Nokia tiếp tục ra điện thoại cục gạch, ai sẽ mua, tại sao họ lại mua, một thiết bị chỉ để nghe gọi cơ bản trong thời đại smartphone?
Những tin bài về ngày ra mắt, trên tay nhanh những chiếc điện thoại cục gạch Nokia 6300 hay Nokia 8000 huyền thoại nay đã được HMD Global hồi sinh lại nhận được rất nhiều sự quan tâm từ cộng đồng.
Vậy doanh số của những chiếc điện thoại nghe gọi cơ bản này thế nào, thị trường có thực sự đón nhận chúng không? Nokia có những mục đích gì khi vẫn duy trì các dòng sản phẩm này, cùng mình tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Thời đại smartphone nhưng điện thoại cục gạch vẫn sống tốt
Công nghệ những năm gần đây đang có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt, thị trường smartphone từ đó cũng đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ với nhiều cái tên mới tham gia, công nghệ tân tiến hơn, cạnh tranh gay gắt hơn. Một số hãng còn mạnh dạn ra mắt điện thoại thông minh với giá rẻ không tưởng, chỉ 600.000 đồng.
Câu hỏi đặt ra là những chiếc điện thoại chỉ có vài tính năng nghe gọi cơ bản còn đất sống không? Câu trả lời chắc chắn là có, và Nokia vẫn đang duy trì và khơi dậy lại hình ảnh về những dòng sản phẩm từng lừng lẫy một thời.
Bạn có thể dạo qua nhanh các diễn đàn, trang tin 24h Công Nghệ, các kênh YouTube, những nội dung liên quan đến những chiếc cục gạch của Nokia đem về lượng view rất cao cộng thêm việc mọi người bàn tán rất sôi nổi chứng tỏ chúng vẫn có một sức hút không hề nhỏ.
Ở thị trường toàn cầu, doanh số điện thoại cơ bản (feature phone) đã đạt 374.6 triệu chiếc trong năm 2019 theo thống kê từ CounterPoint.
Đi gần hơn số liệu vào Quý 1/2020, HMD Global (Nokia) đã có vị trí Top 2 tổng thể, nhưng nếu xét theo vùng thì hãng đang đứng đầu ở thị trường Châu Âu và Châu Á, trong đó có Việt Nam.
Chưa hết đâu, Nokia chỉ xếp sau Itel (Mỹ) ở thị trường quốc tế, chứ ở nước ta thì Nokia đứng đầu trong tâm trí của bao thế hệ người Việt. Giống như câu chuyện các cụ một thời khi đi mua xe máy, mặc định phải là xe Honda, tương tự như thế cứ nghĩ đến mua điện thoại cục gạch thì người ta nghĩ đến Nokia.
Câu chuyện hiện nay cũng đã diễn ra tương tự như thế, kể từ khi Nokia quyết định hồi sinh lại các dòng cục gạch huyền thoại như Nokia 3310, 8110 và gần đây nhất là Nokia 6300 và 8000.
Khỏi phải nói nó đã từng tạo ra một cơn sốt lớn như thế nào, đi đâu cũng thấy thông tin về cục gạch siêu bền 3310 hay điện thoại chuối vàng 8110 đầy rẫy trên mạng. Và dĩ nhiên thị phần của Nokia cũng áp đảo các hãng khác với con số 55% lượng máy bán ra vào tháng 9/2019 theo báo cáo từ GfK.
Theo nhiều chuyên gia, điện thoại 'cục gạch' vẫn sẽ 'sống khỏe' trong ít nhất vài năm nữa bởi giá thành rất rẻ và đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu như nghe, gọi 2 SIM. Ở những dòng sản phẩm như vậy, người ta quan tâm đến giá thành, giá càng rẻ thì càng nhiều người mua mà ít để ý đến chất lượng.
Thị trường vẫn có, khách hàng vẫn mua thì Nokia cứ bán thôi!
Đâu phải ai cũng cần một chiếc smartphone đa phương tiện đâu nhỉ? Hãy quay về chức năng cơ bản nhất của một chiếc điện thoại, nghe và gọi, rất được ưu chuộng bởi người lớn tuổi.
Ngoài ra, điện thoại cục gạch sống tốt còn nhờ yếu tố "hoài cổ". Nhiều điện thoại cục gạch hiện đại đơn giản là những phiên bản làm lại của các thiết bị ngày trước, Nokia làm rất tốt chuyện này.
Quan trọng không kém nữa là những chiếc cục gạch này vẫn đang được cải tiến từng ngày. Chúng có màn hình màu, có camera chụp ảnh, có giao diện KaiOS thông minh hơn có sóng 4G tân tiến (khá quan trọng vì Việt Nam ta cũng sắp tắt bớt sóng 2G đã quá lỗi thời rồi),...
Vậy đấy, thị trường chúng ta vốn nghĩ chắc sắp biến mất tới nơi rồi, lại đang ngấm ngầm phát triển thậm chí còn tiến hóa rất nhiều và vẫn có một lượng khách hàng đủ lớn để mua.
Nokia bán điện thoại cục gạch còn vì lý do nào khác không?
Thử nghĩ xem lợi nhuận của Nokia làm sao mà phụ thuộc được nhiều vào các dòng điện thoại cục gạch này đúng không? Mặc dù số lượng máy bán ra rất cao nhưng lợi nhuận thì nhỏ giọt.
"Khoảng 600.000 điện thoại 'cục gạch' được bán ra trong tháng 9/2019, chiếm 37% thị trường xét theo số lượng. Tuy nhiên, vì mức giá của loại sản phẩm này chỉ khoảng dưới 1 triệu đồng nên dù chiếm thị phần đáng kể thì mức doanh thu của điện thoại cục gạch chỉ chiếm 4,7% thị trường." - Dữ liệu từ GfK.
Nên theo mình nghĩ là Nokia vẫn duy trì dòng này còn có mục đích khác. Thứ nhất duy trì hình ảnh của Nokia trong tâm trí người dùng, sau là để kéo sự quan tâm của cộng đồng cho những smartphone thực thụ sắp sửa ra mắt: Nokia 7.3 5G, Nokia 6.3 và đặc biệt là siêu phẩm Nokia 9.3 PureView đã được đồn đoán bấy lâu nay.
Thật ra hãng cũng đã từng áp dụng chiêu này từ đời Nokia 3310, giúp giữ được sức nóng của thương hiệu sau đó mới đổ dồn về Nokia 9 PureView đầu tiên, nhìn lại thì hãng đã rất thành công về mặt truyền thông rồi dù thế hệ camera PureView đời đầu hơi gây thất vọng một chút.
Bạn thì sao, suy nghĩ thế nào về việc duy trì các dòng điện thoại cục gạch của Nokia?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.