Cảm biến vân tay ở mặt sau & nằm trong màn hình, đâu mới là tương lai?
Việc các nhà sản xuất liên tục tăng tỷ lệ hiển thị màn hình trên thân máy đã dẫn đến tình trạng rất ít cảm biến vân tay mặt trước xuất hiện trong năm vừa qua. Vậy, trong tương lai, nó sẽ được đặt ở phía sau - cách làm phổ biến hiện nay hay di chuyển vào bên trong màn hình như số ít công ty (Vivo, Huawei) đã bắt đầu triển khai?
Tranh luận về vấn đề này, 2 phóng viên của trang GSMArena là Rossen và George đã chia sẻ những suy nghĩ khá thú vị, mời các bạn cùng theo dõi thông qua phần lược dịch của Thế Giới Di Động phía dưới.
Rossen: Cảm biến vân tay trong màn hình là tương lai
Nếu được lựa chọn, tôi sẽ giữ đầu đọc vân tay ở mặt trước, nhưng xu hướng làm viền màn hình mỏng đi đã, đang và sẽ đẩy cảm biến ra phía sau. “Cái cằm” (phần viền ở cạnh dưới) không còn đủ diện tích để đặt bộ phận này.
Tuy nhiên, máy quét vân tay phía sau tạo ra sự lúng túng trong quá trình sử dụng. Không nhiều nhà sản xuất đặt nó ở vị trí thuận tiện: có thể quá thấp, quá cao hoặc thậm chí đặt bên cạnh camera khiến người dùng dễ chạm nhầm.
Mặt khác, tôi lại thích những chiếc smartphone toàn màn hình, chúng mang lại không gian trải nghiệm rộng lớn mà không làm tăng kích thước tổng thể. Vì vậy, sự xuất hiện của cảm biến vân tay trong màn hình giữa cuộc cách mạng thu hẹp viền bezel là rất đúng lúc.
Thật khó để phủ nhận sự tiện lợi của cảm biến vân tay nằm ở mặt trước. Vị trí này giúp chúng ta truy cập nhanh chóng ở mọi thời điểm, không phải nhấc điện thoại lên để mở khóa khi nó đang nằm trên mặt bàn như cảm biến phía sau (bạn cũng có thể gõ mã pin hoặc vẽ hình mẫu, nhưng như vậy sẽ không thuận tiện bằng).
Cảm biến vân tay trong màn hình có thể chậm hơn một chút so với cảm biến thông thường, nhưng nên nhớ đây là một công nghệ tương đối mới. Nhiều công ty đang bắt đầu nghiên cứu, nên loại cảm biến này sẽ được hoàn thiện hơn trong vài năm tới.
Tất cả những gì chúng ta cần làm là chờ đợi đến khi sự khác biệt về tốc độ giữa cảm biến trong màn hình và cảm biến truyền thống không còn tồn tại. Trong thực tế, tôi rất vui khi thấy Vivo có thể phát triển nguyên mẫu APEX (có cảm biến vân tay trong màn hình) thành một sản phẩm thương mại.
Cuối cùng, theo tôi, đầu đọc vân tay nhúng vào màn hình sẽ là đỉnh cao của công nghệ vân tay.
George: Hãy sống với hiện tại
Với Vivo NEX S, mỗi khi thực hiện nhận diện bằng cảm biến, khu vực xung quanh cảm biến vân tay đặt dưới màn hình cần phải sáng lên. Thật tốt nếu nó luôn hoạt động ổn định. Nhưng sẽ như thế nào nếu nó chỉ hoạt động được 1/2 hay 1/4 thời gian sử dụng?
Điều tôi muốn nói ở đây là tuy mang tính thiết thực cao, công nghệ dành cho cảm biến vân tay trong màn hình vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tại, nó không thể cạnh tranh với cảm biến truyền thống về tốc độ lẫn độ tin cậy (khả năng nhận diện chính xác).
Vậy còn những loại cảm biến vân tay nằm ở mặt lưng, mà theo quan điểm của Rossen là bất tiện thì sao? Hãy sử dụng điện thoại trong vòng một tuần và bạn sẽ dần quen với nó. Bạn sẽ không nhìn nhận “tìm kiếm vị trí cảm biến” như một vấn đề nghiêm trọng. Thay vào đó, việc đặt ngón tay lên đúng vị trí sẽ trở thành bản năng.
Không thể phủ nhận rằng, có những vị trí cảm biến rất vô lý (trên bộ đôi Galaxy S8 và Note 8), nhưng như tôi vừa nói ở trên, vấn đề chỉ là thời gian để bạn biến mọi thứ trở thành một thao tác quen thuộc.
Tôi cũng thừa nhận rằng, đối với những mẫu điện thoại tích hợp cảm biến vân tay ở phía sau, việc sử dụng mã pin hoặc hình vẽ để mở khóa khi máy đang nằm trên mặt bàn là giải pháp không thật sự lý tưởng, nhưng chúng ta không có cách nào khác.
Có lẽ, các nhà sản xuất nên trang bị cảm biến phía sau cho hầu hết tình huống và một cảm biến đặt dưới màn hình cho trường hợp điện thoại nằm trên bàn. Tất nhiên, đó là trong trường hợp cảm biến thông thường ở mặt trước đã “chết”, nhưng thực tế vẫn có những thiết bị sở hữu chức năng này, như Huawei Mate 10 chẳng hạn.
Chiếc smartphone của Huawei cho thấy, dù xu hướng của thị trường là làm viền mỏng, các nhà sản xuất vẫn có thể thiết kế được một mẫu điện thoại với tỷ lệ hiển thị màn hình lớn mà vẫn còn chỗ đặt đầu đọc vân tay ở cạnh dưới.
Thế nên, theo quan điểm của tôi, từ nay cho đến khi cảm biến vân tay dưới màn hình đuổi kịp cảm biến thông thường về tốc độ và sự chính xác, nó chưa thể trở thành một công cụ hiệu quả mà chúng ta có thể gắn bó.
Trên đây là những nhận định của Rossen và George. Còn bạn thì sao? Bạn nghĩ gì về công nghệ và vị trí áp dụng cảm biến vân tay? Hãy chia sẻ những cảm nhận của mình thông qua phần bình luận phía dưới nhé!
Xem thêm:
- Bạn chọn cảm biến vân tay hay cảm biến 3D nhận dạng khuôn mặt?
- Trải nghiệm và đánh giá công nghệ vân tay dưới màn hình của Vivo: Tương lai là đây
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.