Google tự tin về tương lai của Android với Material Design
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trên phiên bản Android L vừa ra mắt của Google đó chính là ngôn ngữ thiết kế theo phong cách Material Design.
Có một vài ý kiến khen ngợi phong cách thiết kế tối giản và thanh lịch này tuy nhiên vẫn có không ít ý kiến khác cho rằng nó quá phẳng, quá nhiều khoảng không gian trắng, màu sắc sặc sỡ và sử dụng một chút ý tưởng từ Microsoft Windows Phone hoặc iOS của Apple.
Material Design không chỉ đơn giản là một giao diện mới trên Android. Đây là một tập hợp các nguyên tắc thiết kế cơ bản thống nhất với nhau về chiều sâu, thông in phản hồi và hiệu ứng hình ảnh trên một giao diện duy nhất. Nó có thể mang lại cho người dùng một trải nghiệm thị giác rõ ràng và mới mẻ trên Android.
Nhưng hiện nay trên thị trường, các nhà sản xuất OEM hay tùy biến lại Android và cho ra đời các sản phẩm với giao diện độc quyền của riêng mình. Liệu trong tương lai, các nhà sản xuất phần cứng sẽ áp dụng ngôn ngữ thiết kế của Google vào phiên bản phần mềm của họ? Liệu đây có phải giải phá đột phá để giải quyết các vấn đề phân mảnh hiện nay trên Android?
Vấn đề phân mảnh trên hệ điều hành Android
Theo dữ liệu của Google tháng vừa qua, phiên bản Android KitKat 4.4 mới nhất chỉ chiếm 17,9% trên các thiết bị Android, trong khi 3 phiên bản Android Jelly Bean chiếm đến 56,5% các phiên bản Android đang được sử dụng .
Có thể sẽ mất hơn một năm để Google đưa Android L ra thị trường và hệ điều hành này có thể đạt thị phần đủ lớn để hấp dẫn các nhà phát triển ứng dụng.
Các nhà phát triển có thể mất nhiều công sức vào việc thiết kế một ứng dụng mới theo phong cách của Google nhưng chỉ có một tỷ lệ nhỏ các khách hàng của họ có thể trải nghiệm được một cách đầy đủ ứng dụng này. Tính tương thích chính là vấn đề, thiết kế Material Design không tương thích với các phiên bản Android cũ. Và các nhà phát triển sẽ rất vất vả để ứng dụng của mình chạy một cách hoàn hảo trên tất cả các phiên bản Android.
Những nỗ lực trước đây
Giao diện Holo được Google giới thiệu cùng lúc với Android 4.0. Một giao diện và hiệu ứng hệ thống theo tiêu chuẩn của Google. Google đã ra yêu cầu các thiết bị chạy Android 4.0 trở lên phải tích hợp sẵn gói giao diện Holo, nhưng không đi kèm các điều kiện bắt buộc và đã không đạt được kết quả nào đáng kể. Google trước đây rất chậm chạp trong việc cung cấp các hướng dẫn về thiết kế phần mềm và các nhà phát triển cũng rất hạn chế trong việc áp dụng chúng.
Google từ đó học được nhiều kinh nghiệm trong vài năm qua. Khi bản Android tiếp theo là “L” chắc chắn sẽ sử dụng ngôn ngữ thiết kế Material Design thì Google cũng đã phát hành một phiên bản beta cho các nhà phát triển. Google tin rằng Material Design sẽ gây ấn tượng hơn nhiều nếu so với Holo của hai năm trước.
Lợi ích từ việc sử dụng thiết kế Material Design
Android của Google là một trong những hệ điều hành được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Hàng triệu người dùng sẽ quen dần với các thao tác sử dụng trên hệ điều hành này và Google sẽ có lợi từ điều đó. Các nhà phát triển có thể tận dụng thói quen sử dụng của người dùng khi Google cung cấp một hướng dẫn chi tiết thiết kế với bản mẫu và tư vấn về nội dung. Mục đích cuối cùng vẫn sẽ là giúp các nhà phát triển cung cấp một trải nghiệm sử dụng tốt hơn cho khách hàng của mình.
Theo thiết kế của Google, nội dung trên trang web và ứng dụng sẽ đồng nhất về hình ảnh và giao diện, trong đó có tùy chỉnh về mặt hiển thị trên các thiết bị khác nhau. Material Design đã cung cấp một giải pháp dễ dàng để thực hiện điều này, thiết kế ưu việt và tối ưu hóa tốt.
Lợi ích từ việc sử dụng thiết kế Material Design có thể khuyến khích các nhà phát triển sử dụng nó. Có thể không phải mọi người đều yêu thích thiết kế này nhưng nó vẫn có nhiều lợi ích và tiềm năng để phát triển trong tương lai.
Android Silver (Android One)
Sẽ rất khó khăn cho Google để yêu cầu các OEM phải dừng việc thay đổi giao diện của Android. Nhưng Google vẫn có giải pháp và đó chính là chương trình Android Silver. Để đổi lại việc phát hành các sản phẩm Adroid không tùy biến Google sẽ hỗ trợ việc phát triển và quảng bá sản phẩm.
Chiến thuật của Google
Google luôn muốn các nhà sản xuất thiết bị Android giảm bớt các tùy chỉnh riêng của mỗi hãng này trên các thiết bị Adroid. Nếu điều đó xảy ra, trải nghiệm trên Android sẽ thống nhất và có tính nhận diện hơn, nhưng vẫn giữ lại một số tùy biến vì nó sẽ hấp dẫn nhiều người dùng. Dễ nhận thấy nhất là các bản Android càng về sau càng mượn ý tưởng và tích hợp sẵn thêm một số chức năng đến từ các ứng dụng phổ biến, các OEM và ROM tùy chỉnh.
Larry Page từng chia sẻ gần đây: "Chúng tôi gần đạt đến mục tiêu về một trải nghiệm sử dụng đơn giản, trực quan và đẹp mắt trên bất kỳ thiết bị Android nào mà bạn sở hữu."
Material Design là một bước tiến để đạt đến mục tiêu đó, nhưng nó cũng là một bước để kiểm soát tốt hơn nền tảng Android của Google. Bởi cuối cùng, Android vẫn phải dẫn người dùng vào hệ sinh thái của Google.
Google thông báo từ chối cho phép tùy chỉnh giao diện Android Wear, TV và Google Auto. Và các chiến thuật hiện nay của Google chính là nhằm mục đích đưa Android trở lại quỹ đạo mong muốn của họ.
Quốc Đại (theo androidauthority)
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.