Ngày nay, do smartphone đang dần bị loại bỏ jack cắm tai nghe, tai nghe Bluetooth là lựa chọn thay thế khả dĩ. Tuy nhiên, sau khi trải qua nhiều tháng tìm kiếm chiếc tai nghe Bluetooth phù hợp, phóng viên Bastian Siewers của trang AndroidPIT đã nhận ra rằng: Tai nghe Bluetooth hoàn hảo không hề tồn tại.
Tại sao anh ấy lại nghĩ như vậy? Mời các bạn cùng tham khảo những chia sẻ của Bastian được Thế Giới Di Động lược dịch lại phía dưới nhé.
Nếu bạn đang tìm kiếm tai nghe Bluetooth mới, câu hỏi đầu tiên cần đặt ra là: chọn loại nhét trong tai (in-ear), đặt áp vào tai (tai nghe on ear) hay trùm/bao phủ bên ngoài tai (over-ear).
Một số đặc điểm chính của từng dạng tai nghe có thể kể đến như sau:
- Tai nghe in-ear rất nhỏ gọn nhưng được nhét vào bên trong nên có thể làm đau tai và chất âm không thực sự ấn tượng bằng 2 loại tai nghe còn lại.
- Tai nghe on-ear mang lại sự cân bằng giữa chất âm và tính di động, nhưng nếu áp quá chặt sẽ gây khó chịu cho tai.
- Tai nghe over-ear có chất lượng âm thanh tốt nhất nhưng kích thước cũng lớn nhất, trông khá cồng kềnh.
Âm thanh hay thiết kế là quan trọng hơn?
Thông thường, ai cũng muốn có một chiếc tai nghe vừa đẹp vừa cho chất lượng âm thanh tốt. Đáng tiếc là, nhiều tai nghe trên thị trường tập trung vào thiết kế.
Cuối năm ngoái, tôi chọn thử mẫu B & O Play H8 (dạng over-ear). Do sử dụng thành phần kim loại, thiết kế của nó ấn tượng hơn hẳn chiếc Bose QC3 (dạng on-ear) có nhiều thành phần nhựa mà tôi từng dùng. Thế nhưng, âm thanh phát ra lại có phần mỏng và âm bass không thực sự bắt tai.
B & W PX cũng tương tự. Model này có thiết kế hoành tráng cùng chất lượng hoàn thiện cực kỳ ổn. Bạn cần làm quen vì vỏ tai nghe khá lớn với phần da chắc chắn, nhưng chi tiết này cũng không gây khó chịu lắm. Điều PX thực sự gây ấn tượng với tôi là tính năng.
Ví dụ, bạn không bao giờ phải dùng nút nguồn, vì tai nghe sẽ tự động dừng nhạc khi đặt xuống, tự động chuyển sang chế độ chờ nếu chưa được sử dụng trong vài phút và tự động bật khi bạn đặt nó lên tai trở lại.
Chỉ có điều, âm thanh lại không tương xứng. Chất âm giảm đi đáng kể khi chế độ khử tiếng ồn được khuếch đại. Nếu khử 100% tiếng ồn, PX giống như một tai nghe giá rẻ (thậm chí còn tệ hơn trong một số trường hợp).
Với chiếc V-Moda Crossfade Wireless 2 vừa được mang đến văn phòng, ấn tượng đầu tiên của tôi về vẻ ngoài là khá tốt, nhưng nó không cung cấp bất kỳ tính năng loại bỏ tiếng ồn nào.
Luôn là như vậy: Được cái này thì mất cái kia
Tôi chuyển sang Sony WH-1000XM2, Sennheiser PXC550 và Bose QC35 II. Cả 3 đều có những điểm mạnh riêng. Tai nghe của Bose thường chính xác, nhưng không thực sự sống động. Tai nghe Sennheiser có tính năng tự động dừng nhạc khi tháo tai nghe ra và âm thanh cũng khá cân bằng, dễ chịu. Cuối cùng, tai nghe Sony gợi lên cho tôi nhiều cảm xúc nhất, điều quan trọng khi bạn nghe nhạc.
Mặc dù vậy, cả 3 đều có điểm chung “chết người”: sử dụng chất liệu nhựa. Nhựa không xấu, và không phải loại nhựa nào cũng giống nhau, nhưng khi đã trải nghiệm tai nghe với chất liệu kim loại cao cấp, thật khó để bạn chấp nhận quay lại với tai nghe làm bằng nhựa.
Suy cho cùng, điều quan trọng nhất với tai nghe vẫn là chất âm. Và đó là lý do tôi chọn tai nghe Sony. Thật tiếc vì sau khi thử qua rất nhiều sản phẩm, tôi vẫn chưa tìm ra chiếc tai nghe Bluetooth hoàn hảo: được hoàn thiện tinh xảo, ngoại hình bắt mắt, sang trọng, độ bền cao và có chất âm tuyệt vời”.
Trên đây là những nhận định của Bastian về tai nghe Bluetooth. Còn bạn, bạn có kinh nghiệm gì trong việc nghe nhạc và lựa chọn tai nghe không dây? Cùng chia sẻ với mọi người thông qua phần bình luận ở phía dưới nhé.
Xem thêm:
- Tai nghe không dây cao cấp O-Free của OPPO có gì hay?
- AndroidPIT: Điện thoại không có cổng kết nối là một điều “điên rồ”