời!
Chiếc smartphone với cái tên Freedom 251 được sản xuất tại Ấn Độ hiện đang là "chú dế" thông minh có mức giá rẻ nhất thế giới. Đồng thời, đang tạo nên cơn sốt tại đất nước có ngành công nghệ thông tin rất phát triển này.
Với nhiều người, mức giá dưới 100 ngàn đồng dành cho một chiếc điện thoại thông minh đã là quá tốt. Nhưng có một người (hoặc nhiều người) còn cho rằng, trong tương lai, thậm chí những mẫu điện thoại xịn hơn sẽ được cho không chúng ta. Hãy cùng nghe anh Ali Pardiwala, một cây bút của trang gadgets.ndtv.com chia sẻ về vấn đề trên nhé.
Thành thực mà nói, mình và các đồng nghiệp thật sự không thể nào làm ra được một chiếc smartphone có giá thành chỉ 4 USD mà sở hữu cấu hình như Freedom 251, ngay cả những người làm trong liên hiệp các nhà mạng tại Ấn Độ cũng nghĩ như vậy.
Xem thêm: Xuất hiện smartphone rẻ nhất thế giới với giá chỉ hơn 150 ngàn đồng
Đành rằng một nhà sản xuất smartphone sẵn sàng bán "đứa con cưng" của mình ra thị trường với giá thành thấp hơn chi phí sản xuất, nhưng đó chỉ nằm ở một số lượng rất ít và họ có mục đích rõ ràng, như xả kho hoặc bán ra để thăm dò thị trường chẳng hạn.
Trường hợp của Freedom 251 lại hoàn toàn khác. Với một số lượng lớn được đặt hàng và sẽ bán ra với mức giá ngang ngửa một tấm vé xem phim, phần còn lại của nó sẽ được ai bù lỗ đây?
Khi mọi người đang đặt câu hỏi rằng liệu chính phủ Ấn Độ có tài trợ cho chiếc điện thoại này, thì chính nhà sản xuất của nó đã lên tiếng rằng chính phủ không liên quan. Tự bản thân họ muốn bán Freedom 251 với mức giá cực kì rẻ với mong muốn những người dân tại Ấn Độ ai cũng có thể sở hữu riêng cho mình một chiếc smartphone.
Bạn có tin được Ringing Bells lại tốt đến như vậy không? Mình lại nghĩ theo một kịch bản khác: Đây là một chiêu trò marketing cực kì lợi hại của họ. Thêm vào đó, những chiếc smartphone này sẽ chỉ sử dụng được một nhà mạng độc quyền và sẽ có khá nhiều ứng dụng mặc định từ nhiều hãng công nghệ khác nhau nằm sẵn trên Freedom 251. Và dĩ nhiên, chúng ta không thể xóa được nó. Vậy nên "chú dế" này mới có cái giá 4 USD.
Nhưng với mình, 4 USD vẫn còn đắt! Vì sẽ đến một ngày mà chúng ta được các nhà mạng hay nhà sản xuất mời chào sử dụng smartphone của họ và còn được trả tiền cho việc đó đấy. Nếu bạn không tin, những lập luận dưới đây của mình sẽ giúp bạn thay đổi câu trả lời ngay lập tức.
Xem thêm: 60 triệu smartphone rẻ nhất thế giới đã được đặt hàng chỉ trong 2 ngày
Hiện nay đã có khá nhiều dịch vụ mua sắm trực tuyến, những nhà quảng cáo trên di động và các nhà làm game sẵn sàng liên kết với nhau để trả cho những công ty làm ra smartphone một khoản tiền giúp giảm chi phí sản xuất. Đổi lại, những ứng dụng hay banner quảng cáo của họ được xuất hiện trên những chiếc điện thoại này như một bản hợp đồng đã được ký kết.
Bên cạnh đó, bạn có thấy sự quen thuộc khi chúng ta có thể tải về hàng tá ứng dụng miễn phí không? Thực chất chúng không hề miễn phí đâu, việc đặt quảng cáo bên trong ứng dụng, hay bắt chúng ta phải mua vật phẩm thêm để có thể chơi tiếp được game chính là cách mà những nhà sản xuất phần mềm "móc túi" lại tụi mình đấy.
Nếu phần mềm có thể đến tay người dùng một cách miễn phí thì tại sao phần cứng (smartphone) lại không thể "về đội của chúng ta" với cái giá gần như cho không?
Nếu các bạn tưởng rằng câu chuyện đem về cho mình một chiếc điện thoại thông minh mà không tốn một đồng phí nào chỉ là câu chuyện đùa hay viễn vông thì chúng ta hãy thử nhìn sang thị trường Mỹ và Châu Âu nhé. Điển hình như tại Mỹ, một số nhà mạng tại đây sẵn sàng đưa cho bạn chiếc iPhone 5s cùng mức giá 0 USD, thậm chí bạn còn được nhắn tin và thực hiện các cuộc gọi không giới hạn thời gian với điều kiện: Bạn sẽ cam kết sử dụng các dịch vụ của họ trong vòng 2 năm.
Nghe thật hấp dẫn phải không nào? Nhưng thực tế, nếu bạn chấp nhận ký vào bản cam kết đó thì hàng tháng, số tiền bạn bắt buộc phải trả phải trả để sử dụng dịch vụ của họ sau khi hoàn thành xong bản hợp đồng 2 năm thì nó còn cao gấp 2 đến 3 lần giá trị của một chiếc iPhone 5s được bán ra. Đây có thể xem là một hình thức trả góp có lãi suất khá thông minh được nhiều nhà mạng tại Mỹ áp dụng, họ vừa giúp các nhà sản xuất bán được điện thoại và vẫn kịp thu về lợi nhuận cho riêng mình.
Vậy nên, với trường hợp của Freedom 251 sẽ không có gì là quá ấn tượng nếu nó được công bố tại Mỹ hay những quốc gia ở Châu Âu. Nhưng với những đất nước đang có giá thành smartphone khá cao nói chung và Ấn Độ nói riêng, Freedom 251 vẫn là một "chú dế" được nhiều người dân mong muốn. Họ sẵn sàng đánh đổi việc các bảng quảng cáo sẽ xuất hiện trong lúc sử dụng, hay hàng tá ứng dụng không cần thiết sẽ có sẵn trên điện thoại của họ chỉ để có được một smartphone giá siêu rẻ.
Bạn nghĩ như thế nào về vấn đề này? Bạn có mong muốn rằng sẽ đến một ngày nào đó chúng ta được sở hữu một chiếc smartphone siêu rẻ như Freedom 251 không? Hãy đóng góp ý kiến của bạn trong phần bình luận bên dưới nhé.
Xem thêm: Bỏ 4 USD mua smartphone giá rẻ nhất thế giới về để làm gì?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.