Đánh giá camera ZenFone Laser, nhiếp ảnh khá trong tầm giá 4 triệu đồng
Nhấn mạnh ngay từ cái tên, ZenFone Laser được trang bị công nghệ lấy nét tiên tiến, đèn flash LED hai tông màu, phần mềm thừa hưởng các tính năng camera tiên tiến từ đàn anh ZenFone 2. Tất cả tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm này nhưng liệu có đủ để giúp máy "xưng vương" về khả năng nhiếp ảnh ở phân khúc giá 4 triệu đồng?
Đi ngược xu hướng so với nhiều hãng khác khi phiên bản thấp hơn thường cắt giảm ở cả phần cứng lẫn phần mềm, ZenFone Laser được thừa hưởng tất cả những tính năng chụp ảnh trên chiếc ZenFone 2 vẫn đang nổi "đình đám" trong phân khúc tầm trung. Rất nhiều tính năng hay như: chế độ thủ công, chụp siêu độ phân giải, độ sâu trường ảnh, ảnh động GIF, hình thu nhỏ, tua lại giờ, quay phim slow motion, timelapse, ... có thể hơi nhiều so với nhu cầu sử dụng của cơ bản nhưng với người dùng đam mê nhiếp ảnh di động, đam mê sáng tạo thì sẽ luôn luôn có đất dụng võ.
Phần mềm máy tích hơp nhiều chế độ nhiếp ảnh đa dạng và phong phú.
Nhiều là vậy nhưng các tính năng đều khá dễ sử dụng và có hướng dẫn thao tác. Ở chế độ tự động, gặp những tình huống đặc biệt như ngược sáng, quá tối, … máy sẽ gợi ý các chế độ khác phù hợp ngay trên màn hình.
Đặc biệt tính năng chụp ảnh panorama trên máy rất thuận tiện khi cho phép người chụp có thể lia máy bốn hướng trái phải lên xuống để chụp ảnh, thay vì chỉ một kiểu từ trái qua phải như nhiều mẫu máy khác.
Tốc độ chụp và lưu ảnh của máy khá tốt so với các đối thủ cùng phân khúc, tất nhiên vẫn không thể kiểu "điện xẹt" như trên các sản phẩm cao cấp. Riêng với các chế độ như siêu độ phân giải, HDR máy lưu hơi lâu một chút vì cần thời gian xử lý bức hình.
Khả năng lấy nét là điểm nhấn mà người dùng quan tâm trên chếc ZenFone Laser. Nhờ trang bị đèn lấy nét Laser giúp máy nổi trội ở khoản này. Tốc độ lấy nét của nhanh hơn các thiết bị khác vốn chỉ dừng lại ở công nghệ lấy nét tương phản trong cùng phân khúc. Ở điều kiện ánh sáng tốt thì khó có thể thấy được điểm khác biệt nhưng khi trời đã nhá nhem tối hoặc thiếu sáng hơn nữa, công nghệ lấy nét mới trên ZenFone Laser mới thực sự phát huy hiệu quả, bắt nét tốt và đáng tin cậy.
Trời âm u về chiều nhưng máy vẫn bắt nét được các chủ thể chuyển động một cách dễ dàng.
Đèn flash LED hai tông màu mang lại cường độ ánh sáng lớn, không bị ám màu giúp đem lại sự tự nhiên cho chủ thể. Điều này thực sự hữu ích khi chụp người hoặc tĩnh vật trong điều kiện thiếu sáng. Vì thế đây là điểm đáng ghi nhận ở máy khi hầu hết các điện thoại khác trong phân khúc thường mới chỉ dừng lại ở một đèn flash.
Ảnh áp dụng chế độ Thiếu ánh sáng, không dùng đèn flash.
Ảnh chụp tự động với đèn flash LED hai tông màu.
Nếu như những trang bị, tính năng chụp ảnh trên ZenFone Laser gây ấn tượng trong phân khúc thì chất lượng ảnh chụp từ máy có một chút gì đó khiến người ta lưỡng lự. Khả năng cân bằng trắng tự động của máy hoạt động hiệu quả trong hầu hết các trường hợp, đem lại màu sắc tự nhiên, tươi tắn.
