Có thể bạn chưa biết: Hệ điều hành Android ban đầu không được tạo ra cho smartphone mà là... máy ảnh kỹ thuật số
Nhắc đến Android, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các smartphone đang chạy hệ điều hành này. Bởi lẽ đây là hệ điều hành phổ biến nhất trên thế giới với hơn 2.5 tỷ thiết bị đang hoạt động. Tuy nhiên, Android ban đầu không phải được thiết kế dành cho điện thoại.
KHỞI ĐẦU TỪ HỆ ĐIỀU HÀNH DÀNH CHO MÁY ẢNH KỸ THUẬT SỐ
Theo trang Androidauthority, tại hội nghị thượng đỉnh về kinh tế ở Tokyo vào năm 2013, đồng sáng lập của Android đã từng tiết lộ rằng hệ điều hành này ban đầu được tạo ra dành cho máy ảnh kỹ thuật số.
Kế hoạch ban đầu của công ty là tạo ra một kho lưu trữ thông qua điện toán đám mây dành cho camera. Với nền tảng này, người dùng sẽ không phải phụ thuộc nhiều vào bộ nhớ truyền thống trên máy ảnh mà có thể truy cập dữ liệu hình ảnh của mình thông qua các thiết bị khác.
Trong bài phát biểu tại Tokyo, Rubin thậm chí đã chia sẻ các slide mà ông từng sử dụng để đưa ra ý tưởng về một hệ điều hành dành cho máy ảnh vào năm 2004. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không mấy hào hứng về dự án này.
Năm tháng sau cuộc họp, Andy Rubin và các cộng sự của mình quyết định thay đổi chiến lược phát triển. Họ nhận thấy sự lớn mạnh của thị trường smartphone so với máy ảnh kỹ thuật số sau này. Sau khi chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, hệ điều hành Android mà chúng ta biết đã ra đời.
Đội ngũ phát triển không muốn tính phí sử dụng cho hệ điều hành này theo cách mà các đối thủ đi trước đã làm, bởi tại thời điểm đó ngành công nghiệp phần mềm quá nhạy cảm về giá cả. Mặt khác, họ còn là người đi sau nên khó mà cạnh tranh lại với các ông lớn như Windows Mobile hay Symbian.
Các nhà phát triển muốn Android được cung cấp miễn phí và đóng vai trò như một nền tảng để bán các dịch vụ và sản phẩm khác như game, ứng dụng, phần mềm bảo mật,... Bằng cách này, cơ hội đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất điện thoại sẽ cao hơn rất nhiều.
Trong lúc này, Android đang cần một nhà đầu tư lớn chịu chi tiền để biến những ý tưởng của mình thành sự thật. Đây cũng là lúc Google bước vào. Gã khổng lồ về công nghệ đã mua lại Android vào tháng 7/2005 và thuê Andy Rubin về làm Phó Chủ tịch cấp cao mảng Di động và Kỹ thuật số.
Công ty đặt ra mục tiêu phải chiếm lĩnh được 9% thị phần tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu trong vòng 5 năm tới. Không phụ kỳ vọng, tính đến cuối năm 2010 Android đã chiếm khoảng 24% thị trường ở Bắc Mỹ. Và tới nay, Android đã cung cấp hơn 80% tổng số smartphone đang sử dụng trên thế giới.
SỨC MẠNH CỦA MỘT QUYẾT ĐỊNH
Chúng ta không chắc điều gì sẽ xảy ra nếu Andy Rubin và cộng sự của mình vẫn kiên định với kế hoạch ban đầu. Nhưng có thể chắc chắn rằng Android sẽ không được thành công như bây giờ bởi thị trường smartphone đã tăng trưởng đáng kể trong vòng 15 năm qua.
Nếu Andy Rubin không thay đổi quyết định, Google thậm chí sẽ không bước chân vào thị trường smartphone và Microsoft khả năng cao sẽ đạt được nhiều thành công hơn với nền tảng Windows Mobile của họ.
Symbian cũng sẽ có thể phát triển thành một hệ điều hành mở hơn và Nokia biết đâu vẫn sẽ là vị vua bất diệt trên thị trường giàu tiềm năng này. Câu chuyện thật thú vị song tất cả chỉ là phỏng đoán.
Việc tập trung hệ điều hành Android vào smartphone thay vì camera đã trở thành quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời của Andy Rubin.
Một điều thú vị khác là Google đã chi ra 50 triệu USD để mua lại Android. Cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ thương vụ này là một món hời rất lớn mà Gã không lồ công nghệ đã đầu tư ở 15 năm trước.
Bạn thích điều gì nhất từ hệ điều hành Android?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.