F1 Plus vs Galaxy A7 (6): OPPO "đại chiến" Samsung phân khúc cận cao cấp
Galaxy A7 (6) và OPPO F1 Plus, hai sản phẩm thuộc phân khúc trung cận cao cấp, đều được hãng sản xuất nhấn mạnh vào thiết kế đẹp mắt. Ngoài ra, F1 Plus thu hút người dùng bởi camera selfie khủng, 16 "chấm". Về phía A7 (6) thiết kế đẹp chưa đủ, Samsung còn hướng đến thời lượng pin sử dụng lâu dài khi trang bị cho máy viên pin lớn 3.300 mAh. Cả hai sản phẩm này liệu có đáng trở thành kỳ phùng địch thủ của nhau?
Xem thêm: Đánh giá OPPO F1 Plus: "Người đẹp từ trong ra ngoài" nhưng còn tì vết
Thông số cấu hình:
Đánh giá chung:
- Thiết kế: Galaxy A7 cùng chất liệu kính bóng bẩy, cứng cáp, mang lại cảm giác đầm tay khi sử dụng. OPPO F1 Plus thiết kế siêu mỏng, mềm mại, tinh tế, tuy nhiên cảm giác cầm nắm chưa tốt vì máy nhẹ và mỏng.
- Camera: Camera trước khủng 16 MP, F1 Plus xứng đáng chiến thắng trong phần thi “ai selfie xinh hơn”. Nhưng A7 (6) giành lại phần hơn ở camera sau nhờ khả năng lấy nét tốt cùng công nghệ chống rung OIS.
- Cấu hình: Vi xử lý Helio P10 trên F1 Plus cho tốc độ CPU vượt trội hơn hẳn Exynos 7580 có trên Galaxy A7 2016. Tuy nhiên, cả A7 (6) và F1 Plus đều gặp vấn đề với GPU, khi mà điểm GPU của cả hai máy không cao, dẫn đến trải nghiệm những game đòi hỏi đồ họa chưa thực sự “đã”. Khả năng quản lý RAM của OPPO F1 Plus chưa tốt.
- Pin: Viên pin lớn 3.300 mAh của A7 (6) đem lại thời gian trải nghiệm tốt hơn F1 Plus. Sản phẩm nhà OPPO lại một lần nữa gỡ điểm với công nghệ sạc nhanh VOOC, chỉ 60 phút đầy 2.850 mAh.
- Phần mềm: F1 Plus trang bị hệ điều hành mới nhất của OPPO, ColorOS 3.0, cho trải nghiệm mượt mà, cách sắp xếp bố cục còn phức tạp dễ khiến người dùng bối rối. A7 (6) với Touchwiz tích hợp nhiều tính năng thông minh, tiện lợi, tận dụng hết lợi thế của một phablet.
- Cảm biến vân tay: F1 Plus cho khả năng nhận dấu vân tay nhanh, nhanh hơn nhiều khi so sánh với A7 (6). Theo như công bố từ phía OPPO, sản phẩm của họ chỉ mất 0,2 giây để nhận vân tay và mở khóa máy.
Thiết kế: A7 (6) bóng bẩy, cứng cáp – F1 Plus siêu mỏng, nhẹ
Xét về tổng thể thiết kế, cả A7 (6) và F1 Plus sử dụng chung quy chuẩn đã được định hình sẵn trong tư duy thiết kế smartphone từ trước đến nay, với 4 góc bo tròn cùng mặt lưng vát cong về phía hai cạnh trái, phải nhằm mục đích đem lại khả năng cầm nắm tốt hơn cho người dùng.
Điều khác biệt lớn nhất và dễ nhận ra nhất trong thiết kế chính là chất liệu cấu thành, nếu như F1 Plus là sự kết hợp “nhôm nhựa” tinh tế, vỏ nhôm ôm trọn lấy thân nhựa, còn A7 (6) hút người dùng bởi sự bóng bẩy, hiện đại từ chất liệu kính và kim loại.
Hai sản phẩm này đều là những sản phẩm nhấn mạnh vào thiết kế nhưng lại đi theo hai hướng khác nhau. F1 Plus thiên về mỏng nhẹ, cố gắng biến thiết kế trở nên tinh xảo nhưng cảm giác cầm nắm mang lại chưa “đã”, đôi lúc có chút hụt hẫng vì máy quá nhẹ. Ngược lại, A7 (6) với độ dày vừa phải cùng khung viên kim loại giản dị, cho cảm giác chắc tay khi sử dụng.
