[Công nghệ] Nhận diện bằng mống mắt có thay thế vân tay để trở thành xu hướng bảo mật mới?
LG cho biết hãng sẽ trang bị công nghệ mở khóa bằng mống mắt (Iris Passport) cho flagship tiếp theo. Và trước đó, Fujitsu Nhật Bản cũng giới thiệu một chiếc smartphone tích hợp công nghệ này. Vậy mở khóa bằng mống mắt, hay nhận dạng mống mắt là gì? Hãy cùng tìm hiểu.
Mắt được coi là cơ quan có cấu tạo tinh vi nhất của cơ thể người chúng ta. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi đôi mắt là “cửa sổ tâm hồn”, người xưa nói rằng đôi mắt là nơi linh hồn trú ngụ. Bạn đã từng phải lòng ai đó chỉ bởi ánh mắt thoáng qua? Đôi mắt lưu giữ mọi hình ảnh chúng ta nhìn thấy và gửi chúng về bộ não để xử lý thông tin.
Mắt gồm hai thành phần chính là nhãn cầu và lòng nhãn cầu. Nhãn cầu có phần vỏ chứa giác mạc (Corea) và củng mạc còn lòng nhãn cầu chứa mống mắt (Iris) và đồng tử. Ở trung tâm đồng tử là thủy tinh thể, ở sâu trong cùng là võng mạc (Retina). Hiện nay, phần lớn các nghiên cứu về nhận diện mắt đều tập trung vào mống mắt và võng mạc.
1. Công nghệ nhận diện mống mắt là gì?
Công nghệ nhận dạng mống mắt (Iris Recognition) là phương pháp sinh trắc học sử dụng thuật toán hình ảnh để nhận dạng một người nào đó dựa vào cấu trúc phức tạp và độc nhất của mống mắt, thậm chí ngay cả khi họ đang đeo kính hoặc sử dụng áp tròng từ một khoảng cách nhất định. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng công nghệ này trong nhận diện công dân hay xác thực hộ chiếu.
2. Lịch sử
Năm 1936, bác sỹ nhãn khoa Frank Burch đã đề xuất khái niệm nhận dạng bằng mống mắt. Tuy nhiên phải đến năm 1985, Giáo sư Leonard Florn tại Đại học New York cùng Giáo sư Aran Safir tại Đại học Connecticut mới được cấp bằng sáng chế liên quan đến “Công nghệ nhận diện mống mắt”. Thuật toán nhận diện mống mắt đầu tiên được viết bởi Tiến sĩ John Daugman làm việc tại Đại học Harvard. Ông được cấp bằng sáng chế vào năm 1991. Nhờ đó các sáng chế đó, thử nghiệm nhận diện mống mắt được thực hiện bởi Cơ quan phòng thủ nguyên tử (DNA) của Mỹ vào năm 1995 đã thành công tốt đẹp.
Ý tưởng về công nghệ nhận diện võng mạc đã được đưa ra trên một tạp chí ngành Y từ năm 1935. Nhưng chỉ đến khi công nghệ phát triển, ý tưởng này mới được đưa vào thực tế. Và đến năm 1976, tập đoàn EyeDentify mới bắt đầu phát triển công nghệ này. Hiện nay, các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ nhận dạng mống mắt và nhận dạng võng mạc đã được cấp cho nhiều công ty, tập đoàn với mục đích thương mại hóa.
3. Nguyên lý hoạt động
Quá trình nhận diện mống mắt được thực hiện bằng cách sử dụng máy chiếu bước sóng nhìn thấy được hoặc tia cận hồng ngoại vào mắt người để ghi lại các chi tiết và cấu trúc phức tạp của mống mắt. Khi máy quét chiếu vào mắt, máy tính sẽ xác định các vị trí gồm đồng tử, mống mắt , lông mi, mí mắt, qua đó tìm ra các tham số như tần số, biên độ, phi. Máy tính sẽ phân tích các thông số này và biên dịch thành các dòng lệnh thành mẫu kỹ thuật số. Mẫu được mã hóa kỹ thuật số bởi thuật toán và các phép thống kê sẽ cho phép nhận dạng một người hay là ai đó đang đóng giả người đó. Sau khi biên dịch máy tính sẽ tiếp tục sử dụng thuật toán để so sánh mẫu đang quét với mẫu được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu với tốc độ khoảng một triệu mẫu mỗi giây, cùng sai số cực thấp.
4. Ưu, nhược điểm
Mống mắt được coi là bộ phận lý tưởng cho nhận dạng sinh trắc học. Nó được bảo vệ bởi màng trong suốt là giác mạc. Điều này giúp nó dễ dàng được nhận diện hơn là dấu vân tay, thứ có thể mất đi nếu trong quá trình lao động nặng. Ở khoảng cách xa mống mắt cũng dễ dàng được nhận diện hơn do cấu trúc chỉ gồm hai thớ cơ điều chỉnh độ rộng hẹp và hình dạng ít thay đổi.
