Bạn có biết: Jelly Bean là phiên bản Android cuối cùng đạt 50% thị phần

GSMArena vừa đưa ra một thông tin rất thú vị về hệ điều hành Android. Có lẽ không nhiều người biết rằng, phiên bản Android đầu tiên (1.1) được phát triển mang tên Petit Four. Từ này nghĩa là "món khai vị nhỏ" và là khởi nguồn cho cách đặt tên dựa vào món ăn tráng miệng của các phiên bản Android cho đến ngày nay.
Petil Four có thể coi như một phiên bản cơ sở, còn phiên bản đầu tiên được công bố ra thị trường là Android 1.5 Cupcake - phát hành cùng chiếc T-Mobile G1. Sau đó, vào giữa năm 2010, khoảng nửa năm sau khi được giới thiệu, Eclair (2.0 đến 2.1) trở thành phiên bản phổ biến nhất.
Bản 2.2 Froyo “lên đỉnh” vào cuối năm 2010, nghĩa là cũng sau 6 tháng ra mắt. Thời điểm đó, Google phát hành định kỳ 2 phiên bản Android chính mỗi năm.
Tiếp theo là sự xuất hiện của 2.3 Gingerbread, phiên bản được cho là Windows XP trong thế giới Android vì nó đã tồn tại qua rất nhiều năm tháng. Gingerbread dẫn đầu thị phần vào đầu năm 2012 và giữ vị trí ấy đến tận tháng 8 năm 2013.

Có một giai đoạn, Google đã lãng phí thời gian với Honeycomb. Phiên bản Android 3.x này chỉ có giá trị với máy tính bảng và cung cấp một giao diện người dùng quá mới. Cuối cùng, Honeycomb mang lại nhiều vấn đề về tính tương thích hơn là lợi ích cho giao diện, nên gần như đã bị lãng quên.
Tuy nhiên, giao diện của Honeycomb đã tạo cảm hứng cho Holo, giao diện được thiết kế mới cho Android 4.0 Ice Cream Sandwich. Khi ấy, Ice Cream Sandwich dần được cài đặt trên tablet, nhưng phiên bản này vẫn không bao giờ vượt qua thị phần của Gingerbread.
Sau đó, Google đã giảm tốc độ phát hành xuống còn một lần đặt tên mỗi năm, bắt đầu từ Jelly Bean (từ 4.1 đến 4.3). Đây cũng là một trong những phiên bản vượt qua mức thị phần 50%. Tuy nhiên, bản Gingerboard 2.3 cũ kỹ vẫn chiếm tới 8% thị phần vào đầu năm 2015.

Kế đến là vụ hợp tác thương hiệu đầu tiên của Google – Kitkat. Phiên bản này ban đầu được cho là có tên Key Lime Pie, nhưng bị thay đổi bởi một thỏa thuận vào phút chót với Nestle. Kitkat không bao giờ vượt mức 50% thị phần như Jelly Bean và cho đến ngày nay vẫn chưa có phiên bản nào làm được điều tương tự.
Đến Android 5.0 Lolipop, chúng ta được nhìn thấy những thay đổi lớn. Giao diện Holo bị thay thế, thiết kế Material được giới thiệu.
Máy ảo Dalvik cũng trở thành quá khứ, thay vào đó là Android Runtime (ART), rồi phiên bản 5.1 Lolipop hỗ trợ đa sim vào năm 2015, sau đó là 6.0 Marshmallow.
Rất nhiều thay đổi đã được Google thực hiện, nhưng kể từ Jelly Bean, thị phần của mỗi bản Android mới khi ra mắt đều thấp hơn thế hệ cũ, như bạn có thể thấy trong biểu đồ phía dưới. Bên cạnh đó, Android 7 Nougat chỉ mới vừa vượt qua Android 6.0 Marshmallow để chiếm vị trí phiên bản Android phổ biến nhất vào tháng 1/2018, nghĩa là gần một năm rưỡi sau khi được giới thiệu.

Tình trạng phân mảnh Android đã diễn ra trong nhiều năm qua, bất chấp nỗ lực cải thiện của Google khi chuyển các chức năng cốt lõi sang Google Play Services (Dịch vụ của Google Play).
Vì vậy, gã khổng lồ tìm kiếm hiện đang triển khai những giải pháp quyết liệt hơn: Bắt đầu từ tháng 8, ứng dụng mới trên CH Play sẽ được yêu cầu chỉ tương thích từ Android 8 (Oreo) trở lên. Như vậy, nhiều tính năng của Android sẽ mang tính bắt buộc với ứng dụng, qua đó nâng cao trải nghiệm cho người dùng.
Ngoài việc buộc các ứng dụng phải nâng cấp, Google còn giới thiệu một kế hoạch mới để chống phân mảnh là Project Treble – dự án tách biệt Framework (thư viện các lớp, bộ khung để phát triển phần mềm) trên Android với mã phần cứng của các nhà sản xuất.

Nhờ Project Treble, sau mỗi lần cập nhật, nhóm phần mềm được nhà sản xuất tạo ra để giúp phần mềm giao tiếp với phần cứng sẽ được giữ nguyên. Từ đó, các nhà sản xuất không phải viết lại mã cho những thiết bị có cấu hình thấp, nghĩa là việc nâng lên phiên bản cấp cao sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Project Treble đã được giới thiệu cùng với Android 8.0 Oreo (cũng là vụ hợp tác thương hiệu thứ hai của Google). Sắp tới, triển lãm MWC 2018 có thể sẽ trình làng nhiều smartphone trang bị Oreo, qua đó làm tăng thị phần của phiên bản Android hiện chỉ dao động quanh mức 1 % này.
Hi vọng rằng những giải pháp chống phân mảnh của Google sẽ sớm gặt hái được thành quả. Bởi vì, cập nhật lên phiên bản hệ điều hành mới không chỉ là trải nghiệm thêm nhiều tính năng mà còn giúp người dùng bảo vệ thiết bị an toàn hơn trước những phần mềm độc hại.
Xem thêm:
- Cách thay đổi biểu tượng ứng dụng Android trở nên thú vị hơn
- Android thống trị thị trường smartphone toàn cầu, nhưng ở Mỹ thì không
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.