Cụm phím cứng nguồn, tăng/giảm âm lượng có trên A7 (6) đặt quá cao, vượt ra khỏi tầm với, mình luôn phải sử dụng cả hai tay mỗi khi muốn tăng hay giảm âm lượng. OPPO thì khác, họ đặt cụm phím cứng hợp lý hơn, nằm vừa phải trong tầm với, bạn chỉ cần một tay là đã có thể làm chủ hoàn toàn chiếc điện thoại của mình.
Nút home có lẽ là điểm dễ gây nhầm lẫn cho người dùng, bởi vì chúng quá giống nhau về hình dáng. Nhưng với F1 Plus, OPPO đặt lõm xuống mặt kính đem lại cảm giác bấm thoải mái, còn A7 (6) phím home đặt khá cao, cấn tay mỗi khi sử dụng.
Nhìn chung cả A7 (6) và F1 Plus đều là những sản phẩm có thiết kế đẹp. Nhưng cá nhân mình thấy rằng, F1 Plus không có được khả năng cầm nắm tốt, vì máy nhẹ và mỏng, đôi lúc mình còn nghĩ trên tay đang là một món đồ chơi chứ chưa phải là một smartphone mắc tiền.
Xem thêm: Đánh giá thiết kế Galaxy A7 2016: Đẹp, quyến rũ, sexy hơn
Camera: F1 Plus camera selfie ấn tượng – A7 (6) camera sau lấy nét tốt, có chống rung quang học
Đầu tiên sẽ là camera trước. A7 (6) bị người "đồng nghiệp" bỏ xa khi chỉ được trang bị cảm biến ảnh 5 MP nhỏ hơn nhiều so với con số 16 MP của F1 Plus. Điều kiện chụp ảnh thực tế, F1 Plus cho ảnh selfie tốt, màu da người giữ lại được vẻ hồng hào chứ không trắng bệch như A7 (6).
Nhưng khi so sánh trong điều kiện thiếu sáng, sô chấm khủng đã giúp F1 Plus khiến A7 (6) dù có khẩu độ mở F/1,9 vẫn thua một cách tâm phục khẩu phục. Ảnh selfie trong môi trường thiếu sáng của F1 Plus cho độ chi tiết tốt và sáng hơn đối thủ. Thắng thua đã rõ, A7 (6) thể hiện kém trong phần thi này cũng là điều dễ hiểu.
Trở lại so sánh camera chính, A7 (6) và F1 Plus đều có cảm biến ảnh 13 MP, nhưng F1 Plus khẩu độ mở nhỏ chỉ là F/2.2 còn A7 (6) là F/1.9. Thêm một điều nữa góc chụp của F1 Plus rộng hơn A7 (6) rất nhiều.
Trong điều kiện ánh sáng ban ngay, ảnh chụp từ F1 Plus có thiên hướng ám vàng, theo tông ấm, còn A7 (6) ám xanh, theo tông lạnh, cả hai máy cho độ chi tiết ảnh trong môi trường này gần như tương đồng, không có sự khác biệt. Khả năng lấy nét của A7 (6) thể hiện tốt hơn F1 Plus, mình thử đưa nhanh điện thoại ra chụp nhanh vài tấm hình về xem lại thì nhận ra ảnh chụp từ F1 Plus bị “out nét” khá nhiều.
Về đêm, đây mới chính là thử thách thực sự cho camera sau của cả hai con máy này. Dễ dàng nhận ra F1 Plus gặp vấn đề trong khả năng cân bằng trắng, hầu hết những ảnh mình chụp được luôn xạm màu. Trong khi đó, ảnh chụp của A7 (6) tái tạo màu sắc tốt, trông thích mắt. Độ mở khẩu lớn F/1.9 đã giúp máy thu sáng tốt, vì vậy ảnh chụp ra sáng và đẹp hơn so với F1 Plus. Chống rung quang học OIS cũng giúp A7 (6) chụp ảnh đêm ít bị rung hơn, đảm bảo chất lượng ảnh cho ra luôn ổn nhất có thể.
