Sáu thế hệ flagship Sony tái hợp và khá nhiều suy ngẫm

Thời gian cũng đã 3 năm kể từ ngày chiếc Xperia Z đầu tiên ra đời, tính đến nay dòng sản phẩm này đã đi qua 6 thế hệ. Với mỗi thế hệ, đội ngũ phát triển sản phẩm của Sony đều mang đến những sự nâng cấp khác nhau, có đáng giá và có cả không đáng giá.
Như là một dịp tái ngộ của cả 6 thế hệ flagship Xperia, trang công nghệ Sogi đã thực hiện một bộ ảnh cùng nhiều thông tin điểm nhấn, về cả những cái hay và cả những cái dở xoay quanh ba vấn đề muôn thuở: Thiết kế, màn hình và camera. Dưới đây là phần tổng hợp từ Sonyfan.vn và cảm nhận của mình về chủ đề này.
1. Thiết kế
Chiếc Xperia Z là sản phẩm đánh dấu sự ra đời của Omni Balance, một ngôn ngữ thiết kế nhấn mạnh vào tính đối xứng. Giờ đây ngôn ngữ thiết kế này đã trở thành một biểu tượng trong ngành công nghiệp sản xuất smartphone và được khá nhiều hãng học tập, đặc biệt là các hãng đến từ Trung Quốc. Thêm vào đó chiếc Z còn sở hữu khả năng chống nước khá mới lạ tại thời điểm đó. Ngôn ngữ thiết kế này được duy trì trong suốt các thế hệ Xperia Z và tới chiếc Z3+ hay còn gọi là Z4 thì Omni Balance đã đạt mức độ hoàn thiện cao nhất. Tuy nhiên, với chiến lược ra mắt không hợp lý, chiếc Z3+ đã “chìm xuồng” mà chưa thể tỏa sáng.

Từ sau phiên bản Z3+, Sony đã chuyển sang một ngôn ngữ thiết kế hoàn toàn mới, Monolithic. Ngôn ngữ thiết kế này chú trọng vào sự nguyên khối trên từng đường nét, tối giản các chi tiết để đem lại cảm giác chắc chắn từ một thể thống nhất. Chiếc Xperia Z5 được xây dựng bằng tư duy đó, tinh xảo, sắc cạnh và vuông vức.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều người nản lòng, không phải ở ngôn ngữ thiết kế, mà là chất liệu Sony đang sử dụng. Họ đi trước các đối thủ trong việc sử dụng nhôm, kính trên điện thoại, từ chiếc Walkman X1050 thời 2009, nhưng việc tận dụng những chất liệu này mà không có sự thay đổi trong những năm thế hệ flagship thì quả thực là có vấn đề. Sony có thừa sức sáng tạo để tạo ra cái mới, nhưng họ lại quá bảo thủ để nghĩ đến việc thay đổi. Hy vọng mẫu Xperia Z6 (tên dự đoán), Sony sẽ đem đến cho chúng ta vài thứ mới mẻ hơn.
2. Màn hình
Khởi đầu với màn hình FullHD 5 inch trên chiếc Xperia Z, đến chiếc Z2, Sony đã nâng cấp tấm nền màn hình lên IPS LCD với kích thước 5.2 inch và độ phân giải 1080p. Kể từ đây, các mẫu flagship tiếp theo của Sony liên tục được đầu tư về phần hiển thị, mà nổi bật nhất là chiếc Z3. Cùng với đó các công nghệ như X-Reality for Mobile, Triluminos Display, Mobile BRAVIA Engine 2 cùng Super Vivid, tự động cân bằng trắng cũng lần lượt xuất hiện trên flagship Xperia.
Thời điểm Xperia Z3 ra đời là thời điểm màn hình của Sony nhận được nhiều lời khen ngợi nhất. Rồi đến Z4, Z5, các flagship của Sony luôn được đầu tư cẩn thận, mang lại chất lượng hiển thị tuyệt vời. Màn hình là thứ ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm hàng ngàu, nếu không đáp ứng được điều đó, người dùng sẽ không ngần ngại loại bỏ, đặc biệt là với những sản phẩm đầu bảng.

Đến Z5, màn hình IPS LCD của Sony dường như đã chạm giới hạn khi không có nhiều sự thay đổi so với Z3. Đó là vì công nghệ LCD đang dần đi vào “ngõ cụt” trước đối thủ OLED với nhiều tiềm năng phát triển. Không rõ liệu tương lai Sony có ý định chuyển sang sử dụng màn hình OLED cho flagship của mình không, nhưng sắp tới với chiếc Z6, điều này khó có thể xảy ra. Năm 2015, để gây ấn tượng với công chúng và vực lại thương hiệu, Sony quyết định tung ra biến thể Z5 Premium với màn hình độ phân giải lên đến 4K và giải pháp hiển thị 4K tùy theo nguồn nội dung kết hợp với công nghệ X-Reality. Liệu flagship Xperia các thế hệ tiếp theo sẽ được cải tiến gì về màn hình? Tăng tần số quét, cải tiến tấm nền LCD hay bổ sung các công nghệ bổ trợ khác?

