Điện thoại thương hiệu Việt: Mobiistar "Đi thật xa để trở về"... thành công hơn
Sau quãng thời gian ở Ấn Độ, Mobiistar - thương hiệu di động Việt vừa quay lại thị trường trong nước để ra mắt sản phẩm mới vào cuối tháng 8 là Mobiistar X. Tại sự kiện trình làng sản phẩm mới này tại Việt Nam ông Kha gọi việc tiến công sang Ấn Độ là hành trình “đi thật xa để trở về” và Mobiistar X là kết quả của cả một quá trình nâng cao trải nghiệm người dùng.
Để hiểu rõ hơn về câu chuyện "đi thật xa để trở về" này, mình đã gặp gỡ ông Ngô Nguyên Kha để được nghe những chia sẻ chi tiết hơn về ý nghĩa đằng sau câu nói đó, cũng như hiểu thêm về chiến lược sắp tới của hãng.
1.Mobiistar xuất ngoại: Đã có tính toán từ 2 năm trước, nhưng vì sao lại chọn Ấn?
Ông Kha chia sẻ rằng câu chuyện xuất ngoại đã được đội ngũ của hãng tính toán, thăm dò kĩ lưỡng từ cách đây 2 năm về trước. Lí do để ông Kha chọn Ấn Độ là do độ lớn của thị trường, độ tăng trưởng của thị trường Ấn Độ vẫn còn rất ấn tượng.
Năm 2017 con số tăng trưởng này đã đạt mức 17%. Nếu so với thị trường Việt (đã có mức tăng trưởng dưới 2 con số từ lâu) thì đây quả là một thị trường khó để bỏ qua.
Thêm vào đó thị trường Ấn đông dân, tỉ trọng cũng giống như Việt Nam, tức feature phone (dòng điện thoại phổ thông) chiếm 50% nên cơ hội vẫn còn nhiều. Tuy nhiên nhu cầu của thị trường này vẫn còn đa dạng, yêu cầu cũng đa dạng nên sẽ “có chỗ cho khá nhiều người”.
Bên cạnh đó doanh số bán ra ở thị trường Ấn nếu tính tổng thể có thể lên tới 10 triệu máy/tháng. Nhưng đổi lại Ấn Độ không có các chuỗi bán lẻ lớn như ở thị trường Việt.
Tại Ấn Độ, có nhiều cách để khai thác thị trường, và đối với Mobiistar, ông phát hiện ra 1 điều thú vị: Người Ấn rất quan tâm đến việc chụp selfie. Ông kể lại câu chuyện: Lúc xuống máy bay, người ta không vô trong nhà ga mà đứng trước máy bay để chụp selfie. Và việc này diễn ra thường xuyên bất kể ông hạ cánh xuống bất cứ tỉnh nào của Ấn Độ.
Và đó cũng chính là “kẽ hở” dành cho Mobiistar. Trong tầm giá dưới 3 triệu đồng tại Ấn hiện chưa có hãng nào sở hữu smartphone có khả năng selfie tốt như của Mobiistar. Chính các đối tác của Mobiistar khi được xem qua khả năng selfie của các dòng máy đến từ hãng cũng nói rằng: “Chỉ cần giữ được mức (selfie) này là bán sẽ tốt”.
Lúc này thì cơ hội đã rõ ràng hơn dành cho Mobiistar, vì vậy họ quyết định mang Mobiistar S2 và S2 Dual sang Ấn Độ. Và sau gần 1 năm thì doanh số thị trường Ấn đã vượt được thị trường Việt Nam.
2. Câu nói “đi để trở về” là như thế nào?
Thật ra thì đó là câu nói theo trend (cách đây 1 năm) nhưng vẫn tạo được sự thú vị cho ông Kha. Nếu đối với nhiều người thì “đi thật xa để trở về” nhằm mục đích là đi học hỏi đây đó rồi lại trở về với nhà, với gia đình. Còn với Mobiistar thì là câu chuyện khác.
Nếu nhìn thẳng ra thì tại Việt Nam, Mobiistar chiến đấu rất vất vả. Người dùng bây giờ thông minh hơn, đòi hỏi nhiều hơn. Những đòi hỏi đó tất nhiên Mobiistar vẫn đáp ứng được nhưng lúc này, Mobiistar lại cần một thị trường lớn hơn.
Khi nhìn qua các hãng nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, ngoài khả năng về đầu tư, họ có một “căn cứ địa” ở một quốc gia lớn khác. Và đó là một trong những lí do để Mobiistar phải “đi thật xa”.
Nhưng nguyên nhân sâu xa khác đó chính là sự phối hợp, thuyết phục các đối tác lớn. Nếu đầu tư nhiều nhưng giá bán rẻ, cộng thêm thị trường không đủ lớn để tiêu thụ thì xem như kinh doanh không hiệu quả và khó duy trì sự hợp tác.
Chẳng hạn như MediaTek khi hỗ trợ cho Mobiistar thì đồng nghĩa với việc hãng này phải đủ lớn, phải có đầu ra hay doanh số tốt hơn nữa. Vì vậy họ phải “đi thật xa”.