Xem thêm: Đánh giá camera Galaxy A7 2016: Phần cứng tốt, chờ Samsung tối ưu phần mềm
Trong phần thi này, F1 Plus thể hiện sự nổi trội hơn ở khả năng chỉnh tay thông số camera, bạn có thể điều chỉnh màn trập lên đến 16s. Điều đáng khen nữa là máy hỗ trợ lưu ảnh RAW đồng thời với việc chỉnh thông số. Sau vài bức ảnh chụp thực tế, mình cảm thấy ảnh chỉnh tay dừng ở mức tạm và chấp nhận được, cải thiện thu sáng rất ổn.
Cấu hình: Helio P10 trang bị trên F1 Plus cho tốc độ xử lý nhanh – A7 (6) quản lý RAM tốt hơn đối thủ
Cùng điểm qua thông số cấu hình hai máy, F1 Plus trang bị bộ xử lý 8 nhân Helio P10 xung nhịp 2,0 GHz còn A7 (6) là chip Exynos 7580 8 nhân xung nhịp 1,6 GHz. Khi đo phần mềm Antutu F1 Plus đạt hơn 51.000 điểm còn A7 (6) khiêm tốn hơn với 41.000 điểm. Với xung nhịp cao hơn vì vậy F1 Plus cũng hơn hẳn về điểm đơn và đa nhân khi chạy phần mềm Geekbench, điểm số cụ thể là 870 điểm (đơn nhân) và 3328 điểm (đa nhân), còn A7 (6) chỉ đạt 661 điểm đơn và 3176 điểm đa nhân.
Để làm rõ hơn sức mạnh của Helio P10, mình đã có một bài speedtest nho nhỏ gồm tổng cộng 9 ứng dụng, trong đó có 2 game nặng là Driver Speedboat và Asphalt 8. F1 Plus cùng Helio P10 chiến thắng gần như tuyệt đối khi chỉ để thua trước A7 (6) tựa game Driver Speedboat. Nếu như trước đây, Helio X10 ngang ngửa với Exynos 7580 thì lần này, đàn em P10 đã cho thấy sự vượt trội trong khả năng xử lý CPU của mình.
Xem thêm: Đọ hiệu năng MediaTek Helio X10 với Samsung Exynos 7580
Đến với khả năng quảy lý RAM, khả bất ngờ khi người chiến thắng lại là sản phẩm họ Galaxy, chỉ với 3 GB RAM khi chạy 9 ứng dụng, A7 (6) đã không phải load lại bất cứ ứng dụng nào. Trong khi đó, F1 Plus với 4 GB và lượng RAM trống 2,87 GB vẫn phải load lại 1 ứng dụng. Mình khá bất ngờ về kết quả này.
Mạnh về CPU nhưng dù là Helio P10 hay Exynos 7580 đều không phải là những vi xử lý có khả năng xử lý đồ họa tốt. Galaxy A7 (6) gặp vấn đề ở tựa game N.O.V.A 3, lúc chơi game giật lag rất nặng còn F1 Plus vấn đề tương tự xảy ra ở tựa game Asphalt 8 (Đồ họa cao nhất).
Màn hình: F1 Plus màn hình trong trẻo – A7 (6) độ sáng cao nhưng ám vàng
Cả Galaxy A7 (6) và OPPO F1 Plus đều có cùng kích thước 5,5 inch và độ phân giải Full HD (401 ppi) với thiết kế viền siêu mỏng khiến diện tích hiển thị chiếm đến hơn 73% mặt trước. Công nghệ màn hình Super AMOLED có trên A7 (6) đem lại độ sáng cao, dễ dàng thao tác ngoài trời nhưng lại ám vàng khá nhiều. OPPO F1 Plus cùng tấm nền AMOLED có khả năng hiển thị màu sắc trong trẻo hơn, không còn bị ám vàng nữa, đổi lại độ sáng màn hình của thấp khi so với A7 (6). Nhìn chung, cả hai sản phầm này đều đem lại một không gian hiển thị rộng lớn, độ chi tiết cao, hình ảnh mịn màng.
Pin: Viên pin 3.300 mAh đem lại thời gian sử dụng tốt cho A7 (6). F1 Plus gỡ điểm bằng VOOC 3.0
Viên pin lớn 3.300 mAh đã giúp Galaxy A7 (6) có thời gian sử dụng rất tốt, tốt hơn nhiều khi so với đối thủ F1 Plus pin 2.850 mAh. Để giúp các bạn dễ hình dung sự chênh lệch, mình đã sử dụng phần mềm có tên Pcmark, phần mềm này sẽ giả lập các hoạt động hằng ngày của bạn như xem ảnh, viết văn bản, xem phim… và lặp đi lặp lại liên tục nhằm đánh giá thời gian Oncreen của máy. Kết quả thất bất ngờ khi A7 (6) đạt 10 giờ 32 phút sáng màn hình liên tục còn F1 Plus chỉ là 8 giờ 42 phút.
