Chuẩn bị bước sang 2016 rồi, hãy dùng miệng thay vì tay để thao tác điện thoại!?

Thời buổi giờ xuống phố mà vừa đi vừa gọi điện thì gần như xác định chiếc điện thoại của bạn sẽ sớm bị ép "chuyển nhượng" sang chủ nhân khác hoặc thậm chí trong tình huống tệ hơn là mất đi cả chiếc điện thoại và cánh tay. Vậy tại sao bạn không nghe máy theo cách gián tiếp từ tai nghe bluetooth sẽ an toàn hơn?

Bạn không chỉ có thể triển khai các cuộc gọi thông qua tai nghe bluetooth mà còn có thể ra lệnh bằng giọng nói trên hầu hết smartphone Android, iPhone và Windows Phone. Với khẩu lệnh, bạn không còn phải mất nhiều thời gian gõ bàn phím để tìm kiếm thông tin hay địa chỉ nhà hàng nào đó (đôi khi còn gõ sai chữ),... Tất cả thao tác và thông tin phản hồi đều nhanh chóng được đáp lại bởi các trợ lý ảo hết sức thông minh, bao gồm: Google Now, Apple Siri, Microsoft Cortana hay thiết bị Echo của Amazon chẳng hạn.
Những tinh hoa công nghệ kể trên đều xuất phát từ xu hướng trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence - AI). Cụ thể hơn trong khoa học máy móc được gọi là "Deep Learning" đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của các "ông lớn" và hai tập đoàn công nghệ hàng đầu hiện nay: Google và Microsoft cũng không thiếu phần trong công cuộc nghiên cứu mảng này. Deep learning là thuật toán dựa trên một số ý tưởng từ não bộ với việc tiếp thu nhiều tầng biểu đạt, cả cụ thể lẫn trừu tượng, qua đó làm rõ nghĩa của các loại dữ liệu và đang được ứng dụng chủ yếu trong nhận diện hình ảnh, nhận diện giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Mạng lưới AI được xây dựng càng “sâu” (deep) thì nó càng có khả năng học và nhận biết các khái niệm tốt hơn. Trong tương lai, người ta sẽ áp dụng AI nhiều hơn nhằm tạo ra những thiết bị thông minh hơn và tự máy tính hay smartphone sẽ cẩn trọng hơn. Chẳng hạn như, khi có email tới, các thiết bị này sẽ biết được đây có phải là thư rác hay không bằng cách đọc nội dung, xem xét mối quan hệ giữa người nhận và người gửi, sau đó suy diễn ra ý định của người gửi. Đây là một việc rất mất thời gian ngay cả với con người, nhưng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nói chung và deep learning nói riêng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng với những cỗ máy thông minh và tuyệt vời hơn.
Đúng là hiện tại khẩu lệnh vẫn chưa có thể nào thay thế hoàn toàn được nhập liệu thủ công bằng tay, ít nhất là ở khâu mở khóa bảo mật màn hình (không lẽ đang đứng giữa đường lại trực tiếp cho người khác biết mật khẩu của mình?), chưa kể việc nói chuyện với điện thoại kiểu đó ở nơi công cộng thường không mấy hay ho cho lắm, thậm chí là ở nhà cũng vậy: "Có đôi lần tôi trải nghiệm Google Now ở nhà và cứ thế mẹ tôi tưởng rằng nhà đang có khách..." Dĩ nhiên, chúng ta không thể nào phủ nhận được những bước tiến đáng kể hiện nay mà Google Now, Apple Siri và Microsoft Cortana đang thừa hưởng. Cũng nhờ chúng mà việc sử dụng smartphone ngày càng thú vị và tiện lợi hơn rất nhiều, so với chỉ suốt ngày bấm "mòn" bàn phím ảo. Như đoạn video minh họa dưới đây cho thấy, bạn chỉ mất tối đa 10 giây khẩu lệnh để tìm ra nhà hàng mì Ramen Nhật Bản được đánh giá tốt nhất ở San Francisco, mở cửa đến 10 giờ tối và cho đặt chỗ. Trong khi đó, với cách nhập liệu thủ công thì bạn phải mất đến tận 33 giây cho hầu hết các thao tác.
Bạn có thích dùng khẩu lệnh để sử dụng thiết bị số? Và hàng ngày bạn có thường "nói chuyện một mình" với smartphone hoặc máy tính bảng? Hãy để lại nhận xét cá nhân về xu hướng này trong tương lai ở bên dưới phần bình luận của bài viết này!
Minh Dương (tổng hợp)
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.