Tìm hiểu Continuum: Bước đột phá mới về công nghệ của Microsoft!
Continuum là khái niệm mới được Microsoft giới thiệu cách đây không lâu. Nó được xem như phần mở rộng, hay đúng hơn là bước tiến mới của dự án ứng dụng Universal được Microsoft âm thầm phát triển từ thời Windows 8. Bài viết sẽ cung cấp chi tiết về nó cho các bạn!
Toàn bộ ý tưởng của Ứng dụng Universal nhằm tạo ra môi trường ứng dụng có thể tương thích trên nhiều nền tảng Windows từ điện thoại, máy tính bảng đến máy tính truyền thống đồng thời phù hợp với nhiều kích cỡ màn hình khác nhau. Ví dụ, ứng dụng Mircosoft Word trên các thiết bị Windows Phone trước đây thường sử dụng ở dạng màn hình thẳng đứng, do đó không thể hiển thị được tất cả các tùy chọn thanh công cụ như trên máy tính thông thường và tất nhiên việc sử dụng trên một màn hình nhỏ như điện thoại là không phù hợp.
Thế nhưng, vấn đề sẽ khác khi ta sử dụng Microsoft Word trên một màn hình 20 inch và ứng dụng Universal sẽ giải quyết vấn đề tương thích. Khi đó, Continuum sẽ là cầu nối chính giữa các thiết bị cầm tay như điện thoại với màn hình lớn để sử dụng các ứng dụng Universal hoạt động một cách tốt nhất. Thực tế nên gọi Continuum là một công nghệ, bởi trong đó không chỉ bao gồm phần lập trình phần mềm mà còn đòi hỏi phần cứng phù hợp, do đó Continuum chỉ giới hạn ở một vài thiết bị đủ tiêu chuẩn của Microsoft hiện tại.
Video thử nghiệm Microsoft Continuum (nguồn: YouTube TheVerge)
Một phần quan trọng nhất của Continuum chính là Display Dock vừa được Microsoft giới thiệu. Display Dock là bộ kết nối nhỏ gọn trong lòng bàn tay, là nơi trung gian kết nối giữa điện thoại thông qua cổng USB-C đồng thời cũng có cổng HDMI để hiển thị ngõ ra trên một màn hình lớn. Ngoài ra, Display Dock còn được trang bị thêm 2 cổng USB tiện lợi để có thể gắn chuột và bàn phím hay bộ nhớ ngoài một cách dễ dàng.
Để dễ hình dung, hãy xem chiếc Windows Phone là bộ vi xử lý trung tâm (CPU) kiêm luôn cấu hình như bộ nhớ RAM, bộ nhớ dữ liệu,... và Continuum chính là phần bo mạch (mainboard), nơi chứa những linh kiện cùng các cổng kết nối để cấu thành một bộ máy tính thông thường. Một trong những điểm đặc biệt của Continuum là khi kết nối với bàn phím gắn ngoài, bạn hoàn toàn có thể chuyển đổi qua lại giữa những ứng dụng đang chạy bằng tổ hợp phím Alt-Tab quen thuộc trên Windows từ trước đến giờ.
Rõ ràng Contiuum thực sự được xem như sự đột phá mới về công nghệ của Microsoft, đưa smartphone hay các thiết bị cầm tay của hãng lên một tầm cao mới, đồng thời biến Windows thành một hệ điều hành vững mạnh hơn bao giờ hết, nơi mà tất cả các thiết bị phần cứng của hãng cùng “hòa quyện” với nhau một cách nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, để có được sự thành công đó, Microsoft vẫn còn nhiều việc để làm…
Phát triển ứng dụng Universal
Continuum sẽ chẳng thể thành công nếu như kho ứng dụng của Microsoft không có những phần mềm tương thích. Ngoài những phần mềm mặc định của Microsoft như Office, Skype, Wunderlist, Bing Maps,… đã được hỗ trợ Universal từ lâu, gần đây Windows 10 còn được đóng góp thêm những ứng dụng tên tuổi lớn khác như Facebook, Adobe Photoshop Express, VLC, Here Maps,… và chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới. Thậm chí, Microsoft còn tung ra cả bộ công cụ phát triển phần mềm Universal cùng hướng dẫn cơ bản để các nhà lập trình, hay người dùng có thể làm quen và tự tạo ra những ứng dụng Universal mà mình thích.
