Cuộc chiến Apple và Samsung, bao giờ mới kết thúc?

Bốn năm qua, Apple và Samsung đã có nhiều cuộc đụng độ trên quy mô chưa từng có trong lịch sử. Cuộc chiến pháp lý này đã tiêu tốn đến gần 1 tỷ USD và trải dài trên 4 châu lục.
Khởi nguồn: chiếc iPhone thế hệ đầu tiên
Ngày 5/1/2007, bốn ngày trước khi chiếc iPhone bước ra ánh sáng, Apple đã đăng ký 4 bằng sáng chế thiết kế về hình dạng cơ bản của chiếc iPhone. Cùng với đó là 193 bức ảnh chụp màn hình về giao diện người dùng. Đây chính là bằng chứng để Apple khởi kiện Samsung – nhà cùng cấp của họ vào ngày 15/4/2011, về hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sản phẩm của Samsung. Nexus S, Epic 4G, Galaxy S 4G và Samsung Galaxy Tab đều dính dáng tới vụ kiện này.

Bằng chứng của Apple là hình ảnh so sánh song song hai chiếc iPhone 3GS và Galaxy S, chúng khá tương đồng ở cách đóng gói và biểu tượng ứng dụng. Tuy nhiên, Samsung đã cáo buộc Apple nộp bằng chứng gây hiểu nhầm khi cố tình giả mạo khiến kích thước và tính năng của hai sản phẩm khác nhau trở nên giống nhau hơn.
Chỉ sau đó vài ngày, ngày 22/4/2011, Samsung kiện ngược trở lại Apple, cáo buộc công ty này vi phạm bằng sáng chế của Samsung về công nghệ liên lạc di động. Cuộc chiến dường như đã bắt đầu từ thời điểm này.
Xem thêm: Lịch sử Apple qua ảnh: Từ khi ra đời đến lúc ra mắt iPhone đầu tiên!
Trải dài trên 4 châu lục
Apple đâm đơn kiện ở đâu, thì ngược lại Samsung lại đâm đơn kiện ngược trở lại Apple ở chỗ khác, ở cả châu Á, châu Âu, châu Mỹ và cả châu Đại Dương. Ban đầu, Samsung chỉ khởi kiện Apple ở tòa án tại Seoul - Hàn Quốc, Tokyo – Nhật Bản và cả ở Mannheim – Đức nhưng sau đó, hãng này còn gửi yêu cầu khởi kiện tới cả Tòa thượng thẩm Anh, Tòa cấp Quận bang Delaware – Mỹ và cả Ủy ban thương mại Mỹ.

Cuối tháng 8/2012, tại Tòa án Quận trung tâm Seoul – Hàn Quốc, các thẩm phán đã đưa ra các phán quyết riêng rẽ, theo đó Apple vi phạm hai bằng sáng chế của Samsung về kết nối không dây, trong khi Samsung vi phạm một của Apple về hiệu ứng “bounce-back” trên iOS. Cả nhà táo lẫn nhà sam đều chỉ bị cấm bán tạm thời các sản phẩm vi phạm, các sản phẩm mới thì không bị cấm bán. Cũng trong thời gian này, Tòa án cấp Quận Tokyo ra phán quyết Samsung không vi phạm bằng sáng chế về công nghệ đồng bộ hóa nhạc và video giữa các thiết bị và máy chủ (iCloud sau này) của Apple và buộc Apple phải hoàn trả chi phí pháp lý cho Samsung. Tòa án tại Đức thì ngược lại, và Galaxy Tab 10.1 đã bị cấm bán ở Đức, theo phán quyết của Tòa tại Dusseldorf.
Sau khi chiếc iPhone 4S ra mắt, Samsung đã nhanh chóng đâm đơn ra tòa tại Paris và Milan, những thị trường cao cấp trọng yếu, nhằm ngăn chặn Apple bán iPhone tại những thị trường này. Theo “nhà Sam”, iPhone đã vi phạm hai bằng sáng chế riêng biệt của Samsung. Đây là nỗ lực của Samsung sau khi chịu thất bại trước Apple tại tòa án ở Đức.
Đặc biệt, tại Hà Lan, cả hai ông lớn này có cuộc đối đầu trực tiếp, Apple kiện Samsung vi phạm ba bằng sáng chế, trong đó chỉ có bằng sáng chế về ứng dụng xem ảnh được ghi nhận là bị vi phạm, theo đó Samsung đã bị cấm nhập khẩu chiếc Galaxy S, Galaxy S II và Galaxy Ace vào thị trường này. Ngay sau đó, Samsung đã kiện ngược Apple tố nhà táo không có giấy phép sử dụng công nghệ mạng 3G nhưng bị tòa án bác bỏ.
Apple và Samsung còn đâm đơn kiện lẫn nhau, ở cả Anh và Mỹ. Dường như, cuộc chiến pháp lý giữa hai gã khổng lồ làng di động vẫn chưa tới hồi chấm dứt. Và trong cuộc chiến này, Samsung đang dần trở thành kẻ yếu thế.
Đụng độ dai dẳng, Samsung dần yếu thế
Chỉ riêng tại Mỹ, Apple đã thu về khoảng 700 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại, khi lần lượt các tòa án đều tuyên bố rằng Samsung "có tội". Thời điểm 2012, khi cuộc chiến mới vừa bắt đầu, Apple đã kiện Samsung vi phạm các bằng sáng chế của mình với số tiền lên tới 930 triệu USD. Tới nay, sau 4 năm, số tiền đó chỉ còn khoảng 548 triệu USD.

