Bạn vẫn đang tìm kiếm một chiếc laptop cấu hình ngon và giá cả hợp lý? Câu trả lời chính là ROG Strix GL503, chiếc Gaming Notebook tới từ Asus. Hãy cùng xem chiếc máy tính xách tay này có gì nào.
Chiếc máy mình trải nghiệm có tên mã đầy đủ là Asus ROG Strix GL503VM và là phiên bản Hero Edition. Trong bài viết này, mình xin gọi tắt tên máy là Strix GL503.
Ưu điểm:
- Kiểu dáng đẹp bắt mắt
- Màn hình hiển thị tuyệt vời
- Cấu hình khủng và có hỗ trợ công nghệ VR
- Bàn phím LED RGB
- Trọng lượng nhẹ: 2.3kg
Nhược điểm
- Thiết kế vỏ nhựa
- Tiếng ồn phát ra từ quạt tản nhiệt hơi lớn
- Sẽ bị nóng bàn phím nếu sử dụng hiệu suất cao trong thời gian dài
Thiết kế
Nhìn bề ngoài, Strix GL503 gây chú ý với một đường chéo vát trên lưng máy cùng logo ROG nổi bật ở một bên. Điểm nhấn là khi sử dụng, logo sẽ sáng rực lên màu đỏ.
Tổng thể của Strix GL503 làm hoàn toàn bằng nhựa, thế nhưng khi cầm cho cảm giác rất chắc chắn.
Có lẽ Asus đã chọn vật liệu này để làm giảm trọng lượng cho máy. Cụ thể thì Strix GL503 chỉ nặng khoảng 2.3 kg, rất là tiện cho những người hay di chuyển.
Các cổng kết nối bên trái gồm có: cổng sạc, ethernet, thunderbolt, micro HDMI, 2 cổng USB 3.0 và còn lại là cổng tai nghe có kèm mic.
Bên cạnh phải, lần lượt là 2 cổng USB 3.0, cổng USB type - C và một khe cắm thẻ nhớ SD.
Hai loa ngoài của máy cũng được bố trí đối xứng nhau trên hai cạnh của máy, đặt gần hơn về phía người dùng.
Ngay cả các lá tản nhiệt cũng được sơn màu đỏ để hợp tông với máy.
Màn hình máy có góc mở tối đa 135 độ và có thể dễ dàng mở chỉ bằng một tay do thiết kế bản lề tốt.
Màn hình
Strix GL503 sở hữu màn hình 15.6 inch với độ phân giải Full HD. Độ sáng của màn hình này có thể lên tới 400 nits kết hợp với màn hình chống lóa nên cho khả năng sử dụng ngoài trời rất tốt. Vì đây là màn hình sử dụng công nghệ IPS nên cho góc nhìn rộng và thoải mái.
Ngoài ra Strix GL503 còn sở hữu tần số quét màn hình 120Hz, gấp đôi tiêu chuẩn hiện tại là 60Hz. Điều này giúp đem lại trải nghiệm hình ảnh tốt hơn khi chơi game, đặc biệt là các thể loại game bắn súng hay MOBA.
Cá nhân mình sau khi sử dụng một thời gian chiếc máy này cũng đã phải giảm độ sáng màn hình xuống một nửa khi sử dụng trong phòng, vì màn hình của Strix GL503 tốt tới mức thừa sáng luôn. Không giống như một số dòng laptop khác khiến mình lúc nào cũng phải bật độ sáng tối đa mà vẫn không đủ.
Bàn phím và bàn di chuột
Điểm ấn tượng đầu tiên với mình chính là chiếc bàn phím LED RGB có thể đổi màu. Nhờ đó mà chiếc Strix GL503 của bạn sẽ nổi bật hơn bao giờ hết trong đêm tối.
Hơn nữa, chiếc bàn phím này có 3 mức tùy chọn độ sáng kèm với khả năng đổi màu 4 vùng bàn phím với hiệu ứng nhấp nháy tùy chọn.
Phím bấm cho cảm giác mềm mại chứ không nảy cho lắm, hành trình phím dài (1.9 mm). Cảm giác khi gõ trên chiếc máy tính này khá thoải mái, tôi có thể gõ nhanh tới 60 từ/phút.
Trở lại với bàn di chuột trên Strix GL503 hoạt động tốt và hiệu quả. Nhưng điều đó cũng chẳng khiến cho mấy game thủ bận tâm, bởi họ không mấy khi dùng tới bàn di chuột mà luôn trang bị sẵn cho mình một chú chuột gaming.
Âm thanh
Nhờ vào công nghệ Sonic Studio 3 được tích hợp sẵn, nên những âm thanh được phát ra từ Strix GL503 nghe rõ và tuyệt vời, máy cũng có nhiểu tùy chỉnh từng chế độ như xem phim, chơi game, nghe nhạc, giao tiếp.
Khi chơi CS:GO trên Strix GL503 cho cảm giác định hướng không gian qua âm thanh từ loa rất tốt, tiếng súng, tiếng bước chân phát ra từ xa, gần, bên trái hay phải nghe rất rõ, giúp mình nắm bắt được vị trí của kẻ địch rất nhanh.
Hiệu suất
Máy sở hữu cấu hình khủng, bao gồm CPU Intel Core i7 - 7700HQ xung nhịp 2.8 GHz với công nghệ Turbo Boost lên tới 3.6 GHz, card đồ họa Geforce GTX 1060 3GB và 1 thanh RAM 8GB.