Tuy nhiên, Microsoft cũng vấp phải một số rào cản nhất định với những hãng không chịu hợp tác. Điển hình nhất là Google, dù cộng đồng người dùng Windows Phone đã không ngừng kêu gọi hãng hỗ trợ từ những ngày đầu nhưng cho đến này trên kho ứng dụng của Microsoft vẫn thiếu vắng những cái tên quen thuộc như YouTube, Google Maps,…
Dẫu sao Windows 10 vẫn là một hệ điều hành còn rất mới mẻ, cần nhiều thời gian để Microsoft cùng các đối tác phát triển hơn nữa, đặc biệt là các ứng dụng Universal. Mục tiêu trước mắt của Microsoft cần hoàn thiện những ứng dụng Universal cơ bản trên dòng điện thoại Lumia 950 để tương thích hoàn toàn với Continuum khi chính thức lên kệ vào tháng 11 năm nay.
Cấu hình phần cứng nào để phù hợp với Continuum?
Thêm một câu hỏi lớn cũng hóc búa không kém mà Microsoft phải giải quyết hợp lý. Dòng sản phẩm Lumia 950 và 950 XL vừa được giới thiệu sử dụng bộ xử lý Qualcomm Snapdragon 808 và 810. Đây là bộ đôi vi xử lý mạnh mẽ nhất của Qualcomm hiện tại với 6 nhân (808) hay 8 nhân (810) và cùng hỗ trợ nền tảng 64-bit. Chắc chắn một điều: không một ứng dụng nào trên smartphone Windows Phone hiện tại có thể “làm khó” được bộ đôi vi xử lý này, nhưng khi mang chúng lên một màn hình lớn thông qua Continuum, cùng sự phức tạp của các ứng dụng Universal, thì chưa nói trước được điều gì.
Thông thường với một màn hình nhỏ bạn khó lòng thấy được độ trễ của xử lý, nhưng ở một màn hình lớn, chi tiết hơn, nhiều hiệu ứng hơn những cử chỉ đơn giản nhất như rê chuột hay mở thư mục cũng có thể dễ dàng cảm nhận được. Đó là chưa kể đến việc những vi xử lý Qualcomm đều dành cho các thiết bị di động, việc sử dụng để xử lý các tác vụ như máy tính bàn thì về lâu về dài liệu chúng có đảm đương nổi? Chưa biết hướng đi tiếp theo của Microsoft sẽ như thế nào, nhưng trước mắt lỗi quá nhiệt trên vi xử lý Qualcomm 8xx đã được hãng tạm thời giải quyết bằng công nghệ làm mát bằng chất lỏng tiên tiến trên Lumia 950/950 XL.
Continuum sẽ thành công?
Không thể phủ nhận thời đại di động đang lên ngôi, đang thay thế dần dần những thiết bị cồng kềnh. Bạn dễ dàng thấy được người ta có thể xử lý mọi tác vụ hàng ngày trên những thiết bị di động mọi lúc mọi nơi, thay vì ngồi một chỗ cố định như trước đây. Nay với Continuum, người dùng không chỉ có được sự thoải mái hơn nữa mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí cho việc sắm một chiếc máy tính nhưng vẫn bảo đảm hiệu năng tương tự.
Thực tế Microsoft với Continuum không phải là “đầu tàu” trong ý tưởng mở rộng thiết bị di động của mình. Trước đó vào năm 2011, Motorola đã từng có ý tưởng tương tự với sản phẩm Motorola Dock Station và Laptop Dock đi kèm với chiếc smartphone của mình. Nhưng do giới hạn cấu hình, cùng môi trường hệ điều hành không hấp dẫn nên dự án này sớm bị phá sản.
Motorola từng phá sản dự án tương tự Microsoft hiện tại
Tuy đi sau, nhưng Microsoft có một lợi thế rất lớn mà không phải bất cứ hãng công nghệ nào có được, chính là môi trường hệ điều hành Windows tương tác rất tuyệt vời giữa các thiết bị để bàn và di động. Đó chính là tiền đề để Microsoft phát triển Continuum! Dường như sau nhiều năm “ngó lơ”, Microsoft đang có những bước trở mình mạnh mẽ để tấn công vào thị trường di động, nơi mà tất cả công nghệ trong tương lai sẽ chỉ nằm trong một chiếc điện thoại nhỏ bé.
Có thể khẳng định: Đây là một bước đột phá mới về công nghệ, nhưng cũng sẽ là một trong những nguyên chính góp phần "giết chết" những thiết bị để bàn trong tương lai. Bạn có nghĩ như vậy không? Hãy cùng bình luận nhé!
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.