Nhờ thắng kiện trong năm 2013, Apple lại tiếp tục thu về khoảng 120 triệu USD từ Samsung. Tất nhiên, đó là chưa kể tới chi phí luật sư tới gần 60 triệu USD sau hai năm theo đuổi kiện tụng của Apple. Giả sử, Samsung chỉ mất trắng 700 triệu USD tiền bồi thường, thì thực tế thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần. Không phải ảnh hưởng trực tiếp của cuộc chiến pháp lý mà chính bởi doanh số khủng của những thế hệ iPhone sau này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các smartphone Galaxy của Samsung.
Samsung dường như vẫn ăn nên làm ra trong khoảng thời gian từ 2012 tới cuối năm 2013. Tuy nhiên, sau thời điểm đó, vận may không mỉm cười với họ, nhà Sam đã bắt đầu lâm vào cảnh thua lỗ. Đặc biệt, tới Quý 3/2014, mảng di động của Samsung gần như đã tê liệt hoàn toàn, kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng lợi nhuận. Vận đen vẫn cứ bám lấy họ khi công ty mất khoảng 6,2 tỷ USD lợi nhuận chỉ trong 6 tháng gần đây.
Cộng dồn tất cả thiệt hại Samsung đã phải hứng chịu từ Apple, trong cuộc chiến pháp lý này, gã khổng lồ xứ Cupertino đang có lợi thế rất lớn.
Xem thêm: Samsung mất 1 tỷ USD từ vụ kiện của Apple
Ghét nhau đến vậy, tại sao vẫn cần nhau?
Cuộc chiến có vẻ chưa có dấu hiệu kết thúc, tuy nhiên quan hệ giữa Apple và Samsung thì lại đang dần tan băng. Dường như họ nhận ra rằng không thể sống thiếu nhau! Hợp tác với Samsung, Apple có thể tiếp cận một trong những quy trình sản xuất chip tinh vi và lớn nhất thế giới. Có Samsung, Apple sẽ không còn phải lo thiếu chip nữa. Còn nhớ, có thời điểm, TSMC, đối tác gia công chip cho Apple, không thể đáp ứng kịp nhu cầu sản xuất của Apple. Với Samsung, điều đó sẽ không xảy ra. Ngược lại, Samsung lại có thêm đơn hàng mới cho mảng vi xử lý để bù đắp cho mảng di động vẫn đang “cắm đầu xuống đất”. Hiện tại, mảng bán dẫn đã chiếm tới hơn 50% lợi nhuận của Samsung, do vậy, nhà sam không thể không cần Apple, một ông khách sộp cần nhiều và chi đậm được.

Cuộc chiến chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều
Mặc dù đã có dấu hiệu tan băng, tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý giữa hai ông lớn Apple và Samsung sẽ không kết thúc một cách nhanh chóng. Hai ông lớn này lại sắp lôi nhau ra tòa vào năm sau, năm 2016. Bởi vì, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là thứ yếu, lợi nhuận mới là nguyên nhân chính. Khi mà lợi nhuận chi phối cuộc chiến này, thì không dễ gì hai ông lớn này buông tay. Apple có vẻ như đã đạt được một số thành công nhất định khi khiến mảng di động của Samsung lao đao, và ông lớn xứ Cupertino sẽ không từ bỏ phương cách có thể đem lại lợi thế lớn cho mình ở rất nhiều thị trường như vậy!
Bạn nghĩ cuộc chiến này đến bao giờ mới kết thúc, hãy chia sẻ với chúng tôi!
* Bài viết thể hiện quan điểm và ý kiến của tác giả!
Xem thêm: Cuộc chiến pháp lý giữa Apple và Samsung có tiến triển mới
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.