"Lựa cam phải vầy mới ngon nè con"
Ngàn hoa đua sắc ngày 20/10 mà tiền đâu mua hoa!?
Độ sắc nét trong ảnh được máy thể hiện ở mức khá tốt trong môi trường ánh sáng ban ngày nhưng nước ảnh chưa thực sự mịn, chi tiết vẫn còn một chút nhiễu, chưa sắc nét. Chúng ta hoàn toàn có thể mong chờ máy thể hiện tốt hơn khi máy có ISO ở mức rất thấp là 50 so với con số 100 trên hầu hết các smartphone hiện nay.
Ảnh crop 100%.
Một điểm lưu ý là máy gặp khó khăn khi thể hiện các chủ thể nhiều chi tiết với gam màu nóng như vàng, hồng, đỏ. Như hình bên dưới, bông hoa hồng bị bệt lại, trông rất khó coi. Có vẻ khả năng xử lý màu sắc của cảm biến trang bị trên ZenFone Laser chưa thực sự tốt.
Ảnh đã phóng to 100%.
Ở môi trường trong nhà với đầy đủ sáng, độ sắc nét của các chi tiết vẫn không suy giảm nhiều, vẫn duy trì mức khá. Khi này ISO máy vẫn cố gắng duy trì ở mức khá thấp chỉ trên dưới 100.
Ảnh crop 100%.
Đổi qua môi trường thiếu sáng hơn là ở ngoài đường với ánh sáng chính đến từ đèn đường, đèn xe, biển hiệu, để đảm bảo tốc độ thực thi ZenFone Laser bắt tăng ISO lên khoảng từ 300 – 400. Nhiễu hạt và bệt chi tiết do quá trình khử nhiễu đã làm giảm độ sắc nét của bức ảnh xuống mức trung bình.
Bức ảnh này có ISO 330, tốc độ màn trập 1/ 17 giây nhưng đã bắt đầu có nhiễu nhiều và hiện tượng bệt xuất hiện.
Trường hợp khó khăn hơn khi máy phải đối mặt với môi trường ánh sáng đèn heo hắt ở công viên vào ban đêm, chế độ tự động của máy đã không còn “giữ được phong độ” khi ảnh cho ra tuy độ sáng khá gần với thực tế nhưng chi tiết bệt nặng khi phóng lớn vì hậu quả của việc tăng ISO lên cao và khử nhiễu mạnh.
Chợt nhớ ra trên máy có trang bị hai chế độ chụp hình là Đêm và Thiếu ánh sáng. Đặc biệt với chế độ Thiếu ánh sáng đã được Asus giới thiệu rất nhiều với khả năng chụp trong môi trường thiếu sáng rất đáng nể mặc dù tấm ảnh cho ra có độ phân giải chỉ còn 2MP. Kết quả thực tế cho thấy nước ảnh đã sáng hơn và chất lượng ảnh đạt cấp độ “làm bằng chứng”. Chi tiết bệt rất nặng thành từng mảng, ví von một tí thì khi phóng lớn, bạn ngỡ như đang xem một bức tranh sơn dầu vậy. Không thể đòi hỏi nhiều ở khả năng camera của một chiếc smartphone tầm giá chỉ 4 triệu khi so với với sản phẩm hàng chục triệu đồng khác và cũng không nên tin hay kỳ vọng vào những lời quảng cáo làm gì.
Ảnh chụp bằng chế độ Đêm trên máy.
Ảnh đã crop 100%.
Chế độ Thiếu ánh sáng "ra tay".
Ảnh crop 100%.
Không tự động được thì ta chỉnh tay, chuyển sang chế độ Thủ công, máy cho phép người dùng thay đổi hầu hết các thông số từ ISO, cân bằng trắng, tốc độ màn trập, lấy nét tay. Đặc biệt, cân bằng trắng của máy được thể hiện ở dạng nhiệt độ màu Kelvin thay vì chỉ là các profile môi trường sáng như nhiều smartphone khác, chắc chắn nhiều người thích làm chủ các thông số máy ảnh trên smartphone (trong đó có người viết) rất thích vì nó chi tiết, biến hóa theo ý muốn người chụp tốt hơn.