Trong một giờ lướt web liên tục F1 Plus giảm 16% pin còn A7 (6) là 12%, khi chơi game liên tục 1 giờ A7 (6) chỉ tiêu tốn 17% pin còn F1 Plus là 18%. Nếu bạn luôn sử dụng điện thoại cường độ cao, luôn bật 3G/Wifi, lướt web, Facebook… thì chắc rằng Galaxy A7 (6) mới là lựa chọn hợp lý hơn. F1 Plus chỉ phù hợp với những ai có tần suất sử dụng vừa phải mà thôi.
Tuy nhiên, F1 Plus lại hơn đối thủ về thời gian sạc, công nghệ sạc nhanh VOOC giúp sạc đầy 2.850 mAh chỉ trong vòng hơn 60p. Công nghệ sạc nhanh cũ kĩ Quickcharge 2.0, A7 (6) thì phải mất đến hơn 1 giờ 30 mới đầy được viên pin khủng của mình.
Xem thêm: Đánh giá pin Samsung Galaxy A7 2016
Phần mềm: ColorOS 3.0 của F1 Plus mượt, nhiều màu sắc đẹp mắt – Touchwiz tích hợp nhiều tính năng thông minh, tận dụng hết lợi thế màn hình to của A7 (6)
OPPO đã rất tự tin về ColorOS phiên bản 3.0 của họ và cho rằng nó sánh ngang với iOS. Trải nghiệm thực tế mình công nhận bản 3.0 này rất mượt, mượt hơn nhiều so với đời ColorOS cũ, nhưng độ ổn định chưa cao. Có lẽ đây là vấn đề xuất phát từ cả phần cứng nữa. Ngoài ra thì ColorOS không có nhiều thay đổi về tính năng.
Về phía A7 (6), giao diện Touchwiz truyền thống mang đến cho người dùng những chế độ sử dụng thông minh, tận dụng được hết lợi thế màn hình lớn như: Đa nhiệm chia đôi màn hình, pop-up và đây cũng là điểm mình thích, mình vừa có thể lướt Face và xem youtube không cần phải đắn đo chuyển tab hay bất cứ trở ngại nào khác. Trong mục này, cá nhân mình thích A7 (6) hơn dù rằng ColorOS 3.0 không hề tệ.
Cảm biến vậy tay: F1 Plus nhận cảm biến vân tay nhanh hơn A7 (6)
Nói thêm về cảm biến vân tay, F1 Plus được trang bị cảm biến vân tay siêu nhạy, theo công bố từ hãng, chỉ mất 0,2 giây để máy nhận và mở khóa. Mình cũng đưa ra một bài test nho nhỏ giành cho cả hai máy, quả thực cảm biến vân tay trên A7 (6) không thể bằng F1 Plus được. Lưu ý rằng, cụm cảm biến vân tay trên hai chiếc máy này không phải là cảm biến chạm-mở mà bạn vẫn cần bật sáng màn hình nếu muốn mở khóa.
Tóm tắt:
Tóm lại, Galaxy A7 (6) và F1 Plus đều là những sản phẩm có thiết kế đẹp, cấu hình phần cứng vừa phải chứ chưa thể gọi là mạnh trong tầm giá. F1 Plus trội hơn đối thủ về khoản “tự sướng” với camera selfie 16 MP, nhưng camera sau khi chụp auto lại tỏ ra thua thiệt hơn A7 (6), bù lại sản phẩm nhà OPPO tích hợp khả năng chỉnh tay thông số rất thú vị. Ngoài ra, công nghệ sạc nhanh VOOC giúp giảm thiếu tối đa thời gian sạc, về phía A7 (6) viên pin lớn 3.300 mAh đem đến thời gian sử dụng dài lâu cho sản phẩm. Nếu là bạn, bạn sẽ chọn sản phẩm nào, F1 Plus “tự sướng” ngon, hay A7 (6) pin “vừa lâu vừa dài”. Hãy cho mình biết ý kiến ngay phía dưới nhé.
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.