Sau khi những chiếc smartphone màn hình gập đầu tiên được ra mắt, nhiều nhà sản xuất laptop cũng bắt đầu nghĩ đến việc áp dụng thiết kế màn hình mới lên những thiết bị của mình, bởi sự đa dụng khó có thể chối cãi của công nghệ này. Hãng sản xuất mở đầu phong trào này chính là Lenovo với chiếc laptop màn hình gập đầu tiên trên thế giới Lenovo ThinkPad X1 Fold. Hãy cũng mình đánh giá chi tiết Lenovo ThinkPad X1 Fold trong bài viết này nhé.
Bài viết được dịch từ chuyên trang công nghệ The Verge.
Thiết kế gập đôi màn hình độc đáo của ThinkPad X1 Fold
Để nói về sự đa dụng từ thiết kế gập đôi màn hình thì sau đây, mình sẽ kể lại một ngày làm việc cùng với chiếc ThinkPad X1 Fold này nhé. Vào buổi sáng, trước khi bắt đầu công việc, mình thường nằm trên ghế sofa và sử dụng máy như một chiếc laptop mini để kiểm tra email, sau đó mình mở phẳng máy để biến thiết bị thành một máy tính bảng 13.3 inch và xem YouTube ở chế độ toàn màn hình.
Đến giờ làm việc, mình gạt giá đỡ phía sau máy ra, đặt lên trên bàn và để bàn phím rời ngay phía trước máy để làm việc. Mình có thể mở nhiều cửa sổ ở chế độ đa màn hình với Slack (phần mềm quản lý công việc) và Spotify ở trên cùng, giống như cách mình sử dụng một chiếc laptop 13 inch bình thường ấy.
Đầu giờ chiều, mình có một cuộc họp trên Zoom, nên mình quay trở lại nằm trên ghế sofa, mở chiếc máy như một quyển sách, với Zoom ở một bên màn hình và Slack ở bên còn lại. Sau buổi họp, vì lười quay lại bàn làm việc nên mình nằm luôn trên ghế và sử dụng chiếc máy ở dạng laptop mini đến hết ngày. Đó chính là một ngày làm việc với chiếc ThinkPad X1 Fold. Như các bạn thấy, mình đã có rất nhiều cách để sử dụng chiếc X1 Fold.
Đây cũng là thiết bị mà mình muốn đem theo nhất mỗi khi đi công tác bởi tính đa dụng, sự gọn nhẹ và thiết kế sang trọng. Chiếc X1 Fold được khoác lên một lớp da cao cấp cùng với chân chống ở mặt lưng giúp dựng đứng máy. Logo ThinkPad gợn chút sắc đỏ trông rất tinh tế và lịch thiệp. Phần duy nhất trông hơi rẻ tiền chính là phần viền màn hình hơi dày và được làm bằng nhựa, nhưng cũng vì thế mà màn hình được bảo vệ tốt hơn và giúp tay bạn nắm thiết bị chắc hơn mỗi khi dùng ở hình dạng tablet.
Tiếp theo là sự mỏng nhẹ mà màn hình gập đem lại. Khi gập đôi, chiếc ThinkPad chỉ to bằng một quyển sách bìa cứng (kích thước 299.4 x 236 x 11.5 mm, nặng 999 gam). Bàn phím rời mỏng đến mức bạn có thể kẹp gọn giữa hai phần màn hình. Túi đựng kèm theo cũng có ngăn đựng viết cảm ứng (stylus), tổng thể thiết bị cùng hai phụ kiện đi kèm vẫn vô cùng gọn nhẹ, phù hợp để đem đi bất kỳ đâu.
Lenovo cũng khẳng định sản phẩm đạt chuẩn độ bền quân sự MIL-STD 810H, đồng nghĩa thiết bị có khả năng chịu được môi trường ẩm ướt, bụi, cát, nhiệt độ cao và chống sốc va đập. Điều này càng giúp người dùng yên tâm hơn về độ bền và sẵn sàng đồng hành cùng chiếc ThinkPad X1 Fold đến mọi nơi.
