Liệu các ứng dụng hẹn hò, tìm bạn có nên trang bị bộ lọc HIV?

Nhờ sự phát triển về kết nối mạng cũng như việc đại trà hóa smartphone mà mấy năm gần đây, các ứng dụng hẹn hò (dating apps - DA) đã rộ lên như nấm mọc sau mưa. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến "hấp dẫn" cho các DA này kèm theo những căn bệnh quái ác, bao gồm HIV!
Vậy thì vấn đề đặt ra ở đây là: Nên hay không việc trang bị những bộ lọc để người dùng DA có thể lựa chọn đối tượng tiềm năng? Loại bỏ hẳn những người đang nhiễm (có nguy cơ nhiễm, phơi nhiễm) HIV ra khỏi danh sách tìm kiếm?
Ứng dụng hẹn hò: Nơi "ươm mầm" cho bệnh tật!
Theo một nghiên cứu của Pew (CNN đăng tải), có đến 15 % người trưởng thành ở Mỹ chọn dùng các dịch vụ mai mối trực tuyến hay các DA trên smartphone. Nếu so với năm 2013 thì con số này đã tăng thêm 36 % và mình nghĩ, tỷ lệ này cũng khá sát với thực tế ở Việt Nam.
Lý do như đã nói, vì bây giờ có quá nhiều DA và người dùng đã khá dễ dàng để tìm/tải về/đăng ký tài khoản và sử dụng chúng. Chẳng hạn, nếu là người dị tính bạn có thể hẹn họ qua Hot or Not, Tinder,... Còn khi là LGBTQ, bạn có thể dùng các Jack'd, gần đây nhất là Blued - một ứng dụng cho gay được quảng bá rất rầm rộ!

Được biết trong năm 2013, người ta đã ghi nhận rằng: Trong 33 tiểu bang ở Mỹ, sự gia tăng lây nhiễm HIV đã gia tăng 16 % từ việc sử dụng dịch vụ hẹn hò trực tuyến của Craigslist.
Và mới 2 năm trước thôi, Bộ Y tế Rhode Island cũng đã báo động sự gia tăng những trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs). Đặc biệt khi hầu hết họ đều "sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để lựa chọn đối tượng sex ngẫu nhiên".
Quay lại với Việt Nam, mà cụ thể là trường hợp của mình thì cũng đã nhiều lần (sau khi cài và sử dụng thử các DA), mình được những người lạ mặt, ẩn danh đưa ra những lời mời khiến nhã về vấn đề tình dục. Thậm chí chỉ cần dùng tính năng tìm bạn quanh đây của Zalo, bạn cũng có thể gặp phải nhiều ca khó nói!
Bộ lọc để phòng chống: Lợi bất cập hại!?
Trong một bài viết với chủ đề tương tự, trang CNN cho biết: Vào mùa hè 2016, app hẹn hò cho nam đồng tính - Grindr đã tiến hành khảo sát và nhận nhiều lời chỉ trích khi hỏi người dùng "Mức độ nhiễm HIV hiện tại của bạn là gì?".
Và, "Bạn thấy thế nào nếu Grindr cho phép bạn lọc các chàng trai mà bạn nhìn thấy bởi tình trạng nhiễm HIV?"

May thay ngay sau đó, cuộc trưng cầu ý kiến này đã thất bại và đại diện nhà phát triển app này đã lên tiếng: Khảo sát chỉ nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người dùng để khuyến khích người ta bàn luận về một vấn đề nan giải trước nay.
Nếu không, rất có thể giờ này Grindr hay một vài app khác và cả người dùng như chúng ta đều đang đối mặc với nhiều vấn đề!
Trước hết, nhìn vào mặt tích cực ta có thể thấy, một bộ lọc về tình trạng bệnh STDs hay HIV là tốt khi nó có thể giúp các đối tác lạ mặt biết và tránh được những cuộc nói chuyện khó xử và dễ xảy ra kỳ thị.
Song, đúng như câu "lợi bất cập hại": Khi ai đó có thể lọc bỏ những người nhiễm bệnh ra khỏi danh sách thì cũng đồng nghĩa là họ đang xa lánh/kỳ thị/làm tách biệt người bệnh ra khỏi cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu đến người khác.
Và từ đó nhiều bệnh nhân sẽ có thể giấu nhẹm đi tình trạng nhiễm của mình, không chịu đi xét nghiệm, thậm chí đi "trả thù đời" gây ra nhiều hệ lụy khác.
Có thể bạn chưa biết: Xét nghiệm, đo nồng độ HIV bằng... USB - Thành tựu thật, cứ ngỡ đùa !?

Chẳng hạn đối với những ai khỏe mạnh, họ có thể vô tình bị nhiễm do quá tin tưởng vào bộ lọc - đối tác ảo (người báo cáo thông tin sai lệch). Họ rất có thể nghĩ rằng mình đã an toàn và không thực hiện các biện pháp bảo vệ khỏi STDs, HIV,...
Đâu là biện pháp hoàn hảo nhất?
Cũng là một ứng dụng hẹn hò đồng giới như Grindr nhưng Hornet lại có cách "lọc" theo một hướng khác. Cụ thể, họ cho phép người sử dụng tự chọn lựa tình trạng nhiễm HIV của mình theo từng mức độ như âm tính, dương tính, giai đoạn cửa sổ, đang điều trị với PrEP,...
Đặc biệt, nó còn có thuật toán thông minh khi chỉ cho phép những người có bệnh án giống nhau tìm được đối tác tương tự. Ví dụ, một người đang nhiễm HIV thì chỉ có thể tìm được những người bệnh dương tính khác nhưng một người khỏe mạnh thì lại không thể nhìn thấy những người bệnh dù đang ở gần vị trí nhau.
"Tính năng này của Hornet tỏ ra hữu ích cho những nam giới đang nhiễm HIV không chỉ ở việc tìm bạn (bạn tình) mà còn giúp họ dễ tiếp cảnh với các dịch vụ hỗ trợ cộng đồng. Nó cũng giúp ngăn chặn người dùng táy máy và phá vỡ rào cản, truyền căn bệnh quái ác cho những đối tác vô tội,...", TS. Ian Holloway, giáo sư về Quan hệ công chúng tại Đại học California cho biết.

Vừa rồi là một số thông tin, dẫn chứng liên quan đến vấn đề nên hay không việc các DA tích hợp bộ lọc HIV. Không biết, bạn nghĩ sao về vấn đề này và có đề xuất nào hay hơn? Hãy comment chia sẻ ý kiến bên dưới nào!
Lưu ý: Bài viết có đề cập nhiều đến những DA dành cho người đồng tính nam bởi vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh STDs và HIV cao (bao gồm Việt Nam - theo Saostar).
Vui lòng giữ thái độ thiện chí khi comment, tránh gây ra xung đột và hãy thể hiện tinh thần tôn trọng sự đa dạng, bạn nhé!
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.