Ông Kha ví dụ: Một sản phẩm tại Việt Nam chỉ khoảng 10.000 là tốt với Mobiistar, nhưng tại Ấn Độ con số này có thể cao hơn gấp 5 lần. Khi đạt được doanh số cao như vậy thì các đối tác lớn sẽ dễ dàng hỗ trợ hãng nhiều hơn.
Tóm lại với slogan "Đi thật xa để trở về", ông Kha bật mí, chiến lược này giống như Mobiistar đang đi tầm sư học đạo ở Ấn Độ để khi quay trở lại Việt Nam có thể giải quyết được bài toán của thị trường smartphone trong nước.
3. Thị trường Việt đối với Mobiistar: 1 năm đầy trắc trở
Khi nói về thị trường Việt, ông Kha không giấu diếm: Năm 2018 là một năm khó khăn đối với Mobiistar vì trong phân khúc quen thuộc của Mobiistar nó đang bị thu hẹp lại, người dùng đang có xu hướng chuyển lên các phân khúc cao hơn.
Mobiistar cũng đang gặp khó khăn trong việc phát triển thị phần và thị trường. Mobiistar cũng đã có phương án để thay đổi, đó là mang đến một sản phẩm nhích lên phân khúc giá cao hơn, nhưng tất nhiên là sản phẩm này (Mobiistar X) phải tốt hơn, cấu hình cao hơn để thuyết phục được người dùng.
Lợi thế của Mobiistar lúc này là vẫn nhận được những sự hỗ trợ từ các kênh bán lẻ, tuy không đến mức ưu ái nhưng cũng tạo điều kiện cho Mobiistar để có được vị trí trong chuỗi của họ.
Trong thời gian sắp tới, ông Kha cũng cho biết Mobiistar vẫn sẽ tập trung vào mảng camera và giá tốt để tiếp tục duy trì lẫn phát triển thị phần của mình tại Việt Nam. Và với việc Mobiistar không muốn “chém gió”, chỉ muốn mang lại giá trị thực sự cho người dùng, CEO của hãng hy vọng điều này sẽ giúp smartphone của họ tiếp tục được đón nhận.
4. Câu chuyện hàng lên kệ trễ: Một cuộc chiến ngầm giữa các ông lớn
Nói về câu chuyện vì sao hàng của Mobiistar bị lên kệ trễ, điển hình như Prime X Max 2018, ông Kha cho biết nguyên nhân nằm ở đối tác cung cấp. Mobiistar cũng không thể phá hợp đồng vì nó cũng chẳng giải quyết được gì. Và điều này được lặp đi lặp lại nhiều lần, từ đó gây nên tình trạng thiếu hàng.
Các đối tác cung ứng dường như muốn “găm” hàng để làm chuyện gì đó. Khi tới đúng đợt mới chịu bán ra. Ông Kha suy đoán rằng đây có thể là cuộc chơi giữa các ông lớn trong việc tranh giành linh kiện với nhau. Và Mobiistar thì chưa đủ sức để gây sức ép lên chuỗi cung ứng linh kiện này nên phải chấp nhận hàng về trễ, gây khó khăn cho cả hãng lẫn các nhà bán lẻ.
5. Sau 8 tháng ở Ấn, có điều gì Mobiistar mang được gì về Việt Nam không?
Ông Kha chia sẻ: Thực ra cái để đem ra dùng được chắc sẽ không thấy. Nhưng sự hỗ trợ từ các đối tác về mặt cung cấp và hỗ trợ công nghệ là điều thấy được. Họ mở lòng hơn với Mobiistar để giúp hãng phát triển hơn.
6. Mobiistar X và những chuyện chưa kể
Nói về câu chuyện vì sao chiếc smartphone mới nhất của hãng lại dùng chip P22 chứ không phải P60, Ông Kha cho biết mẫu Helio P60 đã được hãng nghiên cứu. Tuy nhiên mẫu Helio P22 cũng có thể làm được những chuyện tương tự như mẫu Helio P60 về mặt camera, và đó là điều mà Mobiistar đang muốn làm tốt nên hãng quyết định chọn. Thêm nữa P22 sẽ giúp giá thành của sản phẩm tốt hơn.
Bên cạnh đó vị CEO của hãng này còn chia sẻ thêm rằng Mobiistar X là sản phẩm hoàn toàn do Việt Nam nghiên cứu và phát triển, Ấn Độ chỉ có đội ngũ kiểm tra sản phẩm này mà thôi.
Chuyển qua chiến lược về giá bán khi kì này giá của Mobiistar X thấp hơn Prime X Max 2018 khá nhiều, Ông Kha cho hay hãng không có ý định đẩy giá để tiến lên các phân khúc khác mà tập trung vào người dùng.
Họ nhận được gì từ mức giá mà họ bỏ ra. Khi nói chuyện với các nhà bán lẻ, họ cũng nói với Mobiistar rằng nếu hãng làm lớn hơn nữa, bán đắt lên hơn sẽ gây khó cho hãng. Vì vậy tiếp tục duy trì chiến lược giá tốt sẽ mang lại thuận lợi cho Mobiistar hơn trong thời gian sắp tới.
Xem thêm: CEO Mobiistar: Mọi người so sánh smartphone online, nhưng đi mua trực tiếp
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.