3. Camera
Đây dường như là bộ phận ít có sự thay đổi nhất trên flagship Xperia sau 6 thế hệ qua. Camera trước có rất ít sự cải tiến. Từ 2.2 MP ở thế hệ đầu tiên tới 5.0 MP ở hai thế hệ cuối Z4 và Z5 có thể cho thấy điều đó. Sony không hướng dòng Z vào khả năng tự sướng quá nhiều mà họ tập trung nó vào các dòng sản phẩm thấp hơn, với nhu cầu tự sướng cao hơn, điển hình là chiếc C5 Ultra gần đây. Tổng thể cũng hầu như không có sự thay đổi ngoại trừ vị trí cảm biến.
Về camera sau, chiếc Z1 ra đời chỉ một thời gian ngắn sau chiếc Z đã được nâng cấp camera lên 20.7 MP cùng những lời có cánh về khả năng chụp hình. Cụm camera này được duy trì tới 3 thế hệ. Mặc dù vậy kết quả thực tế mang lại không thực sự tương xứng với phần cứng rất tốt như vậy. Thật đáng tiếc khi mà một hãng chuyên cung cấp cảm biến camera cho các hãng khác lại gần như không tạo được nhiều đột phá về khả năng chụp hình cho chính flagship của mình, trong khi các đối thủ Samsung, LG lại liên tục đổi mới về tính năng này. Phải tới chiếc Z5, hãng mới có những động thái rõ ràng để bắt kịp sự thay đổi chóng mặt của thị trường. Những nỗ lực đó dù muộn màng nhưng cũng xứng đáng được ghi nhận, chỉ có điều là… sau Z5, Sony có còn tiếp tục có thể đột phá?

Xét về mặt thẩm mĩ, không phủ nhận một điều là Sony gần như là hãng duy nhất không để camera bị lồi. Còn xét về mặt phần cứng, như đã đề cập, cảm biến của Sony luôn là loại cực kỳ tốt với các công nghệ như BIONZ for Mobile, Clear Image Zoom 5x, Hybrid AF hay chụp góc rộng, ống kính dòng G cùng khả năng quay phim 4K đều rất đáng kể. Tuy nhiên thứ bị chê trách nhiều lại là phần mềm xử lý ảnh, khi mà khả năng tối ưu màu sắc, tốc độ lưu ảnh chưa tốt, giao diện rối rắm cùng chế độ tự động chưa linh hoạt. Thậm chí chế độ chụp thủ công cũng chưa đầy đủ, thiếu các tính năng phụ trợ như chụp RAW, phơi sáng trong khi các đối thủ về camera, đặc biệt là Nokia – Microsoft, đã thực hiện điều đó từ rất lâu. Nhóm phát triển hoàn toàn có thể cải thiện điều này nhưng sự bảo thủ trong tư duy, thiếu quyết tâm trong thực hiện và hoàn toàn không có ý định bứt phá trong cuộc đua camera thực sự đang kìm hãm khả năng chụp hình với quá nhiều tiềm năng của flagship Xperia. Đã qua 6 thế hệ, mọi thứ vẫn “y như cũ”, chẳng nhẽ đến thế hệ thứ 7, thứ 8 điều này vẫn tiếp diễn?
Kết
Sony không cần phải dẫn đầu về công nghệ, nhưng cũng không thể là một hãng tụt hậu so với chính mình. Tự mình làm chủ việc kinh doanh thiết bị di động đã được ba năm kể từ khi “chia tay” đối tác Ericsson, Sony đã làm khá tốt phần việc của mình. Dòng sản phẩm Xperia cao cấp nhất đã đi đến thế hệ thứ 6, dù kết quả kinh doanh không khả quan nhưng lúc nào cũng được nhắc đến với vị thế là một ông lớn làng di động.

Nhưng thực tế vẫn chỉ ra một điều, cả người hâm mộ lẫn khách hàng vẫn chưa nhận được một thiết bị cao cấp tương xứng với tầm vóc, tên tuổi và trình độ cùng khả năng sáng tạo đã từng là dấu ấn của Sony trong quá khứ. Liệu rằng cái tên Xperia sẽ còn phải núp bóng, dựa hơi Bravia, Walkman, Playstation hay Alpha, những thương hiệu đình đám và chất lượng tới bao giờ nữa?
Xem đầy đủ bộ ảnh tại đây:
Xem thêm:
- Xperia Z5 thực sự thay đổi nhiều về thiết kế so với các thế hệ trước
- Mẫu thiết kế Xperia Z LuX màn hình 4K theo phong cách bóng bẩy
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.