[Công nghệ] Làm thế nào để Facebook phát sóng internet đến nơi xa xôi?
Có những nơi trên thế giới mà không thể kéo dây cáp, cũng như không được phủ sóng điện thoại, việc đưa internet đến những nơi vùng sâu vùng xa như vậy là rất khó khăn. Tuy nhiên, Facebook và dự án internet.org của Mark Zuckerberg đã tìm ra biện pháp có thể giải quyết vấn đề này.

Từ máy bay không người lái...
Vừa qua, lãnh đạo mạng xã hội lớn nhất hành tinh Mark Zuckerberg đã đưa ra một dự án táo bạo, đó là đưa Wi-Fi đến cho tất cả mọi người trên thế giới bằng cách sử dụng máy bay không người lái phát sóng Wi-Fi từ máy bay. CEO Facebook chia sẻ trên trang cá nhân gần đây: "Chúng tôi rất vui mừng thông báo đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm ở Anh, trong nỗ lực kết nối toàn thế giới với internet".

Máy bay không người lái của Facebook mua lại có sải cánh rộng hơn chiếc boeing 737 và nhẹ hơn một chiếc xe hơi cỡ nhỏ. Hình ảnh máy bay không người lái mang internet đến mọi người được Mark Zuckerberg chia sẻ trên Facebook ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng mạng.
Người sáng lập mạng xã hội lớn nhất thế giới mô tả, với các tấm pin mặt trời gắn trên cánh, máy bay có thể đứng yên ở độ cao hơn 1,8 km trong vài tháng để mang "internet từ trên trời cao" đến với khoảng 4 tỷ người hiện vẫn chưa có internet.

Theo CNET, máy bay mẫu được dùng để thử nghiệm được đặt tên mã Aquila, có nghĩa là thiên ưng mang lưỡi tầm sét của thần Jupiter trong thần thoại Hy Lạp. Đây là những thành quả đầu tiên trong kế hoạch mang tên internet.org được hãng công bố năm ngoái, bao gồm việc phát triển máy bay không người lái, vệ tinh và tia laser để mang internet đến cho mọi người.
Theo thống kê, hiện có khoảng 10% dân số thế giới đang sống ở các khu vực hẻo lánh chưa có cơ sở hạ tầng Internet, và những chiếc máy bay không người lái của Facebook hứa hẹn sẽ đem mạng máy tính toàn cầu đến các khu vực này với chi phí không quá lớn.
...Đến dùng tia laser để phát sóng
Công nghệ mới này của Facebook sẽ sử dụng tia laser để có thể kết nối internet. Điều này sẽ giúp Facebook có thể cung cấp Internet đến mọi nơi, vượt qua mọi trở ngại về địa lý và môi trường, vì các chùm tia laser này sẽ được chiếu bằng máy bay không người lái hoặc vệ tinh. Do đó, nó có thể dễ dàng phủ sóng internet tới những nơi mà cáp quang và sóng điện thoại không vươn tới được.

Việc sử dụng laser để truyền tải kết nối internet được coi là lựa chọn tốt nhất, bởi những chùm ánh sáng tập trung được sử dụng để truyền dữ liệu có tốc độ nhanh hơn so với tín hiệu vô tuyến, giảm thiểu nhiễu hay gián đoạn trong quá trình truyền tải.
Trong khi các tia laser thông thường đều có thể nhìn thấy bằng mắt, nhưng theo thông tin được Mark đăng tải trên trang cá nhân của mình, thì các tia laser truyền tín hiệu internet này sẽ không nhìn thấy được bằng mắt thường.

Mặc dù vị CEO này không nói rõ cách thức mà các tia laser này hoạt động để có thể truyền tín hiệu internet, nhưng trước đây, Facebook cũng đã từng nhắc đến công nghệ này. Trong buổi giới thiệu thiết bị bay không người lái của mình, dùng để phủ sóng internet trên toàn thế giới, Facebook có nói:
“Các tia laser được sử dụng trong hệ thống Free-Space Optics sẽ cung cấp băng thông và dung lượng cực cao, ngang ngửa với cáp tốc độ quang trên đất liền. Tuy nhiên, để có thể truyền dữ liệu bằng tia laser trong không khí, nó đòi hỏi trên quãng đường truyền tia laser không được có vật cản. Cũng có nghĩa là những đám mây, hay điều kiện thời tiết xấu có thể sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng đường truyền”.

Free-Space Optics (FSO - Quang học không gian), cũng được gọi là Free-Space Photonics (FSP), về lý thuyết thì FSO cơ bản giống như đối với truyền dẫn cáp quang. Sự khác biệt là các chùm tia năng lượng được điều hướng và gửi trong không khí từ nguồn đến đích, chứ không phải là cần thông qua một sợi quang. Nếu nguồn năng lượng không tạo ra một chùm tia song song đủ để đi một khoảng cách cần thiết, chuẩn trực có thể được thực hiện bằng một ống kính.
Tại nguồn, năng lượng có thể nhìn thấy hoặc hồng ngoại được điều chế với các dữ liệu được truyền đi. Tại các điểm đến, các tia này bị chặn bởi một tách sóng quang, các dữ liệu được chiết xuất từ các chùm tia có thể nhìn thấy hoặc IR, từ đó các tín hiệu quả được khuyếch đại và gửi đến phần cứng. Hệ thống FSO có thể hoạt động trên một khoảng cách vài km, miễn là có một đường đi rõ ràng giữa nguồn và đích.
Mặc dù hệ thống FSO có thể là một giải pháp tốt cho một số nhu cầu kết nối mạng băng thông rộng nhưng vẫn có những hạn chế. Quan trọng nhất là khi nhiều điều kiện thực tế như mưa, bụi, tuyết, sương mù, khói sương có thể ngăn chặn con đường truyền dẫn và dĩ nhiên là không thể kết nối các mạng.
Hiện tại Facebook vẫn đang thử nghiệm công nghệ này và chưa cho biết bao giờ nó sẽ được đưa vào sử dụng!
Facebook đang có hàng "tấn tiền" để phục vụ mục đích đưa internet miễn phí đến tất cả mọi người trên thế giới, nhưng liệu điều này có thành hiện thực hay không? Chúng ta hãy cùng chờ xem! Còn bạn, bạn thích cách mà Facebook dùng máy bay không người lái và tia laser để phát sóng internet hay không?
Xem thêm: Internet.org và tham vọng thống trị của Facebook!
Thegioididong (Tổng hợp)
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.