Màn hình gập trên chiếc ThinkPad X1 Fold vừa độc đáo lại vừa chất lượng
Trước khi bàn đến chất lượng hiển thị, bạn sẽ vui mừng khi biết bạn không bị nhìn thấy nếp gấp màn hình lúc sử dụng máy ở dạng tablet (chỉ có thể thấy khi màn hình tắt hoặc dùng ở dạng quyển sách). Phần bản lề cũng đã được Lenovo thiết kế rất chắc chắn, bạn phải dùng cả hai tay cùng với lực đủ mạnh để gập mở máy, nghe có vẻ bất tiện nhưng với độ chắc chắn đó, máy sẽ không bao giờ gặp hiện tượng rung màn hình hay tuột bản lề.
Màn hình OLED của chiếc X1 Fold có kích thước tổng thể là 13.3 inch, độ phân giải 2K (2.048 x 1.536 pixels), tỷ lệ màn hình 4:3. Màn hình này vuông hơn tỉ lệ 16:9 thường thấy trên laptop nên bạn có thể 'nhồi' vào cả tá cửa sổ mà không cần phải thu nhỏ màn hình. Ví dụ như mình có thể mở 2 - 3 cửa sổ Chrome cùng lúc với Slack, Zoom, hay những ứng dụng khác trên cùng một màn hình.
Trải nghiệm nhìn trên màn hình này cũng rất đã, tấm nền có độ bao phủ màu lên đến 100% dải sRGB, 100% dải Adobe RGB và 95 % dải DCI-P3, biến X1 Fold thành một thiết bị xuất sắc để xem video và cày phim. Để đánh đổi trải nghiệm đã mắt trên, màn hình sẽ rất bóng bởi nó được phủ gương và có độ sáng tối đa chỉ đạt 289 nit, có nghĩa là bạn sẽ gần như không thể sử dụng máy ngoài trời.
Trải nghiệm sử dụng trên ThinkPad X1 Fold đem đến nhiều cảm xúc... lẫn lộn
Về mặt phần mềm, Lenovo đã thực hiện nhiều thủ thuật giúp cải thiện trải nghiệm trên chiếc X1 Fold. Ví dụ như phần mềm Pen Settings cho bạn tùy biến những thao tác với bút cảm ứng (copy, paste, xóa, tắt mở nhạc, tăng giảm âm lượng,...), hay tính năng Mode Switcher giúp bạn chia đôi màn hình dù đang sử dụng máy ở dạng nào. Những tính năng này thể hiện rằng Lenovo quan tâm đến những tiềm năng của ThinkPad X1 Fold chứ không đơn thuần chỉ làm một thiết bị có màn hình gập là xong. Tuy nhiên nếu xét về hiệu năng, bạn sẽ thấy đây chỉ mới là một sản phẩm thuộc giai đoạn đầu mà thôi.
Trước tiên, mình phải công nhận với con chip Intel Core i5-L16G7, chiếc Fold hoạt động khá ổn định dù phải xử lý nhiều thao tác như nhận diện rằng máy đang đứng thẳng hay ngang, đang gập hay mở, đang gập ít hay nhiều và bàn phím nằm ở đâu,... Máy vẫn mở được nhiều phần mềm và tab Chrome cùng một lúc mà không hề có hiện tượng giật lag. Tuy vậy, tính tương thích giữa chiếc Fold và hệ điều hành Windows 10 vẫn còn vài vấn đề.
Thứ nhất, thỉnh thoảng khi mình sử dụng bàn phím ngoài, chiếc máy không phát hiện ra và vẫn hiện bàn phím trong màn hình mỗi khi mình click vào một hộp thoại. Hay đôi khi bàn phím trong màn hình không hiện lên ngay mà mình phải click vào hộp thoại vài lần mới được. Khi sử dụng máy ở dạng mini laptop để họp online trên Zoom, webcam của bạn sẽ quay theo góc nghiêng chứ không tự điều chỉnh thẳng đứng.
Tiếp theo, chiếc X1 Fold có phần hơi chậm so với những chiếc laptop doanh nhân cùng phân khúc, những tác vụ như khởi động máy, mở File Explorer hay bật chế độ toàn màn hình đều có cảm giác hơi chậm hơn bình thường và đôi khi khiến mình mất kiên nhẫn. Hầu hết những lỗi vặt trên không phải do máy yếu mà thiên về việc Windows và các phần mềm chưa được tối ưu tốt trên máy hơn. Lenovo cũng ghi nhận những lỗi trên và đang cố gắng sửa chữa, mình tin theo thời gian thì hãng sẽ xử lý được những vấn đề này thôi.