Mống mắt được hình thành ngẫu nhiên trong quá trình mang thai, cũng giống như vân tay. Khó hay có thể nói là không thể có thể chứng minh mỗi mống mắt đều là độc nhất. Tuy nhiên, tỉ lệ nhận dạng hai người có mống mắt hoàn toàn giống nhau là cực thấp. Ngay cả với những người có đặc điểm di truyền giống hệt (anh em sinh đôi), hay mắt trái và mắt phải của cùng một người thì cấu trúc mống mắt cũng không giống nhau. Nếu bạn ngại tiếp xúc với bề mặt quét vân tay hay áp mặt vào máy quét võng mạc thì công nghệ này thực sự rất tiện lợi. Bởi công nghệ này có thể nhận diện cấu trúc võng mạc ở khoảng cách từ 10cm tới vài mét, nên hãy yên tâm bởi bạn sẽ chẳng phải chạm vào đâu cả.
Tuy nhiên nhiều máy quét mống mắt thương mại có thể dễ dàng bị đánh lừa bởi một tấm ảnh khuôn mặt hay mống mắt với độ phân giải cao. Các máy quét này không linh động và thường gây khó khăn cho những người quá cao hoặc quá lùn. Độ chính xác của máy có thể bị ảnh hưởng bởi nguồn sáng. Giá cả cũng là vấn đề lớn với những đơn vị muốn trang bị những cỗ máy này khi chúng đắt hơn đáng kể so với hệ thống bảo mật dùng mật khẩu hay thẻ từ.
Mặt khác, nhiều nhà hoạt động nhân quyền bày tỏ mối lo ngại công nghệ này có thể giúp chính phủ theo dõi công dân của họ ngoài ý muốn. Ngoài ra, tội phạm công nghệ cũng có thể lợi dụng các lỗ hổng để đánh cắp danh tính cá nhân.
5. So sánh với công nghệ nhận diện vân tay
Nhờ đặc tính ổn định và độc nhất của nó nên cho đến nay, nhận dạng dấu vân tay vẫn được xem là một trong những phương pháp sinh trắc tin cậy nhất. Thế nhưng, việc ứng dụng công nghệ nhận dạng sinh trắc học mới sẽ làm thay đổi quan điểm này.
Phương pháp nhận diện mống mắt được đánh giá là có độ chính xác cao so với các phương pháp nhận diện sinh trắc học khác, khi mống mắt có tới 266 điểm đặc trưng riêng biệt, so với chỉ 13 đến 60 điểm đặc trưng của các loại khác như vân tay, khuôn mặt, giọng nói. Hơn thế nữa, mắt người được cho là không thay đổi theo thời gian và môi trường. Thậm chí, sau phẫu thuật mắt hay đối với những người khiếm thị hoặc đeo kính, quét mống mắt không gây ảnh hưởng tới mắt hay bị suy giảm độ chính xác.
6. Kỳ vọng
Hiện nay, ngoài bảo mật bằng mật khẩu truyền thống, smartphone thường đi kèm bộ phận quét vân tay để nhận diện chủ nhân của nó. Điển hình là các thế hệ iPhone từ iPhone 5S trở lên hay Samsung Galaxy S6. Để thoát khỏi lối mòn này, Fujitsu (công ty tới từ Nhật Bản) mới đây vừa hợp tác với nhà mạng Docomo ra mắt chiếc smartphone đầu tiên tích hợp nhận diện mống mắt Arrows NX F-04G. Hãng cho biết bộ phận nhận diện mống mắt tích hợp trên Arrows NX F-04G có thể được dùng để vừa khóa/mở khóa máy, vừa có thể phục vụ cho thanh toán trên di động rất tiện lợi.
Về cấu hình, Arrows NX F-04G được trang bị màn hình 5,2 inch QHD, hệ điều hành Android 5.0, 3 GB RAM và 32 GB bộ nhớ trong. Máy cũng sử dụng chip xử lý 8 nhân Snapdragon 810 của Qualcomm, pin 3120 mAh cùng camera 21,5 MP. Chiếc smartphone này cũng được trang bị công nghệ truyền dữ liệu tầm gần TransferJet.
Smartphone Arrows NX F-04G có tích hợp nhận diện mống mắt của Fujitsu
Tương tự như nhiều smartphone khác của Fujitsu, sản phẩm này sẽ chỉ bán chủ yếu cho thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu tính năng nhận diện mống mắt được người dùng ưa chuộng và phổ biến rộng rãi, smartphone của Fujitsu có thể sẽ là hình mẫu để nhiều hãng smartphone khác học hỏi. Đến lúc đó, những chiếc điện thoại tích hợp nhận diện mống mắt sẽ trở thành xu hướng mới thay cho nhận diện vân tay như hiện nay.
Bạn có nghĩ công nghệ nhận diện bằng mống mắt sẽ trở thành xu hướng trong tương lai?
[poll id="110"]
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.