Lấy nét tự động, ISO 100, tốc độ màn trập 1/2 giây.
Ảnh crop 100% cho độ sắc nét vừa phải.
Tuy nhiên khả năng phơi sáng tối đa chi 1/2 giây sẽ làm nhiều người chưng hửng. Một con số lưng chừng, không đủ lớn để camera có thể lấy đủ sáng trong những điều kiện thiếu sáng nghiêm trọng mà không phải tăng ISO lên cao, cũng chẳng đủ lâu để tạo nên sự lung linh ảo diệu của một bức ảnh phơi đêm đúng nghĩa.
Hãy cùng xem các chế độ chụp đêm và chỉnh tay phơi sáng trổ tài trong một cảnh tối đen đến "cùng cực":
Chế độ chụp tự động.
Chế độ Thủ công, ISO 200, tốc độ màn trập 1/2 giây, lấy nét tự động.
Chế độ chụp Đêm.
Chế độ Thiếu ánh sáng.
Với khả năng chụp ảnh panorama linh động như đã nói ở trên, ta có thể tin tưởng vào một thành phẩm có chất lượng tốt, ít bị lỗi ghép ảnh. Tuy nhiên chi tiết bức ảnh khi phóng lớn 100% thì không tốt như khi chụp thông thường.
Ảnh crop 100%.
Ảnh crop 100% vào vị trí khác.
Ảnh HDR hoạt động hiệu quả, cho bức ảnh có chi tiết nhiều hơn và vùng chênh sáng được xử lý tốt giúp bức ảnh hài hòa hơn.
Ảnh không HDR.
Ảnh có HDR.
Crop 100% ảnh không HDR.
Crop 100% ảnh có HDR, chi tiết có độ nổi khối cao hơn, tách bạch hơn.
Một điểm đáng lưu ý, thay vì sử dụng biện pháp 100% thuật toán phần mềm, ZenFone Laser cũng như trên ZenFone 2 khi sử dụng sẽ chụp nhiều tấm ghép lại nhằm đảm bảo đem lại hiệu quả cao và ổn định. Nhưng cũng vì thế nên chế độ này không phù hợp để chụp các chủ thể chuyển động liên tục như mặt nước, xe, người đang di chuyển, …
Vùng nước bị ghép lỗi do chuyển động.
Chụp cận cảnh trên ZenFone Laser khá thú vị nhờ tính năng Độ sâu trường ảnh, tuy không mới nhưng nó hoạt động hiệu quả, giúp người dùng có được những bức ảnh xóa phông khá ấn tượng. Vì vẫn là thuật toán xử lý nên tính năng này chỉ phù hợp với các chủ thể đứng im và đặc biệt phải cầm chắc máy trong quá trình điện thoại chụp nhiều tấm để cho ra thành quả cuối cùng.
Ảnh chụp bình thường.
Ảnh chụp ở chế độ Độ sâu trường ảnh.
Thêm một ảnh nữa dùng chế độ Độ sâu trường ảnh.
Siêu độ phân giải là tính năng kết hợp nhiều ảnh lại để cho ra bức ảnh có độ phân giải siêu cao được lần đầu Asus trang bị trong chiếc ZenFone 2 tiếp tục hiện diện trên ZenFone Lazer. Với máy ảnh chính 8MP nên ảnh cho ra khi dùng tính năng này sẽ có độ phân giải 24MP. Điểm mạnh của nó là sẽ giữ lại rất nhiều chi tiết trong từng bức ảnh bởi độ phân giải lớn giúp in ảnh khổ lớn chất lượng hơn, độ sắc nét khi phóng to cùng tỉ lệ so với ảnh chụp ở chế độ bình thường được cải thiện. Tuy nhiên vì “lạm dụng” nhiều thuật toán xử lý nên ảnh khi crop 100% thì chất lượng các chi tiết không tốt.
