MWC 2016: Kẻ chiến thắng không phải Samsung, Sony, LG hay Xiaomi
2015 là một năm tương đối khó khăn với các hãng di động, trong đó có cả Qualcomm. Hãng chip di động này đã gặp rắc rối với vi xử lý cao cấp Snapdragon 810 của mình, nhưng giờ đây tại MWC 2016, cũng chính họ là người cười tươi nhất.
Khách quan mà nói, ngoại trừ hai vấn đề ngốn điện và quá nhiệt thì bộ xử lý Snapdragon 810 vẫn là dòng chip cao cấp có hiệu suất mạnh mẽ dành cho smartphone. Do vấn đề này, nên Samsung đành phải trang bị vi xử lý "cây nhà lá vườn" cho bốn smartphone flagship của họ (Galaxy S6, Galaxy S6 Edge, Galaxy S6 Edge Plus và Galaxy Note 5) trong năm 2015.
Samsung là khách hàng lớn nhất của Qualcomm, việc hãng này chuyển sang dùng vi xử lý Exynos thay vì Snapdragon 810 đã khiến Qualcomm tổn thất một khoản doanh thu khá lớn. Bên cạnh đó, trong năm 2015 vừa qua, nhiều nhà sản xuất smartphone đã chọn chip Snapdragon 808 như là một phiên bản thay thế Snapdragon 810, bao gồm: LG G4, LG V10 và Moto X Pure Edition/Style.
Xem thêm: [Góc nhìn] Samsung 'xa rời' Qualcomm vì...sợ nóng?
Theo đó, Qualcomm quyết định phải tăng trưởng bằng mọi cách trong năm 2016 và việc sa thải 15% nhân viên đã giúp hãng tiết kiệm được khoảng 1,1 tỷ USD. Trong đó có hơn 1.000 nhân viên làm việc tại trụ sở chính ở San Diego, California.
Sau các vấn đề xảy ra với con chip Snapdragon 810, hãng sản xuất chip di động của Mỹ đã lấy lại phong độ ngày nào bằng việc trình làng vi xử lý Snapdragon 820 tại Mobile World Congress 2016. Thậm chí, một số nhà sản xuất smartphone hàng đầu khi đến tham dự MWC năm nay đều giới thiệu với mọi người smartphone của họ đang được tích hợp chip Snapdragon 820, bao gồm: Samsung Galaxy S7, Galaxy S7 Edge, Xiaomi Mi 5 và dòng smartphone Xperia X mới của Sony. Vậy không biết Snapdragon 820 có gì đặc biệt mà đã "kích thích" được các hãng di động lớn? Hãy cùng trang Android Headliner tìm hiểu qua loạt thông tin bên dưới.
Kryo là phần vi xử lý được Qualcomm thiết kế lại hoàn toàn với hy vọng Snapdragon 820 sẽ không gặp bất cứ vấn đề về nhiệt nào. Đây chính là loại CPU bốn nhân 64-bit thiết kế tùy biến đầu tiên của Qualcomm sẽ xuất hiện trong chipset này. Qualcomm cho biết, loại chip này sẽ song hành cùng GPU Andreno 530 và bộ xử tín hiệu số (DSP) Hexagon 680.
Chưa hết, Snapdragon 820 sử dụng modem X12 LTE, hỗ trợ tốc độ high Cat.12 LTE. Đồng nghĩa với việc smartphone sử dụng chip Snadragon 820 có thể sở hữu tốc độ tải xuống 600Mbps và tải lên 150Mbps. Trong khi đó, Snapdragon 810 chỉ sử dụng modem X10 LTE, hỗ trợ tốc độ tải xuống tối đa 450Mbps. Qualcomm cũng tuyên bố loại modem mới cải thiện hiệu năng thêm 33% và hiệu suất thêm 15%.
Xem thêm: Những điều bạn cần biết về công nghệ mạng di động 4G LTE
"Haven" phần mềm bảo mật của Qualcomm cũng được tích hợp chặt chẽ giúp thiết bị của bạn trở nên "bất khả xâm phạm". Snapdragon 820 có thể hỗ trợ máy ảnh độ phân giải 25MP, màn hình 4K, USB 3.0, NFC và một vài tính năng khác. Khi Snapdragon 820 được công bố vào mùa thu năm ngoái, Qualcomm đã đăng tải trên Twitter những câu hỏi và trả lời dạng Q&A, về vấn đề tản nhiệt trong Snapdragon 820. Các kỹ sư của họ phản hồi rằng, bộ vi xử lý mới rất mạnh và mát mẻ. Đây được xem là phiên bản cải tiến "đáng tiền" nhất từ Snapdragon 810.
Dĩ nhiên, ngoài Snapdragon 820 vẫn còn khá nhiều thương hiệu chip di động có tiếng trên thị trường như MediaTek, Exynos, NVIDIA,... Tuy nhiên, không ai trong số họ phổ biến bằng Qualcomm. Bạn thấy đấy, Qualcomm tích hợp nhiều công nghệ mới vào CPU thay vì chỉ xử lý. Trong thực tế, có rất nhiều bộ phận phần cứng bên trong điện thoại của bạn do Qualcomm sản xuất, như modem chẳng hạn. Họ cũng dẫn đầu trong modem CDMA, đó là lý do tại sao Samsung tích hợp chip Qualcomm cho smartphone của họ tại Mỹ, còn những máy dùng chip Exynos của họ thường được tung ra ở thị trường châu Á và những nơi khác. Hiện tại, CDMA chỉ còn phổ biến tại Mỹ và Trung Quốc (nhưng Trung Quốc cũng đang dần "khai tử" CDMA). Vì vậy, ngay cả khi smartphone của bạn không sử dụng chipset Snapdragon, máy vẫn có một số linh kiện khác đến từ Qualcomm.