Mình đã sử dụng phần mềm NovaBench để đánh giá hiệu suất của Strix GL503. Cụ thể máy được 1891 điểm và nếu so sánh với dòng laptop gaming tầm trung thì Strix GL503 có hiệu suất lớn hơn hẳn 5%.
Mình cũng đã chơi thử hai game là Liên minh huyền thoại và CS:GO trên Strix GL503. Theo như mình nghĩ thì nếu mà sử dụng chiếc laptop này để chơi hai game đó thì hơi phí, mà nên chơi những game khác đỉnh hơn như: GTA 5, Battlefield 1, The Division, The Witcher 3,...
Khi chơi Liên minh huyền thoại, mình đã bỏ giới hạn FPS và chỉnh về mức cấu hình cao nhất. FPS rơi vào khoảng 250 và giảm xuống thấp hơn một chút khi vào giao tranh.
Còn với CS:GO khi chỉnh lên cấu hình tối đa thì máy ổn định ở mức FPS 60. Nhưng khi giảm cấu hình xuống mức tối thiểu thì FPS tăng mạnh, xoay quanh ở mức FPS 250.
Mặc dù máy được hỗ trợ công nghệ VR nhưng do điều kiện hạn chế nên mình chưa thể sử dụng để trải nghiệm trên Strix GL503 được. Mong các bạn thông cảm.
Nhiệt độ và tản nhiệt
Sở hữu hệ thống quạt tản nhiệt kép nhưng khi chơi game liên tục với hiệu suất cao thì máy sẽ bắt đầu nóng, nhiệt độ cao nhất có thể lên tới gần 70 độ C. Khi mình chơi game trong thời gian dài sẽ cảm thấy hơi nóng ở gần tay trái khi đặt trên máy, nguyên có thể là do ổ cứng đặt ở gần vị trí này phải hoạt động với công suất cao. Để rõ hơn mời các bạn xem ảnh đo nhiệt độ ở dưới.
Còn với quạt tản nhiệt, nhờ phần mềm tích hợp sẵn trong máy mà ta có thể điều chỉnh tốc độ quạt quay nhanh hay bình thường để tản nhiệt tốt hơn. Thông thường quạt tản nhiệt được điều chỉnh một cách tự động (tức là quay nhanh hơn khi sử dụng tác vụ nặng và ngược lại).
Dẫu vậy, khi hoạt động thì hệ thống quạt tản nhiệt này đem lại tiếng ồn khá lớn. Nếu các bạn đeo tai nghe hoặc mở âm lượng lớn thì tiếng ồn này cũng không ảnh hưởng nhiều lắm tới trải nghiệm game.
Thời lượng pin
Pin trâu chắc chắn chưa bao giờ là điểm mạnh của các dòng laptop gaming nói chung và ngay cả Strix GL503 cũng vậy, nhất là khi máy lại dùng dòng CPU HQ của Intel. Mình có thể ngồi chơi CS:GO khoảng hơn 2 tiếng thì máy bắt đầu báo pin yếu và cần sạc. Nếu sử dụng với những tác vụ văn phòng bình thường như word, excel,... thì máy có thể trụ được tới 4 tiếng.
Tuy nhiên thì mình vẫn thích vừa cắm sạc vừa sử dụng hơn bởi khi đó Strix GL503 sẽ được cung cấp đầy đủ điện năng và cho trải nghiệm khi chơi game sẽ tốt hơn. Bằng chứng là khi chơi CS:GO, nếu mình không cắm sạc thì FPS khoảng 120 - 150. Còn khi đã cắm sạc thì FPS lên tới ngưỡng 300 là chuyện bình thường.
Kết luận
Tạm bỏ qua những khuyết điểm chung của dòng laptop gaming là pin yếu, máy nóng và tản nhiệt gây tiếng ồn lớn, chúng ta có thể thấy ROG Strix GL503 đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, với thiết kế đẹp, ấn tượng, cấu hình khủng chiến mọi game, màn hình đẹp sắc nét đi kèm với bộ bàn phím LED RGB và trọng lượng nhẹ chỉ 2.3 kg thì đây chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời cho các game thủ.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về chiếc Gaming Notebook này? Hãy cùng bình luận dưới đây nhé.
Xem thêm: Đánh giá Asus GL552V: Cỗ máy chiến game dưới 25 triệu khó có thể ngon hơn
Ngừng kinh doanh
Xem đặc điểm nổi bật
- Màn hình: 15.6", Full HD (1920 x 1080)
- CPU: Intel Core i7 Kabylake, 7700HQ, 2.8GHz
- Card: NVIDIA GeForce GTX 1060, 3 GB
- Chất liệu: Vỏ nhựa
- Khối lượng: 2.3 kg
Bài viết liên quan
-
'Bóc trần' những lý do chiếc laptop gaming Acer Nitro 5 AN515 58 đáng mua
12/12/24 -
Thời gian có hạn: Khách hàng mua laptop Asus ROG được nhận quà độc quyền 100%
19/11/24 -
Chiến thần chơi game tầm trung HP Gaming VICTUS 16 r0130TX có đáng xuống tiền?
30/10/24 -
Tìm đâu ra chiếc laptop gaming lại mỏng nhẹ như Acer Gaming Aspire 5 A515 58GM?
16/10/24 -
ASUS Gaming Vivobook K3605ZF hoàn hảo cho game thủ với giá chỉ 17.99 triệu đồng
01/10/24 -
Tận hưởng trải nghiệm gaming tuyệt đỉnh với laptop MSI Cyborg 15 AI A1VEK
18/09/24
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.