Ảnh chụp bình thường.
Ảnh chụp HDR.
Ảnh chụp Siêu độ phân giải.
Crop 100% ảnh chụp bình thường.
Crop 100% ảnh chụp HDR.
Crop 50% ảnh chụp Siêu độ phân giải cho tỷ lệ phóng lớn tương đương 100% ảnh chụp bình thường.
Crop 100% ảnh Siêu độ phân giải.
Camera trước của Zenfone Laser có độ phân giải 5MP, gọi là vẫn đủ để theo kịp nhu cầu tự sướng. Khả năng làm đẹp từng thành phần khuôn mặt, hẹn giờ chụp ảnh vẫn luôn là yếu tố quen thuộc làm nên một bức ảnh selfie đẹp lung linh, ảo diệu. Điều đó vẫn được thể hiện đầy đủ trên chiếc máy này.
Ở khả năng quay video, xin dành một lời khen cho Asus khi đã biết tận dụng tối đa khả năng phần cứng dù cấu hình sản phẩm không thực sự nổi bật với vi xử lý Snapdragon 410 và RAM 2GB. Người dùng vẫn sẽ có chế độ quay phim timelapse với tên Thời gian đã qua và slow motion dưới cái tên Chuyển chậm. Tất cả đều được lưu giữ lại ở định dạng Full HD. Riêng tính năng Thời gian đã qua có nhiều tùy chọn đa dạng khi có thể tua nhanh từ 1 đến 3 giây.
Hơi tiếc một tí khi tính năng Chuyển chậm chỉ có một tùy chọn là ở tốc độ 1/4X. Thực tế cho thấy video quay được bằng tính năng này có chuyển động chưa thực sự mượt mà cho lắm. Nhưng có lẽ đó là một khuyết điểm “đáng để quên” vì ta được thưởng thức ở mức Full HD và hơn hết mức giá, cấu hình sản phẩm này sở hữu không còn gì để chê trách so nhiều sản phẩm trang bị tốt hơn, phân khúc cao hơn nhưng tính năng timelapse, slow motion chỉ là cho có.
Video test khả năng quay phim bình thường, timelapse và slow motion trên Asus ZenFone Lazer
Lấy tên làm gốc, trang bị tính năng để tạo khác biệt, Asus ZenFone Laser là một sản phẩm có camera rất đáng quan tâm trong mức giá 4 triệu. Nhiều tính năng hay, khả năng lấy nét ấn tượng, chất lượng ảnh khá trong điều kiện đủ sáng giúp máy nổi bật so với nhiều đối thủ cùng phân khúc vẫn đang mãi mê khẳng định mình ở chất liệu thiết kế và cấu hình. Tất nhiên vẫn còn một đại diện khá thầm lặng vì ra đã lâu, đó là Nokia Lumia 730. Cuộc so tài ở lĩnh vực chụp ảnh của hai smartphone này hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn để chọn ra mẫu máy chụp đẹp nhất phân khúc.
Tổng kết
Ưu điểm
- Camera lấy nét nhanh, ổn định, đặc biệt trong điều kiện ánh sáng phức tạp
- Nhiều tính năng để sử dụng, trong đó có một số tính năng mang lại hiệu quả rất tốt
- Khả năng tối ưu hóa phần mềm lẫn phần cứng tốt để có thể quay video timelapse và slow motion ở độ phân giải Full HD
- Chế độ chỉnh tay đối với cân bằng trắng được chi tiết với nhiệt độ màu Kelvin
Nhược điểm
- Độ chi tiết chỉ ở mức khá, nhanh chóng suy giảm khi vào môi trường thiếu sáng
- Xử lý khối màu nóng trên các chủ thể nhiều chi tiết chưa tốt
- Một số tính năng, chế độ chụp cho chất lượng hình ảnh chưa cao
Nếu đam mê nhiếp ảnh di động và ưu tiên hàng đầu về camera trong khi chỉ có 4 triệu đồng? Bạn sẽ lựa chọn ZenFone 2 Laser hay các thiết bị Lumia cùng tầm giá?
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.