Điểm trừ đến từ bản thân chiếc máy lại nằm ở thời lượng pin. Đối với những tác vụ làm việc hỗn hợp (12 tab Chrome, mở vài ứng dụng, thỉnh thoảng mở Spotify, xem Youtube và gọi điện trên Zoom), chiếc máy kéo dài được khoảng 4 tiếng 50 phút, nếu bạn bật chế độ Tiết kiệm pin tích hợp của Intel thì máy có thể trụ đến 5 tiếng 35 phút. Đây là một thời lượng chấp nhận được với viên pin 50 Whr, nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều đối thủ (Máy tính bảng Surface Pro 7 có thời lượng pin lên đến 7 - 8 tiếng).
Cuối cùng, bàn phím rời và touchpad có kích thước khá nhỏ để sử dụng thoải mái. Mình hiểu Lenovo cần làm một bàn phím nhỏ để có thể kẹp gọn gàng vào giữa máy, nhưng việc này vô tình khiến trải nghiệm gõ và vuốt chuột vô cùng tù túng. Thậm chí nhiều phím đáng lẽ tách rời trên bàn phím thông thường phải bị gộp lại, khiến bạn phải dùng nhiều tổ hợp phím phức tạp để xuất đúng ký tự mình muốn. Ví dụ, để có dấu chéo ngược '\', bạn phải nhấn tổ hợp Fn+8, đây sẽ là ác mộng đối với dân lập trình.
Kết luận
Tóm lại, chiếc Lenovo ThinkPad X1 Pro là một thiết bị rất độc đáo. Chiếc máy không có lỗi lầm gì ở tính năng gập bởi Lenovo đã chăm chút rất kỹ sự khác biệt này. Chiếc máy trông cũng rất đẹp và được hoàn thiện chắc chắn. Tính đa dụng của màn hình gập cũng rất có ích cho công việc.
Tuy nhiên, lý do mà sản phẩm chưa được đánh giá cao là bởi đây là một chiếc laptop, được định giá như một chiếc laptop. Và nếu bạn chưa biết, mức giá của chiếc X1 Fold cũng cao ngất ngưởng, lên đến 2.499 USD (tương đương 57.5 triệu đồng), chưa kể đến việc bạn phải mua riêng bàn phím rời và bút cảm ứng, khiến tổng giá của cả bộ là 2.749 USD (tương đương 63,3 triệu đồng). Ở tầm giá này, bạn chắc chắn sẽ dư sức sở hữu được một chiếc ultrabook cao cấp như XPS của Dell hay thậm chí là Lenovo ThinkPad X1 Carbon rồi.
Vậy nên, mình phải tạm kết luận chiếc Lenovo ThinkPad X1 ở mức sản phẩm tiềm năng mà thôi và mình rất khó để giới thiệu chiếc máy này với bất cứ ai. Tuy nhiên, ta phải khen ngợi Lenovo vì đã dám tiên phong phát triển một mẫu sản phẩm mới lạ như chiếc ThinkPad X1 Fold này. Biết đâu một ngày nào đó, như dòng Galaxy Fold của Samsung, dòng laptop màn hình gập của Lenovo sẽ có những cải thiện ở thế hệ tiếp theo và thật sự trở nên phổ biến?
Bạn có cảm nghĩ gì về chiếc laptop màn hình gập đầu tiên trên thế giới? Hãy để lại ý kiến của mình ở phần bình luận bên dưới nhé.
Nguồn: The Verge
Bài viết liên quan
-
[CES 2025] Lenovo ra mắt loạt laptop gaming Legion mới với CPU Intel Core Ultra 9
09/01 -
[CES 2025] Lenovo ra mắt Yoga Slim 9i và Yoga Book 9i: Camera ẩn dưới màn hình, thiết kế hai màn hình độc đáo
08/01 -
Lenovo ThinkPad E14 Gen 6 - chiếc laptop dành cho người dùng "ăn chắc mặc bền"
30/12/24 -
Lenovo Yoga Slim 7 với thiết kế hoàn hảo và sức mạnh từ Intel Core Ultra 7
24/12/24 -
Trên tay Lenovo ThinkPad E14: Thiết kế sang trọng, độ bền cao, chip Intel Core Ultra 7 mạnh mẽ
24/12/24 -
Thế Giới Di Động và Lenovo ký kết hợp tác chiến lược, cùng nhau khuấy đảo thị trường Việt
20/12/24
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.