Cách chọn mua laptop học tập và văn phòng "chuẩn không cần chỉnh"
Đối với sinh viên từ chuyên ngành kĩ thuật cho đến kinh tế, lẫn những bạn đang làm việc trong môi trường văn phòng, laptop phục vụ học tập, giải trí và công việc đã trở thành "người bạn" không thể thiếu với chúng ta hàng ngày. Vậy, làm sao chọn được Laptop sinh viên phù hợp?
Phân khúc laptop dành cho những đối tượng này theo mình sẽ có 2 phân khúc: Từ 6 đến dưới 10 triệu và từ 10 đến khoảng 17 triệu đồng. Vậy chúng ta nên chọn mua như thế nào cho hợp lí với nhu cầu của mình?
1. Cấu hình: Dựa trên tính chất môn học - công việc
Với sinh viên kinh tế hay những bạn làm việc thường xuyên trên web, cần dùng các ứng dụng văn phòng từ Microsoft, rất ít đụng tới đồ họa. Chúng ta có thể chọn các mẫu laptop sở hữu chip Intel Celeron hoặc Pentium thuộc phân khúc 6 đến dưới 10 triệu đồng vì với nhu cầu như trên, hai dòng vi xử lí đã nêu hoàn toàn đáp ứng được điều này.
Nếu bạn thuộc khối kĩ thuật hoặc công việc yêu cầu chúng ta phải liên tục sử dụng các phần mềm đồ họa hoặc phần mềm giả lập, hoặc đơn giản bạn muốn có một chiếc laptop dùng lâu dài từ 4 năm trở lên... Lúc này laptop với vi xử lí Core i với i3 hay i5 nên được chọn mua dù giá của chúng dao động từ 10 đến 17 triệu đồng vì chỉ có những vi xử lí này mới có khả năng đáp ứng được công việc của bạn.
2. Dung lượng RAM: Phải từ 4 GB
Lúc mình đang thực hiện bài viết này, mình đang mở 7 tab trên trình duyệt Cốc Cốc. Và chỉ riêng việc lướt web như vậy đã chiếm mất của mình 1 GB RAM. Như vậy laptop với 2 GB RAM ở thời điểm này là không đủ. Ít nhất bạn phải tìm những mẫu laptop có RAM 4 GB trở lên.
Các nhà sản xuất cũng hiểu điều này nên hiện tại các mẫu laptop từ 6 triệu đồng đã có dung lượng RAM tối thiểu là 4 GB. Tuy nhiên từ 6 đến 10 triệu thường loại bộ nhớ của RAM sẽ là DDR3L cho hiệu suất thấp hơn dòng DDR4 trên các mẫu laptop từ 10 đến 17 triệu đồng. Nếu bạn muốn máy đa nhiệm tốt, mở được nhiều cửa sổ hay chương trình thì ta nên chọn laptop hỗ trợ RAM DDR4 nhé.
3. Ổ cứng: Tối thiểu 500 GB
500 GB là đủ để bạn lưu trữ dữ liệu của mình. Và các ổ cứng HDD trên các dòng laptop hiện tại có tốc độ truy xuất đã đủ ổn và cũng từ 6 triệu là bạn đã sở hữu được laptop có ổ cứng đạt mức dung lượng này.
Nếu muốn laptop khởi động, chạy chương trình, truy xuất file nhanh hơn, chúng ta có thể đổi sang ổ SSD nhưng giá thành sẽ rất đắt, vì vậy laptop dưới 17 triệu sẽ khó có ổ SSD.
4. Màn hình hiển thị: Tùy vào bạn
Bạn không khắt khe về mặt hình ảnh, chỉ cần xem phim thư giãn sau những giờ làm việc hay học tập mệt mỏi, màn hình HD là đã đủ vì nó sẽ giúp ta tiết kiệm chi phí, laptop từ 6 đến 10 triệu đã được trang bị màn hình có độ phân giải như vậy.
Nhưng khi chúng ta cần làm đồ họa, muốn màn hình sắc nét hơn, ít bị hiện tượng rỗ hạt, lúc này chấp nhận thêm tiền để đi lên phân khúc trên 10 triệu để có màn hình Full HD là điều chúng ta nên cân nhắc.
Ngoài ra độ lớn màn hình cũng cần được chú ý tới. Bạn làm đồ họa, phần mềm kĩ thuật hay muốn xem phim với màn hình lớn thì chúng ta nên chọn laptop màn hình 15.6 inch. Nếu bạn muốn linh động, nhẹ nhàng khi di chuyển thì ta nên chọn các mẫu màn hình 14 hay 13.3 inch nhé.
Một lưu ý thêm: Nếu bạn thường xuyên làm việc ngoài trời, nên chọn laptop ở phân khúc từ 10 triệu đổ lên vì nhiều dòng máy ở phân khúc này được trang bị màn hình chống chói nên sẽ dễ chịu cho mắt của chúng ta.
5. Các cổng kết nối: Chỉ cần lướt sơ
Để thuận tiện cho học tập, công việc máy phải trang bị đầy đủ các cổng kết nối: VGA, HDMI, LAN, USB 2.0 và 3.0,... Và bạn cũng không cần quá lo lắng về điều này vì gần như các dòng laptop hiện nay từ 6 triệu đã có đủ các cổng kết nối nói trên.
ĐẶT MUA LAPTOP HỌC TẬP, VĂN PHÒNG
Xem thêm: 6 bước "chuẩn không cần chỉnh" khi chọn laptop cho game thủ
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập để comment, theo dõi các hồ sơ cá nhân và sử dụng dịch vụ nâng cao khác trên trang Tin Công Nghệ của
Thế Giới Di Động
Tất cả thông tin người dùng được bảo mật theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi bạn đăng nhập, bạn đồng ý với Các điều khoản sử dụng và Thoả thuận về cung cấp và sử dụng Mạng Xã Hội.