Bên cạnh bộ vi xử lý không bị quá nhiệt, Snapdragon 820 có một tính năng mà bạn sẽ rất quan tâm, đó là công nghệ sạc nhanh thế hệ mới Quick Charge 3.0. Sạc nhanh bắt đầu manh nha vào năm 2013 với Quick Charge 1.0. Vào thời điểm đó, nhiều người không cảm thấy đây là một bước đột phá lớn, vì thực tế nó chỉ giúp smartphone sạc nhanh hơn đôi chút mà thôi. Tuy nhiên, kể từ khi Quick Charge 2.0 ra mắt vào năm 2014 trên chip Snapdragon 800, mang đến tốc độ sạc nhanh hơn 75% so với chuẩn sạc thông thường. Hầu hết các dòng điện thoại thông minh hàng đầu đều sở hữu công nghệ sạc nhanh Quick Charge 2.0 (sạc đầy pin chưa đến 2 giờ).
Lấy ví dụ trên Moto X Pure Edition, máy có thể sạc pin từ mức 0 đến 100% chỉ trong khoảng thời gian 1,40 giờ. Nếu sử dụng bộ sạc thông thường, máy phải mất đến 3 giờ để sạc đầy pin - một sự chênh lệch quá lớn phải không các bạn? Bây giờ với Quick Charge 3.0, nó có thể sạc thiết bị của bạn nhanh hơn gấp hai lần so với Quick Charge 1.0, cũng như nhanh hơn Quick Charge 2.0 đến 38%. Từ đó, giúp bạn có thể sạc smartphone nhanh hơn bao giờ hết. Sạc nhanh Quick Charge 3.0 được xây dựng vào trong Snapdragon 820 và một số bộ xử lý khác sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong năm 2016. Đây có lẽ là tính năng duy nhất của Qualcomm mà hầu hết người tiêu dùng quan tâm và rất cần đến.
Được biết, Galaxy S7 và S7 Edge chỉ dùng chuẩn Quick Charge 2.0, còn LG G5 lại được hỗ trợ Quick Charge 3.0 mới nhất. Theo thông tin từ Qualcomm, trong khi chuẩn 3.0 có thể làm việc với cổng sạc USB Type-C thì nó cũng hỗ trợ cả cổng sạc microUSB cũ. Câu hỏi là tại sao Galaxy S7 không hỗ trợ nó? Một trong những lý do của điều này chính là vì sự tồn tại của hai phiên bản dùng chip Snapdragon và Exynos của Galaxy S7. Do chip Exynos 8890 của Samsung không hoàn toàn đáp ứng các thông số kỹ thuật như chip của Qualcomm và để mang lại một tiêu chuẩn sạc thống nhất buộc Samsung phải chọn chuẩn sạc không dây Quick Charge 2.0.
Cuối cùng có thể thấy, hãng thành công nhất tại MWC 2016 không ai khác ngoài Qualcomm. Hình ảnh của Snapdragon xuất hiện rất nhiều lần trên sân khấu sự kiện của Xiaomi. Thậm chí "Apple Trung Quốc" còn thiết lập thời gian diễn ra sự kiện vào lúc 8h20 nhằm nhấn mạnh rằng smartphone cao cấp sắp ra mắt của hãng sẽ được trang bị vi xử lý Snapdragon 820.
Về phía LG, còn ưu ái hơn nữa cho Qualcomm khi mời CEO hãng này, ông Steve Mollenkopf, lên sân khấu sự kiện ra mắt G5 để chia sẻ về vi xử lý Snapdragon 820. Bên cạnh đó, LG còn hết lời khen ngợi Qualcomm trong khuôn khổ sự kiện. Tại MWC 2016 rất nhiều hãng đã bày tỏ sự hài lòng với Qualcomm bằng những cử chỉ tương tự. Bạn sẽ thấy lý do tại sao các đối tác lại hài lòng khi cầm trên tay smartphone trang bị vi xử lý Snapdragon 820. Tất cả những mẫu smartphone trang bị vi xử lý Qualcomm đều chạy rất nhanh, trừ những mẫu sử dụng vi xử lý thế hệ cũ. Camera hoạt động nhanh, hình ảnh động mượt mà, đồ họa phức tạp được xử lý dễ dàng và Qualcomm hứa rằng tất cả những điều này được thực hiện với ít điện năng hơn so với trước đây. Snapdragon 820 kết hợp với Android Marshmallow đã mang lại trải nghiệm hoàn hảo, nhanh nhạy cho người dùng.
Trước nay bạn dùng smartphone có quan tâm đến thương hiệu chip di động Qualcomm không và đánh giá CPU/GPU của hãng này như thế nào?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.